(GLO)- Ngay từ ngày đầu về nhận công tác tại địa bàn xã Chư Pơng (huyện Chư Sê), toàn xã chỉ có 1 chi bộ cơ sở với 29 đảng viên, 3 làng trắng đảng viên, 9/9 thôn làng trắng tổ chức đảng… Dù phải đối diện với vô vàn khó khăn, song 3 năm qua, đội Công tác địa bàn 351 (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Sê) đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với phương châm “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe” và “4 cùng”- Thượng tá Ngô Quốc Hưng- Đội trưởng Đội Công tác 351 cho biết.
Với phương châm ấy, Đội đã đặt ra chỉ tiêu cụ thể cho từng cán bộ, đội viên thực hiện. Ngoài, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân trên địa bàn, mỗi cán bộ, đội viên còn phải “cùng nói tiếng dân tộc” để có thể nghe được dân nói và nói được dân hiểu. Biết đây là việc không dễ thực hiện nên Đội đã đưa chỉ tiêu này vào nghị quyết với mỗi đồng chí phải tự học 3 đến 5 từ trong một ngày, rồi người biết nhiều dạy cho người biết ít.
Hơn nữa, mỗi ngày, cán bộ, đội viên phải xuống làng để học trong nhân dân rồi cuối tuần Đội sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả. “Với cách học đến đâu chắc đến đó, chỉ 3 tháng sau, 2/3 cán bộ, đội viên trong Đội đã có thể nghe được dân nói và nói được dân nghe. Từ đó, Đội có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và cùng tham gia giải quyết những mâu thuẫn, xích mích trong nội bộ nhân dân”-Thượng tá Hưng phấn khởi.
Cùng với đó, Đội cũng phát huy khả năng của già làng và những người có uy tín trong cộng đồng để cùng làm công tác dân vận, vận động quần chúng. Hàng ngày, đội phân công cán bộ, đội viên xuống từng thôn, làng gặp gỡ, tham mưu giúp đỡ Bí thư chi bộ và trưởng-phó các đoàn thể về cách tiến hành công tác dân vận sao cho hiệu quả.
Cũng theo Thượng tá Ngô Quốc Hưng thì công tác dân vận chỉ thật sự mang lại hiệu quả khi mỗi cán bộ, đội viên an tâm công tác và phải cùng xắn tay áo, đồng cam cộng khổ với nhân dân chứ không phải làm chỉ vì nhiệm vụ cấp trên giao. Với tinh thần đó, Đội đã chủ động tham mưu, phối hợp với Mặt trận, các ban ngành, ở đoàn thể ở xã và các thôn, làng tiến hành tuyên truyền, phát động các phong trào: quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; nhận diện “Tin lành Đê-ga”, bộ mặt thật của bọn phản động FULRO…
Cùng với đó, Đội đã phối hợp với các phòng, ban khuyến nông của huyện, các ban ngành, đoàn thể của xã tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cách phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi… Cụ thể, trong 3 năm qua, người dân trong xã đã trồng mới 53 ha cây hồ tiêu, 7 ha cao su tiểu điền, 19 ha cà phê và cải tạo được 9 ha vườn tạp. Không chỉ vận động bằng miệng, hàng ngày Đội đều phân công 3 đến 5 đồng chí xuống từng làng cùng làm với người dân, đồng thời tận tình hướng dẫn để người dân có thể hiểu và làm một cách thuần thục…
Bằng những việc làm cụ thể, Đội đã góp phần làm cho tình hình an ninh trên địa bàn từng bước đi vào ổn định và đặc biệt hơn là tình quân-dân ngày càng khăng khít.
Thượng tá Hưng cho biết thêm, thực hiện chủ trương của Quân khu, mỗi năm giúp địa phương “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, Đội đã chọn 2 gia đình có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ. Riêng với hộ gia đình ông Siu Blu, vợ bị tật nguyền, ba đứa con chưa đến tuổi lao động, một mình ông phải làm lụng nuôi cả nhà nên nhiều năm liền vẫn không thoát khỏi cái nghèo.
Thực hiện chủ trương trên, Đội đã tranh thủ tối đa nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ cho người nghèo, sử dụng nguồn kinh phí cấp trên và hàng ngày cán bộ, đội viên trực tiếp “cầm tay chỉ việc” để hướng dẫn gia đình cách thức làm ăn. Cùng với đó, Đội còn giúp về con giống, cây giống và tạo điều kiện để gia đình ông được vay vốn của ngân hàng… Với sự giúp đỡ tận tình, cuối năm 2011, gia đình Siu Blu đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo và Đội phấn đấu cuối năm nay sẽ tiếp tục đưa một hộ nữa ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Bên cạnh đó, Đội đã tổ chức cho cán bộ, đội viên tham gia lao động giúp dân trên địa bàn được hơn 700 ngày công để sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh, làm giọt nước, hái cà phê, tiêu... Riêng công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn cũng là nhiệm vụ được Đội đặc biệt quan tâm, bởi trong tiềm thức của một số người dân-đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn bị đè nặng bởi sự mê tín, hủ tục lạc hậu.
Vì vậy, để người dân có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình, Đội đã phân công đồng chí quân y của đội thường xuyên xuống làng khám-chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân nơi đội đang làm nhiệm vụ với 832 lượt trong 3 năm. Hơn nữa, Đội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tổ chức thực hiện “Hũ gạo tiết kiệm”. Số gạo tiết kiệm được mỗi tháng Đội hỗ trợ một gia đình thiếu đói 10 kg và đến nay, Đội đã hỗ trợ được 20 hộ với 200 kg gạo.
…Với phương châm “4 cùng” và “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe”-Đội đã có những việc làm vô cùng thiết thực và hiệu quả, góp phần giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đồng thời hoàn thành kế hoạch xóa 3 làng trắng đảng viên và 9 làng chưa có tổ chức đảng.
Phương Dung