Chuyện về một người mẹ Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Nơi mặt trời lên/nơi mặt trời xuống/có những cuộc đời mải mê làm lụng/lặng lẽ quên mình/ngày qua ngày/cõng chiếc gùi sự sống trên lưng”-nhà thơ Phạm Đức Long đã viết như vậy về những bà mẹ Tây Nguyên. Soi chiếu vào cuộc đời của bà Ksor H'Phiơn (tổ dân phố 1, thị trấn Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), những câu thơ trên dường như viết riêng cho bà. Người mẹ Jrai ấy dù chịu bao vất vả, mất mát, nhưng 6 đứa con lần lượt trưởng thành trở thành ca sĩ, bác sĩ, giáo viên…


Những mặt trời bé con

Chị Ksor H'On-giáo viên Trường Mầm non Hoa Phong Lan (thị trấn Phú Thiện) không bao giờ quên hình ảnh của mẹ Ksor H'Phiơn mỗi ngày trở về khi hoàng hôn lấp đầy ruộng đồng, nương rẫy. Kể từ ngày bố mất (năm 1998), để nuôi 6 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, mẹ chị ở trên nương rẫy nhiều hơn ở nhà. Các anh chị em đều phải học cách chăm sóc lẫn nhau khi mẹ vắng nhà.

 

Bà Ksor H'Phiơn (bìa trái) hạnh phúc bên con cháu. Ảnh: Hoàng Ngọc
Bà Ksor H'Phiơn (bìa trái) hạnh phúc bên con cháu. Ảnh: Hoàng Ngọc


Nhớ lại biến cố cách đây 24 năm, chị kể: “Trải qua 2 lần mổ u não nhưng bố vẫn không qua khỏi. 6 chị em chúng tôi khi đó đều còn rất nhỏ, chị lớn nhất mới 12 tuổi, em út mới 1 tuổi. Không ai giúp được gì cho mẹ, chỉ biết trông chừng nhau để mẹ yên tâm đi làm. Nhà chỉ có ít ruộng nên mẹ còn làm thuê đủ thứ, ai có việc gì gọi mẹ đều đi làm, miễn có tiền nuôi con”.

Cứ ngỡ sau khi khánh kiệt vì chữa bệnh cho chồng, bà H'Phiơn phải cho con cái nghỉ học như nhiều gia đình lâm cảnh khốn khó. Thế nhưng, các con của bà đều được nuôi dạy cẩn thận và trưởng thành. Ngoài Ksor H'On là giáo viên mầm non, con trai thứ 2 Ksor Văn Xi là kỹ thuật viên Khoa Gây mê hồi sức (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), con gái thứ 4 Ksor Anna hiện là giáo viên Trường Mầm non Tuổi Thơ (thị trấn Phú Thiện), con trai thứ 5 Ksor Sơn đang công tác tại Nhà hát Trưng Vương (TP. Đà Nẵng), con trai út Ksor Sương mới học xong trung cấp nghề. “Trong nhà chỉ có chị HBếp là học hết THPT và quyết định dừng lại để giúp mẹ nuôi các em. Còn chúng tôi đều được mẹ động viên đi học đến cùng. Sơn đạt nhiều thành công trên con đường ca hát, mới đây đạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát đại ngàn toàn quốc, vào vòng sơ khảo cuộc thi Sao Mai 2022. Còn anh Văn Xi năm ngoái được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng-chống dịch Covid-19”-chị H'On chia sẻ.

“Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ”

Năm học lớp 8, anh Văn Xi giấu mẹ nhờ một người bà con viết đơn xin nghỉ học. Mỗi ngày chứng kiến cảnh mẹ làm lụng vất vả từ sáng sớm đến tối mịt, tim anh như thắt lại. Là con trai lớn trong nhà, anh muốn nghỉ học để đỡ đần mẹ bớt gánh nặng. Nhưng lá đơn không bao giờ được gửi đi. “Khi mẹ biết chuyện, bà gọi chúng tôi lại và nói, nhà không có ruộng, nếu chúng tôi nghỉ học cũng không có ruộng để làm. Nhưng bỏ học nghĩa là từ bỏ cơ hội để có cuộc sống tốt hơn. Mỗi năm cứ đến ngày khai giảng, dường như mẹ lại gầy hơn vì lo sách vở, quần áo cho đàn con vào năm học mới. Nhưng mẹ luôn động viên chúng tôi đi học, mong mỏi chúng tôi trưởng thành bằng con đường tri thức”-chị H'On nhớ lại.

Khắc ghi lời mẹ dạy, nhưng rồi chị cả HBếp cũng không đành lòng nhìn mẹ quanh năm lam lũ. Học hết THPT, chị quyết định dừng lại để giúp mẹ gánh vác nỗi nhọc nhằn nhà nông, nhường phần đi học cho 5 đứa em. “Mình biết mẹ vẫn phải vay nợ ở ngoài đóng tiền học cho các em và gia đình mình vẫn không được xếp hộ nghèo. Mẹ nói còn cố gắng được thì hãy hết mình, đừng dựa dẫm vào người khác”-chị HBếp kể về mẹ. Sinh năm 1986 nhưng chị HBếp đến nay vẫn chưa bắt chồng, vui vẻ với cuộc sống hiện tại, thỉnh thoảng tham gia các hoạt động văn hóa-văn nghệ tại địa phương. Chị HBếp múa rất đẹp, thường xuyên dạy múa cho thiếu nhi trong làng. Một số trường học trên địa bàn cũng nhờ chị dạy múa cho học sinh mỗi khi có các cuộc thi hay giao lưu văn nghệ.

Những giá trị văn hóa Jrai chính cũng là hạt giống tâm hồn được bà H'Phiơn gieo trồng cho các con. Ảnh: Hoàng Ngọc
Những giá trị văn hóa Jrai là hạt giống tâm hồn được bà H'Phiơn gieo trồng cho các con. Ảnh: Hoàng Ngọc
Ông Kpă Ni-Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi tổ dân phố 2 (thị trấn Phú Thiện): “Đó là một phụ nữ Jrai kiên cường hiếm có, được dân làng mến phục. Các con của bà Phiơn rất hiếu học, trưởng thành theo những cách khác nhau và có nhiều đóng góp cho xã hội. Đó là một gia đình rất tiêu biểu của cộng đồng người Jrai ở đây”.

Hát hay và thành công trên con đường nghệ thuật ấy là Ksor Sơn. Từ thời học sinh, sinh viên, anh đã giành vô số giải thưởng trong các hội diễn, hội thi văn nghệ. Trên sân khấu đêm chung kết cuộc thi Tiếng hát đại ngàn do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức, anh dành sự tri ân đầy xúc động đến người mẹ Jrai: “Mẹ chính là người phụ nữ vĩ đại trong lòng chúng tôi”.

Sự trưởng thành của những đứa con như những mặt trời bé con khiến cho hoàng hôn của người mẹ trở nên rực rỡ. Nhớ về những ngày tháng gần như đơn độc vật lộn để nuôi con, người mẹ Jrai nói rằng bà chỉ thấy yếu lòng nhất mỗi khi con đau ốm. “Có những lần 2-3 đứa cùng bị đau một lúc, đó là lúc mình bất lực nhất vì không thể chịu đau thay con và thương con thiệt thòi vì thiếu vắng hơi ấm của cha. Nhiều đêm, mình khóc đến sáng hôm sau nhưng vẫn đeo gùi lên rẫy. Thương mẹ, Văn Xi hồi đi học ngành Y ở TP. Hồ Chí Minh cứ đến mùa là gọi điện về hỏi mẹ ơi đã trỉa bắp chưa, sạ lúa chưa, dặn đừng làm quá sức… Nó còn đi làm thêm, đánh cồng chiêng, diễn văn nghệ để kiếm tiền học vì sợ mẹ khổ. Ra trường đi làm 1-2 năm đầu có bao nhiêu tiền cũng dành dụm gửi về cho mẹ trả nợ”-bà H'Phiơn khẽ cười khi kể về người con trai hiếu thảo.

…Ở tuổi U60, bà Ksor H'Phiơn vẫn giữ được giọng hát đẹp, thường xuyên tham gia phong trào văn nghệ ở địa phương. Bà dạy cho các con hát những bài dân ca Jrai để biết yêu, biết trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống. Nhờ sự truyền lửa của mẹ, cô H'On đã 2 lần tham gia thi hát dân ca toàn tỉnh và giành 1 giải nhất, 1 giải nhì. Sau này khi lập gia đình và có 2 con nhỏ, H'On không còn nhiều thời gian để tham gia phong trào. Một đứa con cả chị bị bại não, suốt ngày đòi ẵm bồng. Thêm nữa, chị là phụ nữ đơn thân với gánh nặng gia đình. Chị bày tỏ: “Mỗi khi gặp sóng gió, chúng tôi chỉ biết trở về bên mẹ. Mẹ cả đời vất vả nuôi con, giờ lại đến nuôi cháu. Nhiều đêm mẹ phải ẵm con cho tôi ngủ để lấy sức đi dạy học. Làm mẹ rồi, tôi càng thương những hy sinh, vất vả của mẹ mình”.

 

 HOÀNG NGỌC
 

 

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.