Ngày 28-1, đoàn xe rước dâu của nhà trai từ TP Hải Phòng đến khu vực cầu Bạch Đằng, Quảng Ninh, phải dừng lại, vì thông tin tỉnh Quảng Ninh có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Việc trao lễ vật giữa hai nhà diễn ra ngay tại đây, nhận được sự đồng tình và cả thông cảm của dư luận. Những câu chuyện về đám cưới tiết kiệm, thích nghi với trạng thái “bình thường mới” của người trẻ cũng là một điểm cộng, góp phần vào công cuộc chống dịch.
Có những cặp vợ chồng trẻ chọn cách tổ chức lễ cưới tiết kiệm, đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Ảnh: PHƯƠNG NGHI |
“Đám cưới năm này không được thì năm sau”
Câu chuyện đón dâu trong ngày 28-1 vừa qua, cộng đồng mạng để lại nhiều lời khen và động viên tới đôi bạn trẻ phải hoãn cưới vì dịch, dù xe đón dâu đã đến gần sát nhà gái. Những lần dịch bùng phát trong cộng đồng trước đây, nhiều bạn trẻ cũng chủ động hoãn đám cưới và vui vẻ chờ dịp thích hợp.
Sau đám cưới diễn ra suôn sẻ vào tháng 10-2020, Yến Thu (25 tuổi, nhân viên điều dưỡng, ngụ huyện Bình Chánh) xúc động kể: “Lẽ ra, đám cưới của chúng tôi sớm hơn nhưng vì dịch phải hoãn lại đến tháng 10. Ban đầu, tôi cũng buồn lắm vì mọi kế hoạch, bàn tiệc đã đặt xong xuôi nhưng phải hoãn lại. Tình hình dịch lúc đó rất phức tạp, ngẫm nghĩ lại, chúng tôi thấy mình quyết định đúng khi hoãn đám cưới, vì lỡ như có chuyện không may xảy ra thì đám cưới của mình lại trở thành gánh nặng cho công tác phòng chống dịch và cả cộng đồng”.
Nói về chuyện hoãn đám cưới, Phong Thái (25 tuổi, chồng Yến Thu) kể: “Ban đầu, thấy bà xã buồn, tôi động viên nhiều lắm. Tôi nghĩ, nếu trong tình thế bắt buộc, năm nay không tổ chức đám cưới được thì năm sau cưới, vì mình còn trẻ, hơn hết vẫn là an toàn sức khỏe cho mình và gia đình”.
Sau hai lần hoãn đám cưới, hôn lễ vừa tổ chức xong vào tháng 11-2020, Mai Thanh Trúc Phương (26 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận 7) hóm hỉnh kể: “May quá, cuối cùng đám cưới của tụi tui cũng được diễn ra suôn sẻ”.
Hai lần lên kế hoạch rồi hoãn lại đám cưới, Phương kể: “Chuẩn bị đâu vào đó hết rồi thì nghe tin dịch phức tạp nên phải hoãn thôi. Cũng hên là bên gia đình tôi và cả gia đình ông xã đều chưa đi gửi thiệp mời. Lần thứ 2 cũng vậy, ông xã tôi cười trừ luôn. Ổng nói, thôi kệ, coi như hoãn lại thì có thêm thời gian chuẩn bị để mai mốt làm cho thiệt hoành tráng”.
Hoàng Vũ (26 tuổi, ông xã Trúc Phương) nói thêm: “Đám cưới năm này không được thì năm sau, coi như mỗi lần hoãn là mình dành sức để chuẩn bị chu đáo hơn một chút. Nhiều người hay lo là năm nay không tổ chức được thì năm sau không hạp tuổi, tôi nghĩ chuyện này không quan trọng đâu, quan trọng là đám cưới phải an toàn, có an toàn thì mọi người mới vui vẻ dự đám cưới của mình được”.
Vui nhưng phải an toàn
Bên cạnh bàn nhận phong bì chúc mừng, đám cưới trong trạng thái “bình thường mới” có thêm một bàn để nước rửa tay sát khuẩn và máy đo thân nhiệt cho khách tới dự hôn lễ. Nguyễn Thị Ngọc Trúc (28 tuổi, nhân viên bán hàng, ngụ quận 8) kể: “Đám cưới của tôi là lúc tình hình dịch đã ổn, không có ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng nhưng gia đình vẫn chuẩn bị sẵn nước rửa tay, đo thân nhiệt cho khách tới dự đám cưới. Ba tôi còn liên hệ với cơ sở y tế gần nhà, để trong trường hợp cần thiết thì có ngay nhân viên y tế và xe cấp cứu. Nói chung là dịch đã ổn nhưng an toàn thêm một chút vẫn hơn, tốt cho mình và người thân của mình”.
Để đám cưới tổ chức an toàn trong tình hình dịch vẫn chưa chính thức có vaccine điều trị, nhiều bạn trẻ đã thiết kế hôn lễ gọn, nhẹ, không cầu kỳ hình thức và lượng khách mời vừa đủ. Dự tính lễ hỏi trước rồi đến lễ cưới, nhưng nhiều đôi bạn trẻ đã thuyết phục gia đình gộp lại thành một lễ cưới để không mất thời gian. “Ban đầu cả hai gia đình đều quyết làm đám hỏi rồi mới đám cưới, nhưng tình hình này thì đỡ được phần nào hay phần ấy; tôi và vợ nói ba mẹ làm một lễ thôi. Số bàn tiệc cũng cắt giảm luôn, chỉ mời bà con họ hàng, bạn bè và chòm xóm thân cận chứ không có làm rình rang”, Lê Thanh Được (30 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ quận Tân Phú) chia sẻ.
Cùng quan điểm với Được, Huỳnh Ngọc Phụng (23 tuổi, nhân viên kế toán, ngụ quận 6) cho rằng: “Trong tình hình dịch vẫn còn thì đám cưới cũng nên gọn nhẹ, mình kiểm soát được lượng khách tới dự. Hôn lễ lớn hay nhỏ đâu có ảnh hưởng tới hạnh phúc, quan trọng vẫn là an toàn sức khỏe; đám cưới nhỏ một chút, ít bàn tiệc hơn thì cũng tiết kiệm được nhiều lắm, đỡ áp lực chi phí cho cả hai vợ chồng”.
Ảnh hưởng của dịch là điều thấy rõ và không thể tránh khỏi, nhưng cuộc sống thì vẫn phải vận động. Chuyện cưới xin cũng là một trong những chuyện quan trọng của người trẻ. Lựa chọn hôn lễ vừa phải, tiết kiệm, hoặc vui vẻ gác lại chờ dịp thích hợp là những câu chuyện đẹp và văn minh của bạn trẻ hiện đại, góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh cùng cộng đồng.
Theo KIM LOAN (SGGPO)