Cô giáo Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Kiên trì "ươm mầm" tri thức ở vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cô giáo Hồng sinh năm 1992 tại xã Tân An, huyện Đak Pơ. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục Tiểu học (Trường Đại học Quy Nhơn), năm 2015, cô Hồng quyết định trở về quê nhà công tác. Ban đầu, cô giáo trẻ xin dạy hợp đồng tại Trường Tiểu học Hra số 1 (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) rồi chuyển về Trường Tiểu học Anh Hùng Núp (nay là Trường Tiểu học và THCS An Trung, xã An Trung, huyện Kông Chro).

Đến năm 2016, cô Hồng thi biên chế và trúng tuyển tại huyện Kông Chro. Cô được phân công về giảng dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến cho đến hiện tại. Mỗi buổi sáng, cô Hồng phải di chuyển hơn 20 km từ nhà (thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ) đến trường để dạy học.

Sau 1 năm giảng dạy tại điểm trường trung tâm, cô Hồng bắt đầu đảm trách giảng dạy tại điểm trường làng Châu. Đây là ngôi làng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn của huyện Kông Chro với 98,5% đồng bào dân tộc thiểu số. Trình độ dân trí của người dân còn thấp, ít quan tâm đến việc học hành của con cái.

img-5549-2.jpg
Chân dung cô giáo Huỳnh Thị Cẩm Hồng. Ảnh: NVCC

Nhớ lại những ngày đầu lên lớp, cô Hồng kể: "Điểm trường làng Châu cách điểm trường chính khoảng 10 km. Vào mùa mưa, đường sá lầy lội, trơn trượt, đi lại rất khó khăn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất thiếu thốn, lớp học chật hẹp, trang-thiết bị dạy học thì hạn chế".

Chưa kể, thử thách lớn nhất mà cô giáo trẻ Huỳnh Thị Cẩm Hồng khi đó phải đối mặt là việc duy trì sĩ số học sinh. Cuộc sống “thiếu trước, hụt sau” khiến nhiều học trò phải theo cha mẹ ra đồng, lên rẫy. Việc học của các em cứ thế mà cứ dang dở, đứt gánh. Thực trạng này khiến cô Hồng không khỏi lo lắng, trăn trở rồi quyết tâm tìm cách tháo gỡ.

Cô Hồng bắt đầu gần gũi với học sinh, tìm hiểu về hoàn cảnh của từng em trong lớp và thường xuyên ghé thăm gia đình các em. Cô cũng kiên trì học tiếng Bahnar để có thể trò chuyện với phụ huynh và học sinh bằng tiếng bản địa. Từ việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh và phụ huynh, cô Hồng đề ra phương pháp phù hợp trong việc giảng dạy của mình cũng như vận động học sinh ra lớp.

Cô Hồng hiện là giáo viên chủ nhiệm của lớp ghép 1-2 tại điểm trường làng Châu. Những ngày mới đến lớp học cùng cô Hồng, em Đinh Thị Hoan (học sinh lớp 1) rất rụt rè và ngại tiếp xúc với cô giáo. Phần vì Hoan nói chưa rành rọt tiếng Việt, phần vì môi trường đi học còn lạ lẫm. Nhận thấy điều đó, cô Hồng luôn gần gũi, ân cần trò chuyện và nhẹ nhàng chỉ dạy Hoan tiếp cận với con chữ. Giờ đây, sau gần 1 học kỳ đến lớp, Hoan đã mạnh dạn hơn trong mọi hoạt động.

"Cô Hồng rất quan tâm, yêu thương chúng em. Mỗi khi có bài khó, cô luôn giảng lại nhiều lần đến khi chúng em hiểu thì mới thôi. Cô còn hay mua bánh kẹo thưởng cho chúng em nữa"-Hoan tươi cười nói.

Với cô Hồng, niềm vui lớn nhất không phải là những thành tích hay danh hiệu mà là nghị lực vươn lên, sự tiến bộ từng ngày của các trò. “Đồng hành cùng các em từ những ngày đầu chỉ biết nhìn chữ mà không thể đọc, không thể viết đến khi biết đọc, biết tính toán, tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Đặc biệt, các em giờ đây đã đến lớp tương đối đầy đủ, không vắng học nhiều nữa"-cô Hồng bày tỏ.

Nhắc về kỷ niệm đáng nhớ, cô Hồng nói thêm: "Học sinh và dân làng nơi đây sống tình cảm lắm! Nhiều lần đi dạy, xe máy của tôi không may bị thủng lốp hoặc gặp sự cố trên đường vào làng. Những lúc như thế, các em học sinh nhìn thấy đều xúm nhau phụ giúp cô đẩy xe về trường và gọi người lớn trong làng đến sửa giúp. Hành động nhỏ nhưng đầy chân thành và đáng yêu của các em khiến tôi rất xúc động”.

Có lẽ những hạnh phúc giản đơn tích góp dần qua năm tháng ấy đã tiếp thêm động lực để cô giáo trẻ kiên trì gắn bó với nghề và nhiều thế hệ học trò nơi vùng khó.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, giúp học trò dễ dàng tiếp nhận kiến thức, thời gian qua, cô Hồng không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân. Ngoài tích cực tham gia các khóa bồi dưỡng chuyên môn, cô Hồng còn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để tạo ra những giờ học lý thú, sinh động cho học trò.

img-5590.jpg
Một giờ lên lớp của cô Hồng và học trò. Ảnh: L.H

Bên cạnh đó, cô còn tự làm các đồ dùng học tập, cùng đồng nghiệp tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh. Hiện tại, cô Hồng đang theo học Thạc sĩ tại Trường Đại học Quy Nhơn.

Đáng chú ý, dù đã bước sang tuổi 32 nhưng cô Hồng vẫn chưa có ý định lập gia đình và muốn toàn tâm toàn ý với học trò vùng khó. “Mỗi sáng thức dậy, tôi lại nghĩ về những học trò nhỏ, về những khó khăn mà các em phải trải qua. Tôi tự nhủ, bản thân phải cố gắng hơn mỗi ngày để "ươm mầm" tri thức cho các em, giúp các em hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn"-cô Hồng tâm sự.

Thầy Nguyễn Xuân Ân-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến-nhận xét: "Về công tác giảng dạy, cô Hồng là giáo viên trẻ nhiệt tình, tận tâm vì học trò vùng khó và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Về công tác Đảng, hàng năm, cô Hồng được Chi bộ nhà trường đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được Đảng ủy xã tặng giấy khen".

Nhìn những học trò nhỏ đang nắn nót viết từng con chữ, cô Hồng mỉm cười khẳng định: “Điều quý giá nhất với tôi là được nhìn thấy các trò nhỏ trưởng thành từng ngày; được đón nhận tình cảm yêu mến, kính trọng của học sinh lẫn phụ huynh. Đó là phần thưởng không gì có thể so sánh được!”.

Có thể bạn quan tâm

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Ổn định dạy và học sau kỳ nghỉ Tết

Ổn định dạy và học sau kỳ nghỉ Tết

(GLO)- Ngày 6-2, thầy và trò các cấp học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025. Cùng với hoạt động “khai xuân” sôi nổi, các trường học đã ổn định nền nếp, triển khai công tác dạy và học, quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Đón học sinh... trong đêm

Đón học sinh... trong đêm

(GLO)- Khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ say thì những cô giáo ở các trường mầm non thuộc Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn huyện biên giới Chư Prông đã mở cửa đón học sinh từ tay cha mẹ các em. Việc làm này của các cô nhằm giúp phụ huynh là công nhân cạo mủ ra lô cao su đúng giờ.

Học từ thực tiễn

Học từ thực tiễn

Những ngày này học sinh đến trường thật vui. Các em được tham gia hoạt động chào đón Tết Nguyên đán nhưng thông qua sinh hoạt bên ngoài lớp học lại biết được nhiều điều từ cuộc sống, những thứ mà hằng ngày có khi không chạm tới được.

Học sinh Gia Lai làm dự án quảng bá lịch sử-văn hóa địa phương

Học sinh Gia Lai làm dự án quảng bá lịch sử-văn hóa địa phương

(GLO)- “Học sinh, sinh viên tỉnh Gia Lai giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa dân tộc” là chủ đề Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai vừa được Tỉnh Đoàn tổ chức. 10 dự án tiêu biểu đến từ các trường THPT cho thấy sự am hiểu của học sinh về lịch sử-văn hóa dân tộc.

"Bữa sáng yêu thương" do Đoàn phường Cheo Reo triển khai đã giúp các em học sinh nghèo thêm yêu trường, mến lớp, đi học chuyên cần. Ảnh: V.C

Mang "Bữa sáng yêu thương" đến với học sinh nghèo

(GLO)- Những “Bữa sáng yêu thương” do tuổi trẻ phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) triển khai tại 2 điểm lẻ của Trường Mầm non Hoa Hồng đã và đang lan tỏa tình yêu thương, giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, tiếp tục gắn bó với trường lớp.

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều trường học có cổng ra vào nằm cạnh đường quốc lộ và tỉnh lộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần triển khai các giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh.