COVID-19, cơ hội để giáo dục nhìn lại và thay đổi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến ngành giáo dục theo hướng không thuận chiều. Nhưng đây cũng là dịp để ngành giáo dục tự nhìn lại, xem xét giảm tải chương trình và thay đổi phương pháp dạy học để thích ứng.
 Học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An) đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19. Ảnh: QĐ
Học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An) đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19. Ảnh: QĐ
Đến nay, do tác động của dịch COVID-19, nhiều địa phương tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2. Đến thời điểm đó, nếu dịch vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, có thể các địa phương vẫn phải cân nhắc việc có nên cho trẻ trở lại trường hay không, để đảm bảo “an toàn, an tâm” như ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Tính đến nay, nhiều địa phương đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học được 2 tuần, nếu nghỉ hết tháng 2 là 1 tháng, và có thể còn nghỉ thêm. Nếu kéo dài thời gian nghỉ, toàn bộ kế hoạch năm học của ngành giáo dục sẽ bị đảo lộn, chưa kể việc dạy học trong mùa hè sẽ hết sức vất vả và không hiệu quả. Trong khi đó, không biết tới khi nào, dịch mới được khống chế.
Trước tình hình nghỉ học kéo dài, nhiều trường học, nhà giáo đã đề xuất và áp dụng phương pháp dạy học trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin, để trẻ em không cần đến trường vẫn tiếp thu được kiến thức, rèn luyện kĩ năng.
Mặt khác, một số ý kiến cũng đề xuất ngành giáo dục cần xem xét cắt giảm chương trình, những nội dung không thực sự cần thiết, hàn lâm, để phù hợp với tình hình dịch bệnh bất thường.
Việc có thể làm được, không quá khó khăn, là nhà trường - giáo viên tổ chức các diễn đàn dạy học trực tuyến, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh, hướng dẫn tự học và kiểm tra, đánh giá theo các yêu cầu cụ thể. Rất nhiều bài học các môn, các em có thể tự học, hoặc tự học có hướng dẫn.
Một số chuyên gia giáo dục nhận định, COVID - 19 cũng là dịp để ngành giáo dục tự xem lại những “vấn nạn” đã được đề cập từ trước đến nay.
Đó là chương trình quá tải, nặng nề, học sinh phải học quá nhiều. Ngoài giờ học chính khóa, các em còn phải học thêm hầu như liên tục, cả buổi chiều, buổi tối, cả ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ.  
Phương pháp dạy học cũng còn chậm đổi mới, lạc hậu, bao nhiêu năm qua vẫn áp dụng mô hình “lớp - bài” với giáo viên là nhân vật trung tâm, chậm đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy tinh thần tự giác, chủ động của người học.  Sự lệ thuộc của học sinh vào người thầy và lớp học vẫn rất lớn.
Đây là những căn bệnh mãn tính, những rào cản của sự phát triển, hiện đại hóa giáo dục, làm người học nặng nề, mệt mỏi, gia đình, nhà nước rất tốn kém mà hiệu quả không đạt như mong muốn.
Cần giảm tải mạnh mẽ chương trình, đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác, tự học, tự rèn luyện của người học, đó là những yêu cầu cấp bách, vừa có tính chiến lược của ngành giáo dục.
Một lần nữa, các yêu cầu nói trên lại được đặt ra, một cách bức thiết, trước tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19.
Theo QUANG ĐẠI (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.