Cô đơn giữa gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người ta nhắc tới cảm giác cô đơn giữa đám đông. Điều đó chưa chắc đáng lo ngại bằng sự cô đơn giữa những người thân.

Gia đình được coi là thành trì, nơi bão giông dừng sau cánh cửa, là tổ ấm theo quan niệm Á Đông và của người Việt bấy lâu nay đang dần biến đổi sâu sắc từ bên trong.

Cô đơn giữa gia đình (ảnh minh họa)

Cô đơn giữa gia đình (ảnh minh họa)

Những con số về tỷ lệ ly hôn gia tăng, bạo hành gia đình trầm trọng, những vụ án kinh thiên động địa mà thủ phạm và nạn nhân là máu mủ ruột rà, sự phân ly giữa cha mẹ và con cái... từng ngày đang bào mòn niềm tin của con người, làm lung lay hệ giá trị gia đình bền chặt được vun đắp từ nhiều đời nay.

Thống kê cho thấy, trung bình có 600.000 vụ ly hôn mỗi năm ở Việt Nam, hơn 70% người đệ đơn là phụ nữ. Sứ mệnh giữ lửa, xây tổ ấm được đặt lên vai người vợ, người mẹ trong gia đình dần chuyển dịch. Sự độc lập tài chính, cơ hội thăng tiến ngày càng công bằng hơn ở ngoài xã hội vừa cho phụ nữ vị thế cao hơn, nhưng ở khía cạnh nào đó cũng khiến sự cân bằng trong gia đình bị rung lắc.

Thời gian vật chất của cả vợ lẫn chồng không đủ khỏa lấp cho mục tiêu mưu sinh, đeo đuổi sự nghiệp với một bên là nghĩa vụ chăm lo gia đình, giáo dục con cái khiến sự rạn nứt ngày càng lớn dần. Áp lực trong cuộc sống làm phai nhạt tình cảm, văn hóa gia đình Việt. Nhiều gia đình không vượt qua được những chông chênh ấy, cho nên cái kết tan vỡ là khó tránh khỏi.

Không riêng Việt Nam, tỷ lệ ly hôn cao từ lâu là thực tế ở nhiều nước. Ở Pháp, Bộ Tư pháp thống kê, năm 2023 có 240.000 đôi đăng ký kết hôn, 120.000 vụ ly hôn, 75% người đệ đơn là nữ.

Phải thừa nhận rằng, do guồng quay của kỷ nguyên số, con người hằng ngày, hằng giờ phải gồng lên, chạy đua để bắt kịp và chống lại sự thống trị của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo. Con người ngày càng xa nhau. Sự cố kết trong gia đình lơi lỏng dần. Sau vài thập kỷ mải miết chạy theo những tiến bộ khoa học, công nghệ, của sự tăng trưởng kinh tế-xã hội, người ta phải đối mặt với cuộc khủng hoảng gia đình đang lớn dần.

Không phải tới bây giờ, gia đình và chính sách về gia đình Việt Nam mới được nhắc đến. Ngay từ khi xây dựng Luật Hôn nhân và gia đình (1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “gia đình là hạt nhân của xã hội”, “gia đình tốt thì xã hội mới tốt”. Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trong Hiến pháp, các văn kiện, chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật đều đề cao vai trò gia đình, đặc biệt trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Từ năm 2001, Thủ tướng quyết định lấy ngày 28/6 là Ngày gia đình Việt Nam.

Các chuyên gia chưa thể đi tới thống nhất trong việc xác định hệ giá trị chung của gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, những nét đẹp ứng xử trong gia đình Việt truyền thống như sự hòa thuận, chung thủy, tình nghĩa, lòng yêu thương và hy sinh cho con cái, tôn trọng và hiếu đễ với cha mẹ, anh em... được xem là nền tảng làm nên sức sống của gia đình Việt. Những xu hướng tốt đẹp nhất của nhân loại cần được tiếp nhận và phát triển để hoàn thiện thêm những giá trị vốn có của gia đình Việt.

Sự lớn mạnh, phát triển vững chắc của mỗi gia đình chỉ có được dựa trên sự gắn kết của từng thành viên, với nền tảng là tình cảm, sự hài hòa, dân chủ, tôn trọng và tiến bộ. Trách nhiệm vun vén cho gia đình không phải do một người gánh vác. Mỗi người đều cần học cách quan tâm lẫn nhau, chống lại sự cô đơn bắt đầu từ những việc rất nhỏ như “không dùng điện thoại trong bữa ăn gia đình” (Đám đông cô đơn của David Riesman, Nathan Glazer và Reuel Denney). Sự giao tiếp, quan tâm trực tiếp làm nảy nở tình cảm, nuôi dưỡng giá trị thực, có như vậy mới thắng thế trước sức hút của giá trị ảo do thiết bị công nghệ, mạng xã hội đem đến.

Có thể bạn quan tâm

'Thuế hàng xa xỉ' với xăng, sai từ đầu

'Thuế hàng xa xỉ' với xăng, sai từ đầu

Thuế tiêu thụ đặc biệt được "định nghĩa" rất rõ, là áp cho một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ (như rượu, tàu bay, du thuyền…) nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội. Trong khi đó, có đánh thuế bao nhiêu thì người dân vẫn phải mua xăng để chạy xe.

'Xóa mù AI' – cơ hội trao cho tất cả

'Xóa mù AI' – cơ hội trao cho tất cả

Việc phổ cập – “xóa mù” AI không chỉ giúp người lao động không bị tụt hậu mà còn tạo ra một xã hội năng động, sáng tạo, nơi mỗi cá nhân đều có thể tận dụng sức mạnh của công nghệ để nâng cao đời sống và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Hai câu chuyện về thuế

Hai câu chuyện về thuế

Hai câu chuyện về thuế của các doanh nghiệp đặt ra nhiều suy ngẫm cho chúng ta trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang quyết liệt cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, công bằng trong kỷ nguyên mới.

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tháng 3, Việt Nam đón tiếp 2 đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ, với hơn 60 thương hiệu lớn. Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết đây là phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất từng đến Việt Nam.

Tư duy mới cho tác phẩm đặt hàng

Tư duy mới cho tác phẩm đặt hàng

MV Bắc Bling của Hòa Minzy đạt hơn 77 triệu lượt xem sau 20 ngày phát hành, đứng tốp 1 Trending YouTube Việt Nam liên tục gần 2 tuần lễ. Đây là thành công của một sản phẩm âm nhạc, minh chứng cho cách một tác phẩm có thể khơi dậy niềm tự hào văn hóa dân tộc mà không cần những khẩu hiệu cứng nhắc.