Trách nhiệm lớn nhất trong việc cao tốc 34.500 tỷ bị hỏng là đơn vị thi công vì không làm đúng theo hồ sơ thiết kế, hồ sơ kỹ thuật, thậm chí có khả năng bớt xén, thay đổi vật liệu.
Trao đổi với Zing.vn, kỹ sư Trần Dân, Phó chủ tịch Hội Cầu đường TP Đà Nẵng, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cần vào cuộc để kiểm tra toàn diện dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Đơn vị nào thi công, giám sát?
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết qua kiểm tra thực địa, đơn vị phát hiện những vị trí hư hỏng nằm ở tuyến Túy Loan (Đà Nẵng) - Tam Kỳ (Quảng Nam).
Những vị trí hư hỏng được đơn vị này chỉ ra ở Km 0 - Km 65, Km 0 + 040, Km 47 + 040, Km 47 + 800, Km 47 +800, cầu VD 07 và cầu OP03 tại Km13 + 615.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhìn từ trên cao. Ảnh: Đoàn Nguyên.
Hai hôm trước, 4 kỹ sư của Hội Cầu đường TP Đà Nẵng có chuyến thực tế và ghi nhận từ Km 46+500 đến Km 46+800 xuất hiện nhiều "ổ gà", với đường kính khoảng 50 cm. Một số vị trí bị sụt lún với chiều dài 2,5 m, rộng từ 50 cm - 60 cm.
"Tổng diện tích 'ổ gà' trên đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ khoảng 5 m2 (chiếm 0,00037% diện tích mặt đường", kỹ sư Trần Dân thông tin. Như vậy, theo ghi nhận của 2 nhóm chuyên gia thuộc 2 cơ quan khác nhau, những vị trí hư hỏng trên cao tốc đều nằm ở tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ.
Theo một văn bản do ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) ký ngày 17/7, thì từ khi thi công, dự án đã phát sinh nhiều vấn đề về chất lượng công trình.
Đơn cử tại Km 77, đoạn Lương Tài (thuộc gói thầu A1, A2, A3 và gói thầu số 4, số 5) có tình trạng thi công không đảm bảo thành phần hạt. Cụ thể là nhà thầu đã sử dụng đá không đảm bảo chỉ số Los Angeles. Tháng 2 vừa qua, trên đoạn tường chắn MSE (thuộc gói thầu số 5) xuất hiện nhiều vết nứt bê tông nhựa.
VEC cho biết dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài gần 140 km và được chia làm 13 gói thầu. Tham gia thi công dự án này gồm các nhà thầu như: Cienco1, Cienco5, Cienco6, Vinaconex, Coinco703, Trường Sơn - Vạn Cường và Vinaconex EC - Thành An...
Công nhân sửa chữa đoạn hư hỏng. Ảnh: Giáp Hồ.
Dự án do Liên danh Oriental Consultants Co.,Ltd. (Nhật Bản) – Katahira Engineers International (Nhật Bản) – SMEC International Pty, Ltd (Australia) làm tư vấn giám sát thi công (đoạn tuyến hợp phần JICA tài trợ).
Ai chịu trách nhiệm?
Nhiều lần trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc ban quản lý dự án, đều từ chối tiết lộ danh sách đơn vị thi công những vị trí bị hư hỏng.
"Các nhà thầu Trung Quốc thi công từ Tam Kỳ - Quảng Ngãi. Đoạn tuyến này mới khánh thành hôm 2/9 và không có hư hỏng", ông Thành nói và khẳng định tất cả nhà thầu được chọn để thi công cao tốc đều có uy tín. Còn việc hư hỏng là do mưa to, xe quá tải đi vào cao tốc.
Kỹ sư Trần Dân bác ý kiến trên và cho rằng có 3 cơ quan chính phải chịu trách nhiệm trong việc cao tốc hư hỏng. Trong đó, trách nhiệm lớn nhất là đơn vị thi công vì không làm đúng theo hồ sơ thiết kế, hồ sơ kỹ thuật, thậm chí là có khả năng bớt xén, thay đổi vật liệu.
Tiếp theo, trách nhiệm thuộc về các đơn vị tư vấn giám sát. Đơn vị này thường xuyên có mặt tại hiện trường, nắm vững hồ sơ nhưng vì một lý do nào đó dẫn đến không làm tròn vai trò, trách nhiệm được giao.
"Ban quan lý dự án cũng phải chịu trách nhiệm vì đơn vị này đại diện chủ đầu tư quản lý công trình nhưng để xảy ra những sai phạm khiến công trình hư hỏng", ông Dân nhận định.
Công nhân dùng gạch để nện lên lớp bê tông nhựa mới. Ảnh: Nguyên Vũ.
Kỹ sư Trần Dân cho hay tuyến cao tốc vẫn đang trong thời gian bảo hành, chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát phải có trách nhiệm khắc phục sửa chữa những hư hỏng. Trong trường hợp những đơn vị này không khắc phục theo quy định sẽ bị xử lý trách nhiệm trước pháp luật.
Theo ông, trước mắt cơ quan chức năng phải vào cuộc làm rõ mức độ hư hỏng của đường cao tốc. Sau đó, phải xác định được nguyên nhân dẫn đến hư hỏng trên.
Khi cơ quan chức năng làm rõ được nguyên nhân xảy ra sự cố thì chắc chắn những người liên quan trực tiếp sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. "Luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Nếu đủ căn cứ, cơ quan tố tụng có thể khởi tố vụ án hình sự”, chuyên gia này chốt lại.
Ngày 12/10, Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã họp bất thường để kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân liên quan việc đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị hư hỏng. Hội đồng thành viên đã kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Tổng giám đốc Trần Văn Tám về vai trò phụ trách trực tiếp và quản lý vận hành bảo trì dự án, nhưng không nghiêm túc thực hiện nghị quyết của Hội đồng thành viên, để xảy ra hậu quả. Tổng giám đốc VEC phải tổ chức kiểm điểm Ban quản lý dự án và Ban giám đốc do chậm sửa chữa các hư hỏng mặt đường, cung cấp thông tin báo chí không đầy đủ, kịp thời, né tránh trách nhiệm. Các đơn vị quản lý, bảo trì tuyến cao tốc cũng phải tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan. Hội đồng thành viên VEC yêu cầu Tổng giám đốc báo cáo kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân trước ngày 19/10. |
Nhóm Phóng viên (Zing)