Công bố Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 23-3, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị công bố Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Xây dựng và lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng.
 

Một góc ĐBSCL nhìn từ trên không.
Một góc ĐBSCL nhìn từ trên không.

Tại hội nghị, mục tiêu phát triển ĐBSCL được nhấm mạnh: “Phát triển vùng ĐBSCL theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; có vai trò, vị thế quan trọng đối với quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Phát triển vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước. Đồng thời, phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, mang đặc thù của vùng ĐBSCL nhằm phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường cảnh quan sinh thái đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mêkông, đảm bảo an ninh quốc phòng”.

Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh đến việc gìn giữ, bảo tồn các vùng sinh thái đặc trưng của sông nước miền Tây. Theo đó, “Phát triển vùng ĐBSCL theo mô hình đa trung tâm với quy mô trung bình trên cơ sở phát triển các vùng sinh thái nông nghiệp đặc trưng, phù hợp với phân vùng phát triển kinh tế và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhằm phát triển nền nông nghiệp đa dạng, có trình độ chuyên môn hóa cao trên cơ sở công nghiệp hóa và thương mại hóa nông nghiệp. Phát triển theo mô hình đô thị nén; hạn chế mở rộng, phát triển đô thị tập trung quy mô lớn và trên diện rộng; không hình thành các vùng đô thị hóa, các dải đô thị hóa liên tục tại các khu vực ngập sâu, giữa đồng bằng và ven biển. Thiết lập không gian dành cho nước (trữ nước, điều tiết nước, thấm nước) theo tầng bậc địa hình trong phạm vi cấp vùng và đô thị.

 

Một góc TP. Cần Thơ hiện nay.
Một góc TP. Cần Thơ hiện nay.

Đặc biệt Quyết định nhấn mạnh: Phát triển và bảo vệ các vùng sinh thái, cảnh quan tự nhiên đặc trưng gắn với chuyển đổi vùng sản xuất nông lâm nghiệp và bảo vệ tài nguyên nước trong vùng. Hình thành 6 vùng sinh thái nông nghiệp dựa trên trọng tâm phát triển nông nghiệp đa dạng và chuyên môn hóa cao, công nghiệp hóa và thương mại hóa nông nghiệp theo thế mạnh của từng vùng gồm: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, dọc sông Tiền - sông Hậu, Tây sông Hậu, Bán đảo Cà Mau và ven biển Đông.

Trong đó, nhấn mạnh đến việc: “Bảo tồn và phát triển Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang và Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau; Bảo tồn nghiêm ngặt hệ thống rừng đặc dụng (tổng diện tích 95.000ha); bảo tồn, phát triển và kết nối các vùng cây ăn trái khu vực sông Tiền sông Hậu, từ phía thượng nguồn đến giáp tiểu vùng ven biển Đông, đặc biệt thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang.

Theo dự báo, đến năm 2030, dân số toàn vùng khoảng 18 - 19 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 6,5 - 7,5 triệu người; tương ứng tỷ lệ đô thị hóa 35% - 40% với tốc độ tăng bình quân 2,4% - 3,3%/năm. Về đất đai, dự báo đất xây dựng đô thị đến năm 2030 là khoảng 70.000 - 90.000ha, bình quân 90 - 120m²/người.

 

Vùng bãi bồi Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.
Vùng bãi bồi Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.

Quyết định 68 được xem là “bộ khung” quan trọng để các bộ ngành và các tỉnh, thành ĐBSCL phối hợp thực hiện đồng bộ các lĩnh vực sản xuất: Nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, thủy lợi, giao thông, cung cấp nước, phát triển đô thị và dân cư nông thôn.

Quyết định cũng đưa ra nhiều giải pháp để: Quản lý nước tổng hợp và tăng cường an ninh nguồn nước; quy hoạch các hồ, bàu nước tự nhiên, chủ động trữ nước và điều tiết nước trong vùng, sử dụng tuần hoàn và tiết kiệm; đa dạng nguồn cấp nước để chủ động nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất; tăng cường sử dụng nước mưa và tái phục hồi nguồn nước ngầm; phát triển kinh tế trên cơ sở quản lý và sử dụng tài nguyên hiệu quả; tăng cường áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật để tiết kiệm nước, năng lượng và bảo vệ đất đai trong sản xuất nông nghiệp, phát triển đô thị; phát triển đồng bộ hệ thống giao thông thủy, bộ đảm bảo nhu cầu vận tải và sử dụng tài nguyên hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, tái tạo, từng bước chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, có tính bền vững.

Cao Phong/Báo SGGP

Có thể bạn quan tâm

Pleiku đầu tư 16 tỷ đồng phát triển mạng lưới cấp nước sinh hoạt tập trung

Pleiku đầu tư 16 tỷ đồng phát triển mạng lưới cấp nước sinh hoạt tập trung

(GLO)- Với mục tiêu đến cuối năm 2024, TP. Pleiku có 92% dân số phường và 23% dân số xã sử dụng nước sinh hoạt tập trung, giai đoạn 2023-2024, UBND thành phố đã chủ động phối hợp với Công ty cổ phần Cấp thoát nước Gia Lai đầu tư khoảng 16 tỷ đồng để phát triển hệ thống cấp nước.
Ayun Pa nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông

Ayun Pa nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) vẫn diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Công an thị xã đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm kiềm chế, kéo giảm TNGT.
Gia Lai hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2024

Gia Lai hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2024

(GLO)-Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Gia Lai vừa ban hành Công văn số 1658/STNMT-CCBVMT về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6), tháng hành động vì môi trường và ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024.
Thông tin người sử dụng đất được ghi trên sổ đỏ như nào theo quy định mới?

Thông tin người sử dụng đất được ghi trên sổ đỏ như nào theo quy định mới?

Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Sổ đỏ, Sổ hồng) và hồ sơ địa chính đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến quy định cụ thể thông tin người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được ghi Giấy chứng nhận.