Đến cuối năm 2022, hơn 200 tu sĩ Công giáo Việt Nam đã có mặt tại những "điểm nóng đói nghèo, thất học, bạo lực" ở 50 quốc gia khắp các châu lục trên thế giới.
"Xa gia đình người thân, thường xuyên tiếp xúc với nguy hiểm, nhiều người phải sống trong điều kiện rất thiếu thốn… nhưng họ không quản ngại khó khăn để giúp đỡ những người yếu thế, sống đúng theo lời dạy của Thiên Chúa. Tại Venezuela và Colombia, chính quyền đánh giá rất tích cực sự đóng góp cộng đồng của các tu sĩ Việt Nam. Ngoài ra, dịp tết âm lịch, các tu sĩ cũng tổ chức cắm hoa, gói bánh chưng, bánh tét, nấu những món ăn truyền thống… Đây cũng là một hoạt động rất tốt để lan tỏa những giá trị văn hóa Việt", Đại sứ Việt Nam tại Venezuela Vũ Trung Mỹ nói với Thanh Niên.
Có rất nhiều tu sĩ Công giáo Việt Nam hiện đang dấn bước trên hành trình phục vụ, kết nối, lan tỏa hy vọng và yêu thương đến những nơi xa xôi và khó khăn nhất.
Đó là sơ Tuyết thuộc dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn. Sơ Tuyếtlà tu sĩ Việt Nam duy nhất ở Burundi, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Vì đặc trách quản lý trong điều kiện khó khăn, sơ phải tự canh tác trồng bắp, mía, lo đời sống kinh tế cho cả nhà dòng.
Đó là 5 sơ Việt Nam dòng Tiểu Muội: sơ Loan, sơ Linh, sơ Liên, sơ Chung và sơ Quy đang làm việc vùng Trung Đông và Bắc Phi với người Hồi giáo và thành phần cực đoan, nơi chiến tranh và bạo lực xảy ra thường xuyên.
Đó là các tu sĩ dòng Tên đang phục vụ bác ái trong trại tị nạn Kakuma của Liên Hiệp Quốc; các tu sĩ dòng Saledieng Don Bosco mở trại tị nạn để cứu trợ những nạn nhân trong vùng chiến sự ở Ethiopia; các sơ dòng Đức Bà Truyền Giáo đang chăm sóc các trẻ em khuyết tật và những trẻ em nghèo bị dị tật bẩm sinh tại Matuu, Kenya; các sơ dòng Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ dấn thân trong các khu ổ chuột…
Con đường phục vụ bác ái ngoài điều kiện thiếu trước, hụt sau, còn phải đối mặt với bao khó khăn, nguy hiểm. Điều đó có bao giờ làm những tu sĩ Việt Nam này nản lòng? Cha Tân ở Angola bị cướp vào nhà đánh trọng thương, dập xương hông và bị lấy hết đồ đạc. Đây là lần thứ hai bị cướp nhưng lòng nhiệt huyết phục vụ vẫn không hề phai nhạt.
Còn linh mục Giuse Phan Anh Tuấn có 7 năm sống trong rừng Amazon với thổ dân thiếu thốn đủ đường: ngủ trên võng, không internet, không bệnh viện…
Cha Tuấn chia sẻ: "Chưa bao giờ. Nếu làm mà chỉ mong chờ vào kết quả ngay thì rất dễ nản lòng. Nhưng "nơi đâu có tình yêu thì nơi đó không có thất bại". Mình phải làm sao để họ yêu thương và tin tưởng. Muốn được điều đó không gì khác hơn là mình phải sống chân tình, tôn trọng văn hóa và làm điều thật sự có ích cho họ. Cái được lớn nhất của tôi là sự yêu mến của mọi người dù bất cứ đâu".
Theo TNO