Đà Lạt: Ghép hoa hồng từ gốc vứt đi, vừa đẹp vườn lại có tiền tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mua rẻ những gốc cây hoa hồng đã già cỗi ở các nhà vườn sau đó đem ghép mầm vào rồi chăm sóc trở thành cây hoa hồng mới. Với cách làm này, ông Nguyễn Văn Vang (50 tuổi, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) không chỉ làm đẹp khu vườn của gia đình mà còn có của ăn của để sau gần 20 năm làm nghề trồng hoa.
Trong một lần tình cờ đến tổ Sở Lăng (phường 10, TP. Đà Lạt), trên con đường bê tông sạch sẽ nối dài đến tận những khu vườn cửa người dân, chúng tôi ngỡ ngàng bởi một vườn hoa hồng đầy màu sắc rộng hàng ngàn mét vuông. Hỏi thăm thì mới biết đây là vườn hoa hồng của ông Nguyễn Văn Vang, người đã có thâm niên 20 năm trồng hoa hồng ghép.
 
Ông Vang đang chăm sóc những gốc hoa hồng cổ của mình.
Vẫn phong thái của người miền Bắc, ông Vang đưa chiếc điếu cày lên rít một hơi lên tiếng nghe róc róc giòn tan, thở ra làn khói trắng rồi nhớ lại: “Năm 2001, sau khi tôi có dịp vào Lâm Đồng chơi với người anh em cọc chèo, thấy người ta trồng hoa hồng nên mê lắm. Trở ra Bắc, tôi liền bàn với vợ bán mảnh đất ở quê vào Lâm Đồng lập nghiệp với nghề trồng hoa hồng. Khi vào tới quê hương mới, tuy còn nhiều bộn bề, nhưng công việc khá thuận lợi vì đã được giúp đỡ kỹ thuật trồng hoa hồng, vợ chồng tôi chỉ bỏ công sức và vốn ra. Cũng vì là người mê hoa hồng nên vợ tôi đồng ý…”.
 
Đến nay, ông Vang đã có thâm niên trồng hoa hồng được gần 20 năm.
Khi vào đến Lâm Đồng, vợ chồng ông Vang cặm cụi làm ăn, cùng số tiền mang vào quê mới ông đã mua được miếng đất hơn 3.000m2, làm nhà kính hoàn thiện và trồng các loại hoa hồng mầm (trồng gốc hoa hồng lên mầm sau đó bán), trồng hồng chậu (hoa hồng được chăm sóc trong chậu đến khi có hoa), hồng cổ Hải Phòng, hồng cổ Sapa, hồng leo Pháp…
Ông Vang cho biết, khoảng 15 năm trước, gia đình ông chỉ trồng loại hoa hồng mầm sau đó bán cho các tiệm cây trong thành phố với giá chỉ 2.000 đồng/cây. Tuy nhiên, công việc này rất vất vả và khó khăn.
“Từ đó đến bây giờ, tôi vẫn dùng chiếc xe máy có gắn chiếc sọt sắt phía sau để chờ hoa hồng đi giao. Nhớ những ngày đầu, hoa không bán được, chỉ với chiếc xe máy tôi rong ruổi khắp các nẻo đường từ Đà Lạt sang huyện Lâm Hà, Phú Sơn, cách nhà gần 100km để đi bán hoa. Có khi mệt quá thì dừng lại ở cổng chợ nào đó, ngồi chờ có ai mua thì bán”.
 
Vào năm 2004, ông Vang bán một chậu hoa hồng chỉ có giá 2.000 đồng. 
Thế nhưng, hiện nay Đà Lạt ngày càng phát triển, đặc biệt là phát triển về du lịch nên nhu cầu chơi hoa, thưởng thức hoa hồng của dân địa phương cũng như du khách ngày càng cao. Ông Vang vì thế đã không phải vất vả đi bán từng chậu hoa như trước nữa. Ông chỉ việc làm, còn tiêu thụ đã có các chủ cơ sở đặt hàng trước. 4 năm trở lại đây, ông Vang bắt đầu chuyển qua trồng hoa hồng trong chậu. Với loại hoa hồng này, ông sẽ bán có giá 15 ngàn đồng/chậu sau khoảng 2 tháng chăm sóc. Vào những thời điểm mùa lễ giá sẽ cao lên, những chậu hoa hồng ngoại sẽ có giá trên 40.000 đồng/chậu.
 
Ông Vang bên một cây hồng ngoại trồng trong vườn của mình.
Được biết, những gốc hoa hồng già cỗi dùng để ông Vang ghép mầm vào đều được mua rẻ tại các nhà vườn trồng hoa hồng cắt cành bán. Mỗi 1.000m2, các nhà vườn bán lại cho ông Vang có khoảng 12.000 gốc, nhưng về đóng vào chậu ông chỉ làm ra được khoảng 4.000 chậu hoàn chỉnh. Lý do, có nhiều gốc đã già và không đảm bảo chất lượng, hay có những gốc nhỏ phải gộp lại cho đủ 1 chậu.
 
Hiện tại, trong vườn của ông Vang luôn có số chậu hoa ổn định khoảng 20.000 chậu.
“Những gốc hồng già sau khi lấy từ vườn về, chúng tối sẽ xử lý bằng cách chặt hết rễ, chiều dài gốc chỉ để khoảng 30cm rồi đưa vào trồng trong các chậu nhựa. Sau khi vào chậu được 20 ngày, tôi sẽ phun thuốc kích thích ra rễ cho chúng rồi chờ ra mầm sau đó sẽ ghép mầm của các loại giống hoa hồng khác nhau vào. Khoảng 2 tháng sau mầm lớn cho hoa sẽ xuất bán ra ngoài”, ông Vang chia sẻ.
 
Những gốc hồng sau khi vào chậu, chăm sóc 60 ngày sẽ được bán ra thị trường.
Hiện nay, ông Vang thực hiện trồng hoa hồng chậu gối đầu liên tục trong vườn của mình, số lượng luôn ổn định ở mức 20.000 chậu. Trung bình mỗi tháng ông Vang xuất bán từ 1.500 – 3.000 chậu hoa. Theo ông, điều quan trọng nhất khi bắt đầu làm là phối trộn giá thể để trồng hoa hồng.
Với ông Vang, vì đã quá quen với công việc rồi nên việc trộn giá thể này sẽ dựa vào cảm giác. Ông thường trộn đất, xơ dừa và phân lân vi sinh để làm giá thể trồng hoa hồng chậu. Sắp tới ông Vang sẽ tiếp tục mở rộng thêm vườn hoa hồng của mình để cung cấp hàng đi các thị trường lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng…
Phong Lâm (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm