Công trình xây dựng tái khởi động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau mấy tháng “treo cẩu” vì dịch Covid-19, nhiều công trình xây dựng nay đã bắt đầu khởi động trở lại.

Để được khởi động trở lại, các công trường phải đáp ứng tiêu chí chống dịch. Ảnh: Đình Sơn
Để được khởi động trở lại, các công trường phải đáp ứng tiêu chí chống dịch. Ảnh: Đình Sơn
Cam kết đảm bảo an toàn
Đầu tiên là dự án khu phức hợp Sóng Việt - The Metropole Thủ Thiêm thuộc khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm do Công ty Quốc Lộc Phát làm chủ đầu tư và đơn vị phát triển là Công ty SonKim Land. Ông Nguyễn Thanh Oai, quyền Tổng giám đốc Công ty SonKim Land, cho biết dự án thuộc khu trung tâm số 1 có ý nghĩa quan trọng đến quy hoạch và phát triển của KĐT Thủ Thiêm. Chủ đầu tư cùng nhà thầu Hòa Bình, Central phối hợp chặt chẽ để đảm bảo những nguyên tắc an toàn trong phòng chống dịch bệnh, đi cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế chung của TP. Tương tự, Công ty Khang Điền cũng tổ chức tái khởi động dự án khu biệt thự Armena quy mô 180 căn tại P.Phú Hữu (TP.Thủ Đức) sau hơn 3 tháng ngưng thi công do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, sau một thời gian tạm ngưng các công việc ở văn phòng, Liên danh NJPT (tư vấn chung) đã có công văn gửi chủ đầu tư và các nhà thầu về việc thực hiện lại các dịch vụ tư vấn. Trong công văn, tư vấn chung NJPT cho biết sẽ cố gắng tối đa nhằm hỗ trợ việc tái lập thi công và tiến độ của công trình. Hiện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP cùng với tư vấn, nhà thầu đã xây dựng 2 kịch bản khôi phục thi công dự án. Cụ thể, dự án sẽ tiếp tục thi công theo phương án: “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 điểm đến”. Phương án này huy động trên 600 công nhân tại các công trường, khôi phục từ 15 - 30% các hạng mục quan trọng như: thi công kết cấu, hoàn thiện kiến trúc, cơ điện, đổ bê tông tại các nhà ga và kiểm tra tiếp nhận các thiết bị... Phương án 2, nếu được phép di chuyển trở lại đối với các dự án thi công trọng điểm của TP, công trường sẽ khôi phục từ 40 - 80% các hạng mục quan trọng của các gói thầu. Phương án này sẽ huy động trên 1.300 công nhân đã được tiêm vắc xin tại các công trường.
Vừa qua, UBND TP.Thủ Đức có công văn khẩn gửi UBND 34 phường trên địa bàn TP về việc các hoạt động được bắt đầu thí điểm từ 16.9 tại vùng xanh của TP.Thủ Đức gồm: công trường xây dựng; dịch vụ bưu chính, viễn thông; thiết bị tin học văn phòng, thiết bị, dụng cụ học tập; dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y… UBND TP.Thủ Đức cho biết mục đích của việc khởi động lại công trình xây dựng là sớm đưa các hoạt động của TP trở lại trạng thái bình thường mới ở những khu vực an toàn. Từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, nên các công trình xây dựng đủ điều kiện an toàn phòng, chống dịch theo quy định.
Tạo việc làm, thu nhập cho người lao động
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, cho biết mặc dù đang gặp nhiều khó khăn, song hoạt động phòng, chống dịch ở TP.Thủ Đức cũng đạt được một số kết quả tích cực, trong đó quan trọng nhất là tiêm chủng vắc xin. Đến nay đã bao phủ trên 95% mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đang triển khai thực hiện tiêm mũi 2. Người dân và doanh nghiệp của TP đã dần thích nghi với trạng thái dịch bệnh, chủ động điều chỉnh hành vi tự bảo vệ mình, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được phương án sản xuất an toàn ngay giữa đại dịch theo phương thức vừa lưu trú vừa sản xuất. Việc tái khởi động thi công công trình xây dựng sẽ đem lại lợi ích cho nhà đầu tư, tiếp tục tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, tăng thu cho ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế chung.
Lãnh đạo TP.Thủ Đức cũng yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn công trình, an toàn lao động, đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt là các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại công trường như: toàn bộ người lao động được tiêm vắc xin đầy đủ, xét nghiệm âm tính với Covid-19, tổ chức khai báo y tế, đo thân nhiệt, khử khuẩn tay người lao động và khách đến liên hệ công tác. Đồng thời, thường xuyên đánh giá và triển khai thực hiện theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng trên địa bàn TP.Thủ Đức.
Ông Lê Viết Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết hiện tại TP.HCM chỉ mới có TP.Thủ Đức cho xây dựng trở lại còn các quận huyện khác đầu tháng 10 mới mở cửa nếu đáp ứng các tiêu chí phòng chống dịch. Hiện các chủ đầu tư, nhà thầu đang chuẩn bị mọi yêu cầu của chính quyền, lo các thủ tục để đáp ứng quy định về chống dịch. Ngoài TP.HCM thì Phú Quốc, Lào Cai, Quảng Ninh… các dự án vẫn thi công nhưng lượng công nhân trên công trường chỉ được khoảng 60 - 70%.
“Việc TP.Thủ Đức cho thi công các công trình là tín hiệu lạc quan trong việc khôi phục thị trường xây dựng, bất động sản bởi lĩnh vực này tác động lớn đến hàng chục ngành nghề kinh tế khác”, ông Hải nói.
Khi dịch bệnh xảy ra đã phát sinh nhiều chi phí như ăn ở tại chỗ, xét nghiệm, chăm sóc y tế mà trước đây không lường được. Bộ Xây dựng sẽ tham mưu để đưa một số công trình thi công trở lại, đảm bảo tiến độ để đóng góp cho sự phát triển sau này. Tất nhiên, vấn đề quan trọng nhất là thi công làm sao vừa đảm bảo tiến độ vừa phải an toàn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng
Theo Đình Sơn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.