Từ vài chục năm trở lại đây, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, dù nhiều thời điểm chịu sự cạnh tranh gay gắt về thứ hạng bởi nhiều đối tác khác trong quá trình Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế theo định hướng đa phương hóa, đa dạng hóa.
Ngoài thương mại, Nhật Bản hiện là đối tác lớn nhất về hợp tác viện trợ phát triển chính thức (ODA), nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ 2, đối tác thứ 3 về du lịch...
Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong 2 lĩnh vực chủ chốt là thương mại và đầu tư của 2 nền kinh tế còn thể hiện ở kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam phần lớn đến từ khối FDI, trong đó Nhật là thuộc tốp đầu trong rót vốn FDI chất lượng cao vào thị trường Việt Nam.
Ở góc độ doanh nghiệp, cơ hội khai thác tiềm năng hợp tác làm ăn với Nhật Bản rất rộng mở khi 2 bên chung nhiều hiệp định thương mại (FTA) đa phương, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản... Đặc biệt, Nhật Bản là một trong số ít nước có mối quan hệ song phương với Việt Nam thông qua Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) và gặp nhau tại một số sơ đồ hợp tác trên các lĩnh vực, như: Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM)...
Với nhu cầu tiêu dùng, sản xuất rất lớn của Nhật Bản - trung tâm kinh tế của châu Á cùng tính chất bổ sung của 2 nền kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, rõ ràng những cơ hội mà Nhật Bản mở ra với Việt Nam là rất lớn. Doanh nghiệp Việt Nam đã và sẽ có nhiều hơn nữa cơ hội xuất khẩu sang Nhật các sản phẩm nông - thủy sản, nguyên liệu thô, dầu thô, khoáng sản... cùng hàng loạt sản phẩm công nghiệp như: dệt may, da giày, điện tử, điện thoại di động, máy móc, linh kiện...
Mối quan hệ hợp tác kinh tế sâu rộng giữa hai bên đem lại tiềm năng lớn là vậy nhưng dường như doanh nghiệp Việt chưa tận dụng hết cơ hội. Nói đúng hơn, không ít doanh nghiệp chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu, đòi hỏi của thị trường khó tính này. Đặc biệt, với các sản phẩm nông sản, thực phẩm tươi sống và đóng hộp, thị trường Nhật Bản luôn đặt ra những yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng kháng sinh, kiểu loại, kích cỡ... Trong khi đó, với nền sản xuất còn manh mún, doanh nghiệp Việt Nam không dễ dàng đáp ứng nhiều yêu cầu về hàng rào kỹ thuật, đồng nghĩa bỏ lỡ cơ hội hưởng ưu đãi về thuế quan.
Để khắc phục hạn chế, tận dụng tốt nhất cơ hội từ đối tác lớn và chất lượng cao này, cần sự định hướng, chỉ đạo từ phía nhà nước trong việc xây dựng một nền sản xuất chuyên nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần phổ biến, hướng dẫn, tổ chức tập huấn kiến thức cho doanh nghiệp xuất khẩu; bổ sung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật; cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư quốc tế...
TS LÊ QUỐC PHƯƠNG, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp
và Thương mại - Bộ Công Thương
(Dẫn nguồn NLĐO)