(GLO)- Không phải ngẫu nhiên chúng tôi gọi ông Rơ Lan Glep (làng Le Ngó, xã Ia Pia, huyện Chư Prông, Gia Lai) là người giữ bình yên cho làng. Bởi trong suốt 10 năm làm già làng, ông luôn đóng vai trò thủ lĩnh tinh thần và trung tâm đoàn kết của làng.
Về làng Le Ngó hỏi già làng Rơ Lan Glep thì ai cũng biết, thậm chí nhiều người còn nhiệt tình dẫn chúng tôi đến tận nhà ông. Đang tranh thủ đóng lại vài thanh gỗ cho chuồng bò thêm chắc chắn, thấy chúng tôi, ông xởi lởi: “Nhà báo ngồi uống nước chờ mình chút, mình cũng sắp xong rồi”. Dù đã bước sang tuổi 70 song nhìn ông Rơ Lan Glep vẫn rất khỏe khoắn.
Ông Glep (thứ 2 từ phải sang) đang trò chuyện với cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Ảnh: P.D |
Làng Le Ngó có 145 hộ dân, trong đó có khoảng 45 hộ người Kinh, còn lại là người Jrai. Tỷ lệ hộ nghèo trong làng còn trên 16%. Ông Glep cho hay: “Trước kia, mỗi tháng có khi tôi phải tham gia giải quyết cả chục vụ, từ cha con mâu thuẫn, anh em tranh chấp, đến chuyện vợ chồng “cơm không lành canh không ngọt”... Nhưng 2 năm trở lại đây, mỗi năm trong làng chỉ có khoảng 2-3 vụ việc cần sự tham gia hòa giải của già làng”. Lý giải về điều này, người dân trong làng đều cho rằng, bằng vai trò và tầm ảnh hưởng của mình, ông Rơ Lan Glep đã giúp mọi người hòa giải mọi mâu thuẫn để xích lại gần nhau.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc Tây Nguyên, ông Glep đã vinh dự là một trong 23 già làng, người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn tỉnh được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc Tây Nguyên. |
Chia sẻ về “bí quyết” hòa giải các vấn đề xảy ra trong làng, ông Glep cho hay, trước hết phải kiên nhẫn để lắng nghe các bên trình bày, sau đó phân tích, giải thích dựa trên các quy định của pháp luật và căn cứ theo lệ làng. Hơn nữa, với từng trường hợp sẽ có cách giải quyết khác nhau để người “đi kiện” cảm thấy hài lòng, còn người “bị kiện” nhận ra lỗi mà không cảm thấy mặc cảm. “Cách đây vài tháng, tôi hòa giải một vụ liên quan đến trộm gà mà thủ phạm là 1 thiếu niên trong làng. Thay vì gọi trực tiếp cháu bé đến để giải quyết, tôi mời 2 gia đình lên để nói chuyện. Một mặt, tôi nhắc nhở gia đình có con sai phạm về giáo dục lại con cái, mặt khác căn cứ vào mức độ thiệt hại, gia đình có con sai phạm phải đền bù cho gia đình bị mất gà”-ông Rơ Lan Glep nêu dẫn chứng. Chính vì cách giải quyết vấn đề thấu đáo, hợp tình hợp lý nên suốt 10 năm qua, ông luôn được bà con trong làng tin tưởng, nghe và làm theo. Bên cạnh đó, ông cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động dân làng chăm chỉ lao động sản xuất để cải thiện cuộc sống, vươn lên xóa đói giảm nghèo; từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm; nâng cao tinh thần cảnh giác, không để kẻ xấu xúi giục, kích động gây mất đoàn kết nội bộ... Đặc biệt, ông không vận động suông mà bản thân luôn gương mẫu để bà con trong làng học hỏi, noi theo. Với 2,4 ha cà phê và điều, bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ngoài ra, ông còn duy trì đàn bò với 9 con.
Nhận xét về ông Rơ Lan Glep, bà Phạm Thị Lê-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Pia-cho hay: “Người dân làng Le Ngó rất tin tưởng và kính trọng già làng Rơ Lan Glep. Vì vậy, mỗi khi cần triển khai công việc tại làng hoặc gặp khó khăn trong quá trình vận động hội viên, phụ nữ, chúng tôi đều tìm đến nhờ ông hỗ trợ”. Hiện tại, ông Glep đang đóng vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới. “Người dân trong làng đang tích cực làm nhà vệ sinh, làm hàng rào xung quanh nhà, đào hố rác và di dời chuồng trại ra phía sau nhà. Một số gia đình chưa xây dựng được hàng rào kiên cố cũng đã chỉnh trang cho gọn gàng”-ông Glep cho biết.
PHƯƠNG DUNG