Chuyện về một nghề… không muốn kể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Nghề pháp y thì có gì lý thú, có gì mà kể”-bác sĩ Đồng Xuân Đức-Trưởng khoa Giám định Trung tâm Pháp y tỉnh Gia Lai nói vậy khi nghe tôi ngỏ ý muốn viết về cái nghề nghe có vẻ… lạnh lẽo và đáng sợ này.

Ấy thế nhưng nếu cuộc sống không có cái nghề “chẳng có gì lý thú” đó thì sẽ thế nào?

Nghề của “thần kinh thép”

Tôi vẫn nhớ bài báo đầu tiên tôi viết về bác sĩ pháp y Nguyễn Bá Trí với nhan đề: “Một tỉnh, một người với một nghề”. Từ sau ngày giải phóng đất nước cho đến thời điểm năm 1997, cả tỉnh Gia Lai vẫn chỉ có bác sĩ Trí đảm đương cái nghề chẳng ai muốn này.

Trong hàng trăm ca khám nghiệm có thể khiến người nghe sởn gai ốc, có một trường hợp hãy còn ám ảnh tôi đến bây giờ, đó là lần bác sĩ Trí khám nghiệm một trường hợp tự tử ở làng. Bấy giờ, tục chôn chung hãy còn phổ biến nên nạn nhân cũng được chôn cùng một người trong họ chết cách đó chừng 20 ngày.

Trời mưa tầm tã, ông và mọi người trong đoàn phải bì bõm lội trong làn nước xiên xuống như roi quất để đến hiện trường. Chẳng phải là lần đầu mổ tử thi chôn đã nhiều ngày nhưng đây là lần đầu tiên, bác sĩ phải khám nghiệm tử thi chồng lên tử thi như thế…

Đấy là chuyện hành nghề của năm 1992. Sau khi bác sĩ Trí nghỉ hưu là sự kế tục của bác sĩ Hổ, bác sĩ Nguyễn Kim Đức và bây giờ là bác sĩ Đồng Xuân Đức. Nghe tôi hỏi: “Cũng đã hơn ba chục năm rồi, phương tiện làm việc cho bác sĩ pháp y giờ hẳn khác thời bác sĩ Nguyễn Bá Trí nhiều?”, bác sĩ Đức cười: “Thì vẫn bộ quần áo bảo hộ, vẫn chiếc khẩu trang. Cái khác ấy có chăng bây giờ… sẵn taxi, có yêu cầu là lên đường được ngay”.

Bác sĩ Đồng Xuân Đức (bìa trái) đang khám nghiệm tử thi. Ảnh: N.T

Bác sĩ Đồng Xuân Đức (bìa trái) đang khám nghiệm tử thi. Ảnh: N.T

Bắt đầu công việc giám định pháp y từ năm 2009, bác sĩ Đức áng chừng mình đã khám nghiệm ngót cả ngàn ca. Và trong số ngàn ca đó cũng phải có đến trăm ca nguy hiểm. Nguy hiểm ở đây là những ca chết trên 7 ngày, phải khai quật để khám nghiệm hoặc chết do độc chất. Mỗi ca loại này là mỗi sự ám ảnh nhưng bác sĩ Đức vẫn nhớ nhất 2 ca, đến thời điểm này với ông... tạm coi là ám ảnh nhất.

Ấy là hồi cuối năm 2021, thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát, một người đàn ông Campuchia đi sang khu vực biên giới huyện Chư Prông bằng xe máy và bị mất tích. Sau mấy ngày nỗ lực tìm kiếm, lực lượng Bộ đội Biên phòng mới tìm thấy xác nạn nhân cùng chiếc xe máy dưới một hố sâu. Nguyên nhân có thể là do nạn nhân đi lối tắt, không quen đường nên đã xảy ra tai nạn. Tất nhiên, nhận định chỉ là nhận định, kết luận chính thức phải từ kết quả khám nghiệm tử thi.

Bác sĩ Đức kể: “Khi tôi có mặt tại hiện trường thì nạn nhân chết có lẽ cũng đã 6-7 ngày. Khi kéo xác nạn nhân lên khỏi miệng hố, một cảnh tượng chẳng những khiến mọi người đang có mặt mà cả tôi cũng phải nổi da gà: Từ đầu đến chân nạn nhân, ruồi, nhặng xanh và côn trùng bâu kín. Dùng cành cây để xua, chúng túa lên như quạt trấu một thoáng rồi lại lì lợm bâu vào như cũ. Cuối cùng phải xịt đến 4 bình thuốc diệt côn trùng mới xua được chúng đi để tiến hành khám nghiệm. Không có bàn, phải quỳ trên đất để mổ.

Mùi xú khí, thêm cảnh tượng khủng khiếp tác động vào tâm trí, tôi mệt quá phải dừng nghỉ giữa chừng. Sau hơn 2 giờ xem xét kỹ lưỡng, nguyên nhân nạn nhân chết được khẳng định là do chấn thương khi rơi xuống hố, khớp với nhận định ban đầu”.

Khám nghiệm người chết lâu ngày trên cạn đã là một sự khủng khiếp, nhưng sự khủng khiếp ấy cũng chưa là gì so với người chết lâu ngày dưới nước. Cái mùi tử thi đang phân hủy trong môi trường nước đã rất dai dẳng lại còn đậm đặc âm khí. Hai thứ đó cộng lại, dầm mình trong nó, cảm giác ớn lạnh nghe thấu lên mỗi đốt xương. Trong hàng chục ca “khảo người từ chốn thủy thần”, ca đáng nhớ nhất với bác sĩ Đức ấy là lần khám nghiệm cho một nạn nhân ở Đak Pơ chết trôi xuống Kông Chro.

“Khi tôi đến hiện trường thì đã sắp tối, trời lại mưa rả rích; xác nạn nhân đang nổi phập phềnh bên một cồn đất giữa sông. Nguyên tắc đã đến hiện trường là phải tiến hành khám nghiệm ngay, không được chần chừ vì bất cứ lý do gì, chúng tôi khẩn trương bắt tay vào việc. Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Điện không có, phải dùng ánh sáng đèn ắc quy. Xác nạn nhân được đặt ngay trên đất để mổ. Suốt 4 giờ liền, tôi phải quỳ 2 chân, căng mắt trong ánh sáng nhập nhòa để tìm nguyên nhân”-bác sĩ Đức chia sẻ.

“Thực sự thì anh có bị ám ảnh không sau những ca đáng sợ như thế?”-tôi hỏi. Bác sĩ Đức cười: “Lúc đầu thì có đấy. Nhưng theo thời gian, sự ám ảnh cũng nhạt dần rồi thành quen. Đã dám làm nghề này thì ngay từ đầu phải xác định cho mình tâm lý vững vàng và “thần kinh thép”. Ấy thế nên từ ngày Gia Lai có ngành Pháp y, số bác sĩ dám dấn thân vào nghề chỉ đếm được trên đầu ngón tay là vậy”.

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ... tiền

Để trở thành bác sĩ pháp y đương nhiên là phải có chứng chỉ pháp y và phải sau một thời gian, thường là 5 năm mới được bổ nhiệm làm giám định viên. Chế độ phụ cấp độc hại cho bác sĩ pháp y, giám định viên hiện nay là 70% mức ngạch lương. Ngoài ra, mỗi nội dung trưng cầu giám định được bồi dưỡng 200 ngàn đồng. Về chế độ khám nghiệm tử thi, nếu nạn nhân chết dưới 48 giờ mà không mổ, giám định viên được bồi dưỡng 600 ngàn đồng; nếu mổ, bồi dưỡng 1,5 triệu đồng/ca. Mức cao nhất là nạn nhân chết trên 7 ngày. Nếu phải khai quật thì mức bồi dưỡng 3,375 triệu đồng/ca; chỉ khám nghiệm hài cốt thì 3 triệu đồng. Chế độ cho phụ việc bằng 70% của giám định viên...

Cũng chẳng biết đã thỏa đáng chưa nhưng cứ như tôi và có lẽ với nhiều người, giả như ai thuê ngần ấy tiền chỉ để đứng gần một ca như đã kể trên đây thì cũng chẳng dám. Ấy là nói vui vậy. Nghề bác sĩ pháp y cũng như bao nghề trên đời “sinh nghề tử nghiệp” là điều phải chấp nhận. Điều đáng nói với nghề pháp y là đạo đức nghề nghiệp.

Có thể nói không quá rằng, với bác sĩ pháp y, đạo đức nghề nghiệp, hay nói gọn vào một chữ “tâm” cũng đồng nghĩa với công lý. Thế nên với họ chữ “tâm” kia mới bằng ba chữ tiền. Kẻ thủ ác một khi đã gây ra án mạng có bao giờ chịu ngồi yên. Không chỉ tìm cách xóa dấu vết, tung tin giả, chúng còn gây áp lực, đe dọa, thậm chí mặc cả sự thật bằng tiền.

Trong bao nhiêu áp lực ấy, nếu bác sĩ pháp y không vững thiên lương hay thậm chí chỉ “xê xích” đạo đức nghề nghiệp một chút thôi, công lý cũng đủ đảo chiều. Xin kể vài vụ việc: vụ bé trai bị bảo mẫu đánh ở An Khê; vụ cô gái dân tộc Giẻ Triêng ở Kon Tum xuống làm thuê ở Gia Lai bị chủ đánh đập dã man hay gần đây nhất là vụ một quân nhân bị đánh chết ở Đức Cơ…

Mà chẳng cứ là những “đại án”, chỉ vài ví dụ này, nếu bác sĩ pháp y xê xích cái “tâm” nghề nghiệp một chút thôi thì công lý cũng đủ khác: Gây thương tích 11% là đủ khởi tố hình sự, còn dưới đó thì không. Rồi lại còn các mức trên, dưới 21%; 61%..., tội trạng đều khác nhau cả.

“Với riêng bác sĩ, đã có ai đặt vấn đề về sự xê xích ấy chưa?”-tôi hỏi bác sĩ Đức. Ông nghiêm giọng trả lời: “Có chứ. Chẳng phải một mà không ít lần bị gạ gẫm này kia nhưng tôi kiên quyết từ chối. Không chỉ vì sự nghiêm minh của pháp luật mà còn vì sự thanh thản của cõi lòng”.

Nghe bác sĩ Đức nói, tôi chợt nhớ đến bác sĩ pháp y tiền bối Nguyễn Bá Trí cùng tâm niệm của ông: “Làm nghề pháp y mà không có cái tâm, dù có chết đi anh cũng chẳng thể thanh thản được đâu”. Có thể xem đây là một lời thề thầm lặng mà người đi trước truyền lại người sau.

Ra về, tôi chợt nhận ra đã hết cả buổi sáng mà Trung tâm Pháp y tỉnh vẫn chìm trong yên lặng. Cả tỉnh này chắc chẳng có cơ quan nào yên lặng thế. Một sự yên lặng đúng như công việc lặng thầm nhưng lại có bao điều đáng nói.

Có thể bạn quan tâm

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

(GLO)- Mất đi ánh sáng, người khiếm thị gặp vô vàn khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống. Tuy nhiên, bằng nghị lực và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhiều người khiếm thị ở Gia Lai đã vượt qua nghịch cảnh, học nghề, tìm kiếm công việc phù hợp, chăm lo cho bản thân và vui sống mỗi ngày.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm tặng quà cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đ.T

Để tất cả người lao động đều có Tết

(GLO)- Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Với mục tiêu tất cả đoàn viên, người lao động (NLĐ) đều có điều kiện đón Tết, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang tích cực triển khai kế hoạch chi trả lương, thưởng và tặng quà Tết.