(GLO)- Qua 10 năm (2009-2019) triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Gia Lai đã đào tạo nghề miễn phí cho gần 30 ngàn lao động ở 2 nhóm nghề: nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong đó, hơn 80% là lao động người dân tộc thiểu số và người nghèo. Sau khi học nghề, 86% người lao động đã có việc làm.
Nhiều mô hình đào tạo nghề hiệu quả
Mới đây, chúng tôi cùng đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) tỉnh có mặt tại một lớp đào tạo nghề nề ở làng Hlang, xã Hnol, huyện Đak Đoa. 30 nông dân của làng hoàn thành khóa học nề trong thời gian 45 ngày và đang chuẩn bị nhận giấy chứng nhận nghề. Khi được đề nghị thực hiện các thao tác kỹ thuật như: trộn cát, vôi, cách cầm gạch, bay để xây trụ cột độc lập, hầu hết học viên đều làm thành thục.
Thầy Nguyễn Kia-nguyên Trưởng khoa Xây dựng (Trường Cao đẳng Nghề) là người gắn bó với công việc dạy nghề nề cho lao động nông thôn đã gần 10 năm. Ông cho biết: “Dạy nghề cho lao động nông thôn khác với cho học sinh, sinh viên. Lớp học được tổ chức ngay tại nhà văn hóa hay nhà rông của làng. Học theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, vừa thực hành vừa kết hợp lý thuyết cơ bản dễ nhớ nên dù thời gian học ít nhưng học viên vẫn biết làm nghề”.
Một lớp đào tạo nghề điện được mở tại xã Ia Púch, huyện Chư Prông. Ảnh: Đ.Y |
Là người chăm chỉ và học giỏi nhất trong lớp đào tạo nghề nề ở làng Hlang, anh Alưm cười tươi khoe: “Lúc chưa tham gia lớp học nghề nề, mình đã biết xây bờ rào, chuồng heo ở nhà. Nhưng mình chỉ làm theo kinh nghiệm chứ chưa biết đo đạc, căn chỉnh sao cho tường được thẳng. Sau hơn 1 tháng học nghề nề, được thầy giáo hướng dẫn cách đo đạc, công thức trộn xi măng, cát, đá, đổ bê tông, căn dây vuông vức, mình thực hành dễ dàng, thuận lợi. Sau lớp học này, mình tự tin nhận công trình của bà con trong làng để làm”.
Bà Võ Thị Hoài Ân-Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Đak Đoa-cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm được UBND huyện giao nhiệm vụ trực tiếp dạy nghề cho lao động nông thôn và ký kết hợp đồng giáo viên cơ hữu để dạy nghề. Trên cơ sở yêu cầu nghề nghiệp của bà con mà Trung tâm lựa chọn nghề dạy. Hiện Đak Đoa có mô hình học nghề nề là hiệu quả nhất. Đặc biệt, xã Glar đã thành lập được tổ liên kết xây dựng cho những lao động đã qua đào tạo nghề nề.
Ở huyện Chư Prông, mô hình học nghề sửa chữa máy nông nghiệp và điện cũng thu hút nhiều lao động tham gia. Được giáo viên hướng dẫn phương pháp, kỹ thuật, học viên đều biết lắp đường dây điện trong gia đình và sửa chữa máy nông nghiệp hư hỏng. Thầy Lê Tiến Đông-Tổ trưởng Tổ dạy nghề (Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chư Prông) cho hay: Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm có thêm chức năng là dạy nghề lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trung bình mỗi năm, Trung tâm tổ chức 10 lớp dạy nghề (35 học viên/lớp) cho lao động trên địa bàn huyện, chủ yếu là các nghề: điện, nề, sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt. Sau khi kết thúc lớp học, 100% lao động đều tự tạo việc làm và vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập.
Nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn
Theo ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phát huy hiệu quả, hàng năm, tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo, chỉ đạo các địa phương chỉ tổ chức dạy nghề cho lao động khi xác định được việc làm, nơi làm việc, có thu nhập ổn định sau học nghề. Công tác đào tạo nghề nhờ đó được triển khai có trọng tâm, trọng điểm với mục tiêu cao nhất là giúp lao động nông thôn nắm bắt nghề, có việc làm ổn định và từng bước nâng cao đời sống. Các địa phương cũng đã chủ động rà soát nhu cầu học nghề của người dân, sau đó xây dựng kế hoạch, mở lớp đào tạo nghề phù hợp.
Tuy nhiên, theo ông Thành, bên cạnh những địa phương làm tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn thì vẫn có một số địa phương chưa chú trọng công tác này như huyện Chư Pah. Năm 2019, huyện Chư Pah được tỉnh giao chỉ tiêu đào tạo 280 học viên nhưng đến thời điểm này mới đạt 50% kế hoạch. Việc thanh-quyết toán chế độ cho người học, giáo viên giảng dạy cũng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do công tác chỉ đạo, điều hành chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho lao động còn thụ động; chưa đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý nghĩa của Đề án 1956 nên ý thức học nghề của người dân trong huyện còn thấp... Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa Trung tâm GDNN-GDTX huyện với doanh nghiệp trên địa bàn chưa chặt chẽ; cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề còn thiếu thốn. Ông Luyện Văn Toàn-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Pah-cho hay: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế; tham mưu, đề xuất cho Ban chỉ đạo Đề án 1956 của huyện nâng cao công tác tuyên truyền, chọn một số mô hình nghề nghiệp phù hợp với nông dân để đào tạo, gắn với giải quyết việc làm; đồng thời kết hợp đào tạo nghề với xuất khẩu lao động”.
Theo kế hoạch năm 2019, toàn tỉnh sẽ đào tạo nghề cho gần 3.000 lao động nông thôn. Đến nay, số lao động được đào tạo đã đạt gần 80% kế hoạch. “Với giải pháp quyết liệt, cách làm thiết thực, chất lượng đào tạo nghề đã từng bước được nâng cao. Chúng tôi sẽ nhân rộng các mô hình đào tạo nghề phù hợp cho các địa phương, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh”-ông Lê Văn Thành thông tin thêm.
ĐINH YẾN