Có duyên với Biên phòng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi khi lên biên giới với lính Biên phòng, tôi không khỏi ngạc nhiên, vui mừng vì chứng kiến cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi, nạn đói, dịch bệnh đã gần như bị đẩy lùi. Hạ tầng sản xuất và xã hội đã được chính quyền đầu tư xây dựng, 100% thôn, làng có điện. Chuyện về những con đường nắng bụi, mưa lầy đã lùi về quá khứ.
Như là duyên số với lực lượng Biên phòng, những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi về nhận công tác ở Chư Sê, tôi đặt vấn đề với lãnh đạo huyện rằng: Tết đến xuân về, huyện cần cử lãnh đạo lên biên giới thăm cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng. Đề xuất đúng đắn ấy được ban lãnh đạo huyện chấp nhận và đương nhiên tôi lãnh nhiệm vụ đưa đoàn cán bộ quân dân chính Đảng của huyện đến thăm, tặng quà chiến sĩ vào ngày cận Tết năm 1994.
Còn nhớ, con đường từ Chư Sê lên Đồn Biên phòng Ia Lốp, Ia Mơr (huyện Chư Prông) vô cùng gian nan. Bắt đầu từ ngã ba Phú Mỹ nối quốc lộ 14 với tỉnh lộ 665, với những chiếc U oát hai cầu, chỉ có trên 70 cây số nhưng chúng tôi phải mất gần một ngày trời mới đến những nơi cần đến. Hồi ấy, con đường này mưa thì lầy, bùn đất nhão nhoét, đi bộ thì bùn bám vào dép, không nhấc chân lên nổi, đi xe thì lốp xe phải bó xích như thời kháng chiến chống Mỹ vượt Trường Sơn. Còn mùa nắng thì cũng lầy, nhưng lầy bụi, có những chỗ bụi đất ngập đến nửa bánh ô tô, người ngồi trong ô tô toàn thân như nhuộm một màu đỏ quạch; mỗi cơn gió thổi qua, bụi bốc lên và phủ xuống, từ nhà cửa, cây cối hai bên đường phủ lên một màu bazan thâm thẩm. Con đường ấy đã từng ghi dấu bao chiến công oanh liệt, nhất là trong Chiến dịch Plei Me vào cuối năm 1965. Cũng có thể nói đó là con đường huyết mạch cho việc giữ gìn an ninh biên giới. Nhưng cũng chỉ là tại... nghèo, không đủ tiền đầu tư cùng lúc nhiều con đường nên tỉnh lộ 665 phải chịu thiệt. Năm 2016, từ vốn vay của Ngân hàng châu Á (ADB) 20 triệu USD, tỉnh đã đầu tư để cải tạo, nâng cấp con đường này. Theo kế hoạch thì đến năm 2022 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Hy vọng được thế thì vừa phục vụ cho vấn đề bảo đảm an ninh biên giới, vừa giúp lưu thông hàng hóa thuận lợi, người dân đỡ khổ vì phải chịu thiệt thòi khi thu hoạch sản phẩm nông nghiệp luôn bị thương lái ép giá.
Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới. Ảnh: Phương Dung
Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Phương Dung
Trở lại chuyện “có duyên với Biên phòng”, sau Tết năm ấy, chuyện tôi thay mặt lãnh đạo huyện Chư Sê đến thăm, chúc Tết các đồn Biên phòng như là một lẽ tất nhiên. Và, tôi cũng lấy làm phấn khởi, rất vui khi được giao công việc hợp với cái duyên của mình. Sau này về làm việc ở Báo Gia Lai, chúng tôi lại đến với biên giới, với lực lượng Biên phòng đều đặn hơn, bằng cách tổ chức kết nghĩa với Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông). Thăm hỏi nhau vào các dịp lễ của đất nước, ngày kỷ niệm của hai bên, nhất là dịp Tết Nguyên đán hàng năm; rồi giao lưu, tọa đàm, thi văn nghệ, thể thao... Việc làm ấy giúp cho cán bộ, chiến sĩ Biên phòng và phóng viên báo chí có dịp chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau, động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Việc nữa là, thông qua Đồn Biên phòng, cơ quan Báo nắm bắt tình hình đời sống của người dân nơi biên giới, cùng chung tay góp công góp của, hàng năm làm công tác xã hội, từ thiện, góp phần nhỏ giúp bà con nghèo vượt qua khó khăn, bệnh tật.
Khi đảm nhiệm công việc của Ban Liên lạc kháng chiến tỉnh, chúng tôi cũng lại có duyên với Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ). Sau những chuyến giao lưu với cán bộ, chiến sĩ, anh chị em hội viên Ban Liên lạc tâm sự, đã lâu mới được về với lính Biên phòng. Tuy ngày nay, đời sống vật chất và tinh thần cũng như điều kiện sinh hoạt, công tác có được cải thiện nhiều so với trước đây, nhưng cán bộ, chiến sĩ và một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên cương cũng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn so với trong nội địa. Giữa hai lần rộ lên dịch bệnh Covid-19, dịp cuối năm vừa rồi, chúng tôi theo chân Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ Vũ Mạnh Định cùng với anh em lãnh đạo Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đi dọc theo đường tuần tra biên giới, dòng Sê San mênh mang hiện ra, bao ký ức về biên phòng thuở nào theo đó cứ mồn một hiện về trong tâm trí của tôi.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh xưa là Đồn 21. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị ngày ấy giờ đã là những người... hoàn thành nhiệm vụ trở về với đời thường, nhưng chiến công oanh liệt của họ trong cuộc chiến chống quân Pol Pot xâm lược bảo vệ biên cương của Tổ quốc năm nào còn đọng lại trong tâm trí nhiều người ngày nay. Tôi đến thắp nén nhang cho các liệt sĩ ở nhà tưởng niệm các anh nơi gần chiến trận năm xưa mà lòng rưng rưng xúc động, hai mắt nhòe lệ. Dọc đường biên giới ngày nay yên bình, bà con dân tộc Jrai có cuộc sống ấm no đủ đầy là có một phần đóng góp máu xương và công sức của những chiến sĩ “quân hàm xanh” qua các thế hệ.
Đã lên biên giới Đức Cơ, bao giờ cũng vậy, tôi đến thăm Đồn Biên phòng Ia Nan. Mùa dịch Covid-19, theo chân các chiến sĩ tuần tra lập chốt nơi rừng xa, các anh làm “nhiệm vụ kép”, vừa tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự biên cương, vừa ngăn ngừa người xuất-nhập cảnh trái phép mang theo mầm bệnh. Khu vực đơn vị quản lý có 6 chốt, các chiến sĩ thay nhau canh giữ ngày đêm. Hôm chúng tôi đến là tâm điểm của mùa mưa Tây Nguyên, muốn đến chốt thăm các anh chỉ có thể đi bộ. Nhưng dẫu khó khăn đến mấy cũng không ngăn được chúng tôi. Là người đã từng là chiến sĩ, tôi thấu hiểu và chia sẻ cùng các chiến sĩ trẻ ngày nay, chỉ có những lời động viên, thế mà các chiến sĩ ở chốt Biên phòng nơi tôi đến vui lắm. Rất an lòng khi tận mắt chứng kiến nơi biên cương xa xôi của Tổ quốc đã có những người lính canh giữ ngày đêm. Được biết, xã Ia Nan vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có không ít công sức đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Giúp dân trên mọi lĩnh vực là một trong những nhiệm vụ của đơn vị nên từ một xã người dân phần lớn đói nghèo, hạ tầng nông thôn không có gì của những năm nào, giờ đã là một “địa chỉ đỏ” để các nơi học tập, làm theo!
ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.