Dang dở dự án giao thông nghìn tỉ ở Quảng Ngãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giai đoạn 1 dự án đường Trì Bình-Dung Quất, được tỉnh Quảng Ngãi đầu tư với số tiền lên đến hơn 1.113 tỷ đồng, dự kiến về đích sau 3 năm kể từ ngày khởi công. Thế nhưng, đã 7 năm trôi qua và nhiều lần gia hạn, đến giờ dự án vẫn dang dở từ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đến thi công.
 
Trụ điện ngã đổ, công trường dự án nghìn tỉ đồng trở thành bãi chăn thả trâu bò của người dân địa phương. Ảnh: B.M
Trụ điện ngã đổ, công trường dự án nghìn tỉ đồng trở thành bãi chăn thả trâu bò của người dân địa phương. Ảnh: B.M
Ngổn ngang
Năm 2015 tỉnh Quảng Ngãi quyết định thực hiện đầu tư dự án đường Trì Bình-Dung Quất và đề ra mục tiêu sẽ hoàn thành đưa công trình vào sử dụng sau 3 năm thi công. Thế nhưng, qua nhiều năm thực hiện dự án vẫn không thể về đích dù tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần gia hạn thời gian thực hiện. Đến nay đã 7 năm trôi qua, dự án vẫn ì ạch và chưa biết đến khi nào mới hoàn thành.
Ghi nhận trên công trường dự án từ nút giao Quốc lộ 1 - đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến cầu Trà Bồng vào giữa tháng 4.2022 cho thấy công trường dự án vắng hoe, không có bóng dáng phương tiện, thiết bị hay công nhân nào. Tại đoạn đầu tuyến, cầu vượt đường sắt và Quốc lộ 1 thi công cơ bản hoàn thiện phần thô, bản mặt cầu chưa được thảm nhựa thì phần còn lại hoang tàn, nhiều hạng mục thi công dang dở nay trở nên hư hỏng. Cỏ dại mọc khắp nơi, dây leo phủ cả hệ thống lưới rào chắn. Đoạn mố cầu sạt lở tạo thành vực sâu. Nhiều thiết bị điện chiếu sáng hư hỏng do thời gian dài bỏ hoang không được bảo trì, bảo dưỡng. Cách cầu tầm 100m nền đường đắp dang dở tạo nên những “ngọn đồi”.
Đi tiếp tầm 100m về hướng đông nền đường bị cắt đứt làm đôi tạo thành mương nước chảy ngang qua. Cạnh đó, nhiều trụ điện chiếu sáng đổ ngã xiêu vẹo nằm chỏng chơ. Trên công trường, người dân địa phương tận dụng làm bãi chăn thả trâu bò. Di chuyển dọc theo tuyến chúng tôi không bắt gặp bất cứ công nhân nào đang làm việc, trên công trường dự án ngổn ngang những bi cống được tập kết nằm chỏng chơ. Nhiều miệng nắp cống hố ga thu nước mưa trống trơn vô tình tạo ra những “cái bẫy” người đi đường.
Đoạn giữa tuyến một phần làn đường được thảm nhựa, phương tiện đi lại tấp nập. Một phần làn đường thi công dang dở, công trường im lìm. Dọc theo tuyến, một số nhà dân nằm giữa tim đường vẫn chưa được di dời.
Sau kết luận sai phạm, việc khắc phục vẫn rề rà
Không chỉ chậm trễ tiến độ mà dự án đầu tư công trị giá hơn nghìn tỉ này còn mắc nhiều sai phạm được Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi chỉ ra tại kết luận thanh tra năm 2021. Trong đó, công tác lập dự toán tính toán sai khối lượng làm tăng giá trị dự toán gần 1,2 tỉ đồng; tư vấn thiết kế tính toán xử lý lún, nền đất yếu dự báo lún không chính xác. Đặc biệt, chủ đầu tư chưa tiến hành kiểm tra, đánh giá khối lượng xây lắp nhưng đã cho tạm ứng dẫn đến dư nợ tạm ứng gần 8 tỉ đồng.
Riêng việc xử lý nền đất yếu đoạn đầu tuyến dài 1km xuất hiện từ năm 2019 nhưng giải pháp xử lý vẫn chưa được thực hiện. Ngoài ra, nhiều hạng mục khác cần điều chỉnh về thủ tục pháp lý cũng “quên” thực hiện. Đồng thời, việc điều chỉnh chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lúa, đất rừng phòng hộ với diện tích gần 80ha vẫn chưa hoàn thành, trong khi việc thu hồi đất và thi công dự án đã thực hiện từ lâu. Bên cạnh đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng làm đội vốn lên gần 34 tỉ đồng so với dự toán được phê duyệt trước đó nhưng chưa làm thủ tục điều chỉnh.
Bên cạnh sai phạm do Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi chỉ ra thì trước đó, Kiểm toán Nhà nước Khu vực III và Thanh tra Bộ Xây dựng lần lượt kiểm toán và thanh tra vào năm 2017 và 2018. Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính hơn 27 tỉ đồng.
Được biết, dự án đường Trì Bình - Dung Quất được chia làm 2 giai đoạn, do Ban Quản lý KKT Dung Quất (nay là Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi) làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 có vốn đầu tư hơn 1.113 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2014 - 2016 và giai đoạn 2 có vốn đầu tư hơn 390 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2016 - 2018. Ngày 19.5.2015, dự án đường Trì Bình-Dung Quất chính thức khởi công thực hiện giai đoạn 1. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện công trình không thể về đích đúng hẹn nên UBND tỉnh đồng ý cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành đến năm 2020. Vừa qua, UBND tỉnh tiếp tục có công văn gia hạn thời gian hoàn thành toàn bộ dự án này sang giai đoạn 2022-2024.
Trước các sai phạm được chỉ ra và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có chỉ đạo chủ đầu tư là Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh tập trung khắc phục, đồng thời có các giải pháp để tổ chức thực hiện dự án. Tuy nhiên, đã nhiều tháng trôi qua kể từ khi có chỉ đạo, công tác khắc phục vẫn chưa hoàn thành. Chính điều này dẫn đến việc tổ chức thi công dự án tiếp tục “treo”.
Việc dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi thi công “rùa bò” đã khiến các doanh nghiệp trên địa bàn KKT Dung Quất gặp không ít khó khăn trong lưu thông hàng hóa, làm đội chi phí về thời gian và giá cước tăng lên do phải đi đường vòng. Không những vậy, do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường chính dẫn về KKT Dung Quất Võ Văn Kiệt và Dốc Sỏi-Dung Quất quá lớn dẫn đến mất trật tự an toàn giao thông, tai nạn thường xuyên xảy ra gây bức xúc trong nhân dân.
Theo Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi Ngô Văn Trọng, hiện công tác khắc phục các sai sót đang được đơn vị tập trung thực hiện. Đối với các vị trí cần xử lý nền đất yếu cần được đánh giá một cách chính xác, sau khi cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến thì sẽ tổ chức thi công trở lại.
Theo Bình Minh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.