Với đôi chân khuyết tật lại phải vật lộn mưu sinh, nuôi con... Ngô Thị Thúy Vân không thể ngờ rằng một ngày cuộc đời cô đã thay đổi hoàn toàn từ khi người đàn ông làm nghề xây dựng Jerry Jon Nanoff đến từ Mỹ đem lòng yêu thương.
|
Thúy Vân và Jerry tại phòng đăng ký kết hôn |
Đến xã Tâm Thắng (H.Cư Jút, Đắk Nông), hỏi Thúy Vân bại liệt đôi chân ai cũng biết. Nhưng mọi người bảo cô đã chuyển lên TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thuê nhà sống với ông chồng Tây rồi.
Lần ra địa chỉ Vân đang thuê nhà ở Buôn Ma Thuột, nhưng hàng xóm ở đó cho biết Vân đã dọn nhà về lại TT.Eatling, H.Cư Jút mở tiệm áo cưới. Ngược về lại đây, tôi gặp Vân trong một tiệm trang điểm và cho thuê đồ cưới.
Sống như Vân
Cả TT.Cư Jút ai cũng trầm trồ khen Vân là một phụ nữ hiền dịu, đặc biệt là nghị lực phi thường. Trước đây, người phụ nữ 39 tuổi này sống trong gia đình thuần nông có đến 9 anh em. Bố mẹ cô suốt ngày bán lưng cho trời, bán mặt cho đất nhưng vẫn nghèo rớt mồng tơi.
Là chị lớn trong nhà nên dù học rất giỏi nhưng đến lớp 7 Vân đành phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Đáng thương hơn, từ hồi 7 tuổi, cơn sốt bại liệt đã gần như cướp đi đôi chân của cô.
Thất học, nhưng muốn phụ giúp bố mẹ, Vân quyết đi học may. Nhờ khéo tay và được nhiều người thương nên Vân cũng có chút ít thu nhập. Nhưng ước mơ của Vân là làm một công việc có tính sáng tạo. Thế là cô đăng ký học vi tính.
Có chứng chỉ A vi tính, Vân dạy miễn phí cho những học sinh ở địa phương. Nhưng vẫn có một số phụ huynh nhất quyết trả tiền học phí nên cô mở lớp dạy chính thức. Vừa dạy, vừa mày mò học thêm vi tính để nâng cao trình độ, cơ sở dạy vi tính của Vân ngày càng có uy tín, đào tạo được hàng trăm học sinh đạt chứng chỉ B.
Người khuyết tật thì có sao đâu Tôi hỏi Jerry, tại sao anh lại đem lòng yêu Vân, một cô gái khuyết tật đã có con riêng lại ở cách xa ngàn trùng như vậy. Jerry trả lời một cách chân thành: “Tình yêu đâu có biên giới. Còn một người khuyết tật thì có sao đâu. Hơn nữa, Vân là một người phụ nữ mà tôi tìm thấy được trái tim nhân hậu qua những chương trình từ thiện của cô cũng như những phẩm chất tốt đẹp của một người vợ mà anh khó tìm ở những người phụ nữ trên đất nước mình”. |
Rồi đến lúc gần nhà Vân mọc lên trung tâm vi tính quy mô, không thể cạnh tranh nổi, Vân chuyển nghề làm trang điểm cô dâu, cho thuê áo cưới. Bị khuyết tật nên Thúy Vân thấu hiểu nỗi bất hạnh của những người cùng cảnh ngộ như mình. Vì thế, cô luôn tích cực tham gia các chương trình từ thiện cho người khuyết tật. Vân thường chủ trì các chương trình từ thiện cho người khuyết tật ở địa phương.
Vân chia sẻ: “Dù có khuyết tật, nhưng trái tim còn lành lặn thì phải nuôi dưỡng yêu thương, đó mới là giá trị của con người”. Mà thật vậy, trái tim Vân không chỉ dành tình thương cho những người đồng cảnh ngộ mà cũng như bao cô gái khác, Vân luôn khát khao tìm được một tình yêu. Rồi một người đàn ông đã đến với cô cùng những lời đường mật đã khiến con tim mềm yếu của cô gái khuyết tật xiêu đổ.
Một phút mềm lòng, cô đã hiến dâng cuộc đời mình cho người đàn ông này và có con. Về sau, cô mới biết anh ta đã có gia đình. Và anh ta cũng nhanh chóng “quất ngựa truy phong”, bỏ mặc Vân trở thành bà mẹ đơn thân, tự bươn chải nuôi con.
“Kể từ mối tình này, em không còn mơ ước có một tấm chồng nữa. Em nghĩ chẳng có người đàn ông nào có thể yêu thương và lấy một phụ nữ khuyết tật đã có con như em làm vợ”, Vân bộc bạch.
|
Thúy Vân trang điểm cho khách |
Nhưng con tim đã vui trở lại
Khóc cạn nước mắt khi nhận ra sự thật phũ phàng của mối tình đầu. Nhưng rồi, Vân tự nhủ lòng mình phải đứng dậy vì con. Sau một ngày vật lộn trên đôi nạng để trang điểm cho khách hàng, buổi tối Vân giải khuây bằng việc trò chuyện trên internet và gặp Jerry (người Mỹ, sinh năm 1957).
Vì không biết tiếng Anh, Vân phải dùng phần mềm dịch thuật của Google.
Vậy mà tình cảm của họ vẫn cứ lớn dần. Một ngày nọ, Jerry đề nghị Vân cho phép sang VN để thăm cô. Vân nhận lời, nhưng trong thâm tâm không tin rằng Jerry sẽ đến. Đúng hẹn, Vân vào phi trường Tân Sơn Nhất đón Jerry. Người phụ nữ nhỏ nhắn trên đôi nạng, lọt thỏm trong dòng người đi đón.
Cô đứng chết trân khi nhìn thấy Jerry xuất hiện. Còn người đàn ông cao lớn mà Vân chỉ đứng chưa tới vai này chạy đến ôm chầm lấy cô và... khóc. Jerry khóc vì không thể tưởng tượng rằng Vân nhỏ bé đến như vậy. “Anh ấy khóc từ khi lên taxi cho đến khi về khách sạn. Anh bảo thấy em tội nghiệp quá”, Thúy Vân thổ lộ.
|
Jerry tại tiệm cho thuê áo cưới của Vân |
Những ngày đầu tiên đặt chân đến VN, Jerry được Vân đưa về nhà giới thiệu với gia đình và sau đó đi du lịch. Đi đâu Jerry cũng yêu cầu Vân đưa con riêng của cô đi cùng. Jerry bảo con của Vân cũng là con của Jerry. Vân di chuyển trên đôi nạng khó khăn, nhưng đã có Jerry lo liệu. Một nửa thời gian trong hành trình du lịch Vân được Jerry... cõng.
Jerry rất thích khiêu vũ nên vào Sài Gòn tham quan, anh muốn cô bạn khuyết tật cùng khiêu vũ. Vân mắt chữ A, miệng chữ O nhìn Jerry và chỉ vào đôi chân của mình. Jerry bảo “anh sẽ bế em khiêu vũ”, khiến Vân rưng rưng nước mắt. Quả thật là những ngày ngắn ngủi ở bên Jerry, Vân như sống trong tuần trăng mật đẹp nhất.
Jerry cũng rất chu đáo với con riêng của Vân. Anh mua cho cậu chiếc xe đạp để mỗi sáng hai “bố con” đạp xe đi chơi. Hai “bố con” cũng đi nhặt rác ở khu du lịch. Điều này khiến Vân và mọi người thân của cô rất cảm động. Ai cũng thầm mong cho Thúy Vân một ngày lên xe hoa với người chồng Tây.
|
Mẹ con Thúy Vân và Jerry |
Chuẩn bị cho một cuộc sống mới
Khi Jerry về với gia đình Vân, anh không thể tưởng tượng người phụ nữ mà anh yêu thương phải sống trong căn phòng thiếu thốn những điều kiện như vậy. Jerry đề nghị Vân phải thuê nhà ở riêng và trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết, đặc biệt là sắm chiếc xe đảm bảo an toàn cho Vân.
Trước khi trở lại nước Mỹ, Jerry hỏi Vân nếu muốn sống ở VN thì anh sẽ sang VN để sống cùng. Còn muốn sống ở Mỹ thì anh sẽ tiến hành lo thủ tục để mẹ con Vân cùng sang bên đó. Cân nhắc kỹ, cuối cùng Vân chọn sẽ định cư bên Mỹ. Hiện nay cô và Jerry đang lo các thủ tục để được sống bên nhau, không còn phải cách xa đến nửa vòng trái đất.
Quang Viên (thanhnien)