"Đánh án" giữa tâm dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đóng quân trên địa bàn còn nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2020 đến nay, Công an huyện Như Xuân đã phá thành công hàng chục chuyên án công nghệ cao trên không gian mạng.

Đứng chân trên địa bàn huyện miền núi còn nhiều khó khăn vất vả nhưng trong những năm qua, Công an huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) vẫn là một điểm sáng trong đấu tranh triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm trên không gian mạng, trong đó chuyên án đấu tranh bắt giữ 5 đối tượng người Trung Quốc về tội "Chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền" giữa tâm dịch Covid-19 tại TP HCM. Đây là một chuyên án khó quên của cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Như Xuân.

Quyết định lao vào tâm dịch

Giữa tháng 7-2021, qua công tác theo dõi nắm tình hình trên không gian mạng, thiếu tá Lê Hữu Toàn - Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an huyện Như Xuân - đã phát hiện một đường dây sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi "Chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền" có yếu tố người nước ngoài.


 

Công an huyện Như Xuân trong một cuộc họp xây dựng kế hoạch triệt phá các ổ nhóm tội phạm trên không gian mạng
Công an huyện Như Xuân trong một cuộc họp xây dựng kế hoạch triệt phá các ổ nhóm tội phạm trên không gian mạng


Thông tin được báo cáo lên lãnh đạo và Công an huyện Như Xuân xin ý kiến Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa xác lập Chuyên án 009L để đấu tranh. Thủ đoạn của đối tượng là giả nhân viên ngân hàng gửi tin nhắn kèm đường link: www.bidddvsmart.com yêu cầu bị hại truy cập làm theo hướng dẫn để chiếm đoạt quyền truy cập tài khoản ngân hàng trên Mobibanking, rồi chuyển số tiền trong tài khoản của nạn nhân sang tài khoản "rác" của người thứ ba để chiếm đoạt.

Ròng rã suốt 2 tháng trời điều tra, Công an huyện Như Xuân đã xác định được ổ nhóm thực hiện thủ đoạn trên đang hoạt động tại TP HCM, do một số người Trung Quốc điều hành. Khó khăn là thời điểm này TP HCM đang trong tâm dịch Covid-19 của cả nước, nên lãnh đạo Công an huyện Như Xuân phân vân nên "đánh án" ngay hay để khi dịch bệnh lắng xuống.

Tuy nhiên, qua cân nhắc, tình hình dịch bệnh không biết khi nào mới hết, trong khi nếu không vào cuộc nhanh thì ổ nhóm này thay đổi phương thức hoạt động là mất dấu. Vì thế, Công an huyện Như Xuân quyết định lao vào tâm dịch "đánh án".

Do ổ nhóm tội phạm có yếu tố người nước ngoài, khác ngôn ngữ, hoạt động tinh vi theo nhóm ở nhiều nước khác nhau, nên đòi hỏi của việc phá án là phải rất cẩn trọng, không thể để xảy ra một sai sót nào trước khi "cất lưới".

Công an huyện Như Xuân đã cử 5 cán bộ, chiến sĩ, do thiếu tá Lê Hữu Toàn chỉ huy, vào TP HCM nằm vùng để nắm rõ chỗ ở, quy luật hoạt động của ổ nhóm.


 

Công an huyện Như Xuân thực hiện thường xuyên việc thăm hỏi, hỗ trợ các hộ gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. (Ảnh tư liệu của Công an huyện Như Xuân)
Công an huyện Như Xuân thực hiện thường xuyên việc thăm hỏi, hỗ trợ các hộ gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. (Ảnh tư liệu của Công an huyện Như Xuân)


Ngay khi đặt chân tới tâm dịch, TP HCM, tổ công tác nhanh chóng xác định được đối tượng Lu Zhanye (SN 1987, quốc tịch Trung Quốc) cầm đầu ổ nhóm đang thuê chung cư ở phường 7, quận 11. Các trinh sát chia nhau theo dõi, ngụy trang thành nhiều thành phần, công việc khác nhau để bám sát hoạt động, quy luật đi lại của đối tượng này như thế nào.

Sau 10 ngày mật phục, tổ công tác đã xác định rõ hành vi, quy luật phạm tội của Lu Zhanye nên báo cáo lãnh đạo Công an huyện chuẩn bị kế hoạch.

Nhận được tin báo từ tổ công tác, đích thân thượng tá Mai Anh Tiến - Trưởng Công an huyện Như Xuân, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT và trung tá Lê Văn Hiếu - Phó trưởng Công an huyện, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện - đã trực tiếp lao vào "tâm dịch", sát cánh cùng đồng đội phá án.

Sau khi nghe báo cáo, nắm bắt kỹ lại tình hình hoạt động của đối tượng một lần nữa, ngày 28-10-2021, Công an huyện Như Xuân phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) triệu tập Lu Zhanye để làm việc. Trước các bằng chứng không thể chối cãi, Lu Zhanye xin đầu thú và nhận tội.

Mở rộng điều tra, Công an huyện Như Xuân làm rõ và bắt giữ thêm 4 người Trung Quốc khác trong đường dây. Xét thấy vụ án đã ở giai đoạn vượt thẩm quyền, Công an huyện Như Xuân chuyển vụ án và 4 đối tượng trên cho Công an TP HCM thụ lý. Riêng đối tượng Lu Zhanye, sau khi di lý về Thanh Hóa, qua đấu tranh bước đầu xác định đối tượng này đã thực hiện hành vi "Rửa tiền" với số tiền trên 1 tỉ đồng.

Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Cơ quan CSĐT Công an huyện Như Xuân hoàn tất các thủ tục chuyển vụ án đến Công an tỉnh Thanh Hóa để thụ lý theo quy định của pháp luật.

Kỷ niệm khó quên

Việc triệt phá được ổ nhóm "Rửa tiền" tận TP HCM là một chuyên án khó quên của Công an huyện Như Xuân. Đặc biệt là khi đó TP HCM đang rất căng thẳng với việc chống dịch Covi-19 nhưng các chiến sĩ vẫn sẵn sàng lao vào gian khó, nguy hiểm để phá án. Đặc biệt nữa khi đây là chuyên án có yếu tố nước ngoài đầu tiên mà Công an huyện Như Xuân xác lập và đấu tranh.

13 năm công tác tại Công an huyện Như Xuân, trực tiếp tham gia không biết bao nhiêu chuyên án đấu tranh triệt phá các ổ nhóm phạm tội, thế nhưng cho đến giờ thiếu tá Lê Hữu Toàn vẫn còn nhớ như in những ngày sát cánh cùng đồng đội "nằm vùng" điều tra ổ nhóm tội phạm người Trung Quốc giữa tâm dịch Covid-19 tại TP HCM.

"Đây là chuyên án mà chúng tôi khó có thể quên được. Đó là một kỷ niệm rất đặc biệt. Anh em chúng tôi thường hay nói vui nhiều người lúc đó đang tìm cách tháo chạy khỏi tâm dịch thì chúng tôi lại đâm đầu vào. Rồi đồng đội và vợ con ở nhà cũng rất lo lắng cho chúng tôi. Nhưng tất cả vì nhiệm vụ, chúng tôi luôn sẵn sàng dù đi bất cứ đâu" - thiếu tá Toàn kể lại.

Chia sẻ về vụ án này, trung tá Lê Văn Hiếu cho biết chuyên án diễn ra ở một địa bàn rộng lớn, trung tâm kinh tế của cả nước và thời điểm đó lại đang là tâm dịch nên đối mặt rất nhiều khó khăn.

"Khi chúng tôi tới Công an phường 7, quận 11 nhờ hỗ trợ thì một nửa quân số của đơn vị này đang là F0, số còn lại là F1. Thế mới biết dịch bệnh Covid-19 lúc đó khốc liệt thế nào. Lúc ấy, chúng tôi phải tự khắc phục khó khăn. Một mặt tập trung phá án, một mặt phải tự lo cho bản thân để làm sao không nhiễm bệnh. Dù có lo lắng nhưng dần dần cũng an tâm. Chúng tôi lên đường, đại tá Khương Duy Oanh, lúc đó đang là Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa, vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên nên anh em cũng bớt lo lắng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ" - trung tá Hiếu chia sẻ.

Đóng quân trên địa bàn huyện miền núi còn nhiều khó khăn, thế nhưng trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2020 đến nay, Công an huyện Như Xuân đã xác lập, phá thành công hàng chục chuyên án công nghệ cao trên không gian mạng.

Riêng từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã xác lập, phá thành công 19 vụ. Ngoài vụ án đặc biệt giữa tâm dịch TP HCM đã kể, còn rất nhiều vụ khác mà Công an huyện Như Xuân đã đấu tranh, triệt phá thành công, được Ban Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tuyên dương, thưởng nóng.

Điển hình như Chuyên án 004B (tháng 6-2020) triệt phá đường dây đánh bạc sử dụng công nghệ cao với quy mô lớn và phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi trên mạng internet qua các ứng dụng game: Giauto.Club; Zindo Club; KimClub; Go86; Socvip… với số tiền giao dịch lên tới hàng tỉ đồng mỗi ngày; chuyên án 003A (tháng 1-2021), triệt phá thành công, bắt giữ 3 đối tượng quê Quảng Trị về hành vi chiếm đoạt tài sản (ổ nhóm này đã sử dụng công nghệ, thực hiện hành vi hack tài khoản của người khác để đánh cắp thông tin cá nhân, mật khẩu, mã OTP để nắm quyền truy cập, điều hành tài khoản ngân hàng của bị hại rồi chuyển tiền trong tài khoản đó sang nhiều tài khoản "rác" để chiếm đoạt).

Hay như vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ (tháng 1-2021), do Trương Phú Vương (SN 1990) và Nguyễn Thế Vinh (SN 1994; cùng ngụ huyện Hoằng Hóa) thực hiện. Đây là vụ án mà các đối tượng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý cả tin của những người dân thôn quê, vùng sâu vùng xa để tổ chức quảng cáo bán hàng, sau đó thực hiện hành vi lừa đảo.

Chiêu trò lừa đảo này xảy ra khắp các vùng quê, thế nhưng thời điểm đó nhiều nơi vẫn chưa triệt phá thành công.

 

Tội phạm trên không gian mạng rất tinh vi

Thượng tá Mai Anh Tiến cho biết "đánh án" trên không gian mạng rất khó khăn, bởi phương thức hoạt động của tội phạm rất tinh vi, đối tượng thường không xác định rõ ràng.

"Chính vì thế, trước khi xây dựng một chuyên án, chúng tôi phải nghiên cứu rất tỉ mỉ. Không gian mạng mênh mông, đủ các loại hình thức phạm tội. Khi tiếp nhận thông tin từ bị hại thì chỉ xác định được hành vi, còn con người - đối tượng cụ thể không có, toàn là những đối tượng ảo. Ngoài ra, những kẻ gây án chủ yếu tập trung ở tỉnh ngoài nên việc đi lại điều tra, xác minh cũng không hề dễ dàng chút nào. Nhưng nhờ sự nỗ lực của tập thể, sự nhiệt huyết của từng cán bộ, chiến sĩ, Công an huyện Như Xuân đã phá được nhiều chuyên án trên không gian mạng. Đây cũng là nguồn động viên to lớn, giúp chúng tôi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân" - thượng tá Mai Anh Tiến chia sẻ.

Theo Thanh Tuấn (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.