Chuyện thời sự ở nông thôn: Bài 2-Nỗi buồn của vùng quê chị Dậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong chuồng lợn chết hết, ngoài vườn thì nhãn mất mùa, hai nguồn thu chính của người nông dân Tiên Lữ, Hưng Yên bị chặn lại hoàn toàn...
Những vườn nhãn chỉ có lá
Xe tôi đang bon bon trên con đường liên xã ở Hồng Nam, TP Hưng Yên bất thần một luồng thuốc sâu từ những vườn nhãn hai bên phụt thẳng vào mặt khiến mắt mũi cay xè, mồm miệng đắng ngắt.
Trong mấy năm gần đây chưa năm nào người dân Hưng Yên lại chứng kiến một vụ nhãn thảm hại như vụ này, vừa mất mùa nặng lại vừa sâu bệnh nhiều. Bọ xít, sâu đo thi nhau sinh sôi, nảy nở nên dù nhãn không có quả nhưng nông dân vẫn phải phun thuốc BVTV liên tục nếu không sẽ sun hết ngọn, tan hết lá.
Hồng Nam là vựa nhãn lồng nổi tiếng của tỉnh với diện tích khoảng 200ha, chủ yếu là giống Hương Chi, quả to, hạt nhỏ, vỏ mỏng, cùi dày, hương thơm, vị ngọt. Nông dân trong xã đời đời, kiếp kiếp thủy chung với cây nhãn, biến nó là nguồn sống chính của mình, ở đây có những cây nhãn cổ thụ hàng trăm năm tuổi quý hiếm đến mức được công nhận là cây bảo tồn quốc gia.
Năm 2018 sản lượng nhãn của xã đạt 2.940 tấn, doanh thu 44 tỉ đồng nhưng năm nay thì thất thu theo tình hình chung của cả tỉnh. Chị Vũ Thị Dậu có 6 sào nhãn, mọi năm thu 4 - 5 tấn, năm nay ước chỉ được 5 - 6 tạ, giảm hơn 80% bởi giai đoạn trỗ vào đúng lúc mưa rét nên không đậu quả cộng thêm nạn sâu bệnh dữ dội.
 
Chị Dậu bế cháu trong vườn nhãn không có quả.
Trở lại với vụ nhãn năm ngoái, tuy được mùa nhưng giá rẻ chưa từng thấy. Đầu vụ chị chỉ bán được vài tạ nhãn quà với giá 15.000 - 20.000 đồng/kg rồi hơn 4 tấn sau đó đành phải bán làm nhãn sấy long với giá chỉ 8.000 đồng/kg. Tổng thu được 40 triệu, không bằng một nửa so với các năm trước trong khi chi phí phân bón, thuốc sâu đã là hơn 20 triệu, công xá hai vợ chồng tự hì hụi làm, không tính vào.
Ngoài trồng nhãn, chị Dậu còn giữ chức Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hồng Nam nhưng từ hồi địa phương chuyển đổi hết từ lúa sang nhãn, cấy hái cũng không còn, đơn vị chỉ cung cấp được mỗi dịch vụ nước. Bộ máy HTX có 5 người, mọi năm được giao tiêu úng cho nhãn, mỗi tháng được cỡ 500.000 đồng/lao động nhưng 2 năm gần đây công việc đó được bàn giao về công ty khai thác công trình thủy lợi thành phố nên hoàn toàn tê liệt, chẳng có một đồng thu nhập nào.
Không thành viên, không nhiệm vụ, không trụ sở, không bàn ghế, đống máy bơm, bình phun thuốc sâu cũ cũng đã thanh lý bằng hết, HTX xã chẳng khác gì một cái xác khô, càng bám vào càng khổ nên đã mấy lần mọi người xin được xóa nó đi nhưng trên không cho. Họ bảo ở TP Hưng Yên có 12 phường xã vẫn còn HTX, chưa nơi nào được xóa cả. Có thể HTX là một trong những yếu tố liên quan đến việc xây dựng nông thôn mới nên dù đã “chết” cũng không được khai tử chăng?
Theo ước tính của chị Dậu sản lượng nhãn toàn xã năm nay mất khoảng trên dưới 50%, đã túng bấn từ vụ trước đến vụ này lại càng túng bấn, nhiều người ăn cỗ cưới đến cái phong bì 200.000 đồng cũng phải tất tả đi vay. Ngay bản thân gia đình chị, cuộc sống giờ chẳng biết có thể trông ngóng vào đâu vì tuổi của họ cũng đã ngoài 60, không có nghề gì khác ngoài trồng và chăm sóc nhãn.  
Họp họ cũng phải đi vay
Họ Nguyễn ở đội 9 xã Hồng Nam mới họp, làm 7 mâm cỗ, đĩa bát ngồn ngộn thịt cá mà mặt nhiều người vẫn không thể tươi như mọi bận. Ông trưởng họ Nguyễn Quốc Ân thấy vậy phải động viên rằng: “Năm ngoái được mùa mất giá nhãn nhưng không vì thế mà họ ta bỏ mặc cho cây hỏng. Phải vay mượn cho cây nó ăn để còn hi vọng vào năm sau chứ!”.
 
Nỗi buồn của ông trưởng họ Nguyễn Quốc Ân.
35 đầu đinh họp họ lần này, mỗi suất đóng góp 200.000 đồng nhưng trên 10 người phải đi vay tiền, kể cả ông trưởng họ. Hai năm liên tiếp nhãn thất thu, 2018 được mùa thì mất giá còn 2019 mất hẳn mùa phần bởi thời tiết thất thường, phần bởi con người chán nản lơ là chăm sóc nên kinh tế của cả họ đi xuống thấy rõ.
Nói đâu xa, như vụ nhãn năm ngoái, sau khi trừ tất chi phí, gia đình ông Ân chỉ còn được 7 triệu, chia đều cho 2 vợ chồng già, mỗi tháng mỗi người chỉ được xấp xỉ 300.000 đồng. Họ phải vay mượn thêm 25 triệu để cầm cự đến vụ này thì cây lại chẳng đậu quả. Dưới cái nóng hơn 40oC ông vẫn lao ra ngoài mà cào đám đất phù sa mới đổ xuống vườn. Cứ 2 - 3 năm một lần, các nhà vườn ở đây lại phải mua đất phù sa sông Hồng về cho nhãn “ăn” như vậy để cây chóng phục hồi sức khỏe. Mỗi xe đất giá 400.000 đồng cộng thêm 200.000 đồng vận chuyển nữa nên đổ đủ cho 7 sào nhãn ông Ân mất đúng 20 triệu.
 
Cho nhãn "ăn" phù sa.
Nhãn mất mùa vẫn phải cho ăn cũng như người mất nhãn vẫn phải gắng gượng sống. Ông Ân trầm ngâm: “Chi tiêu cho một gia đình nông thôn giờ đây tối thiểu cũng phải 3 - 4 triệu/tháng mới tạm đủ cho con cái học hành, sinh hoạt phí, chưa kể dịp đầu năm cưới hỏi nhiều, giỗ chạp lắm có tháng vọt lên tới 5 - 6 triệu.
Chưa năm nào người trồng nhãn khó như năm nay, nhiều gia đình phải đi ăn vay rồi. Đã thế, khoảng 3 năm gần đây chẳng hiểu sao nhãn Thái Lan lại tràn về nhiều đến vậy? Vụ đầu tiên, 2017 giá bán của nhãn lồng Hưng Yên 25.000 đồng/kg thì nhãn Thái bán chỉ có 15.000 đồng/kg.
Vụ thứ hai, 2018 nhãn mình bán 8.000 - 10.000 đồng/kg thì nhãn Thái bán chỉ có 5.000 đồng/kg. Nếu nhà nước không có chính sách gì để ngăn nhãn Thái Lan nhập khẩu về Việt Nam tràn lan như thế này thì chắc chúng tôi chỉ trụ được 1 - 2 vụ nữa là phải phá vườn”.  
Tay, chân lở loét vì bóc long nhãn Thái
Không chỉ bán nhãn quà dạng ăn tươi mà nhãn Thái còn có cả hàng làm long, cạnh tranh kịch liệt với long nhãn nội về giá. Nếu nhãn ta có theo mùa thì hầu như nhãn Thái có quanh năm.
Các ông trùm ở Hưng Yên đánh từng đoàn xe container chứa đầy thứ nhãn đã cắt rời từng quả rồi sang tải cho các lò chuyên xoáy nhãn làm long. Lò sấy của chị Vũ Thị Thơm ở xã Hồng Nam (TP Hưng Yên) mỗi khi đỏ lửa đều thu hút 20 - 30 lao động trong vùng đến làm thuê, rất nhộn nhịp. Không hiểu loại nhãn này có sử dụng chất bảo quản hay không mà khi mới bỏ trong thùng ra chúng bốc mùi hăng hắc, khó chịu đến mức ruồi nhặng ít khi đậu xuống còn người làm thuê dễ bị nhức đầu, buốt óc.
Chị Ngô Thị Hoa ở xã Hồng Nam vụ trước có nhận ít nhãn Thái về nhà tranh thủ bóc. Khi đem ra rửa, nó chảy ra thứ nước hồng hồng, bám chặt vào da tay chị khiến cho loét kẽ ngón, chữa đủ loại thuốc trong mấy tháng liền mới khỏi nên sợ quá không dám làm nữa.
 
Chị Ngô Thị Hoa chỉ bàn tay từng bị loét kẽ vì bóc long nhãn Thái.
 
Chỉ một tí nước khi xoáy nhãn làm long nhỏ xuống chân cũng có thể khiến cho da phồng rộp lên như phải bỏng.
Ngay cả đống vỏ nhãn sau khi bóc xong chất trong góc vườn cũng rất lâu bị thối chứ không như nhãn ta. Mỗi kg nhãn sau khi bóc được trả công 4.000 đồng. Một lao động khỏe mạnh và chăm chỉ mỗi ngày có thể bóc được 30kg, thu nhập được 120.000 đồng.
Gia đình anh Vũ Văn Quảng ở đội 2 xã Dị Chế (Tiên Lữ, Hưng Yên) có hai nguồn thu chính là nuôi lợn và sấy long nhãn.
Năm nay thì cả hai hướng đi ấy đều bị bẻ gãy hoàn toàn. Ngót 70 con lợn của anh, nửa may mắn bán được trước lúc dịch tràn đến, nửa còn lại đành phải đem chôn, chuồng trại bỏ trống, không dám nuôi tiếp.
Mọi năm anh đấu thầu mấy vườn nhãn trong vùng được cỡ 40 - 50 tấn quả, sản xuất ra khoảng 4 - 5 tấn long, vụ này thì chỉ thu được mỗi lá.
Ngoài làm nhãn ta, trước đây hết thời vụ anh còn đánh cả nhãn Thái. Khác với long nhãn ta khá khô, có màu vàng óng như mật ong thì long nhãn Thái ướt hơn, màu đen sẫm.
Cách đây chừng 10 ngày, lò sấy nhãn Thái nhà anh phải tắt lửa bởi mỗi kg trước bán 180.000 - 200.000 đồng giờ chỉ còn 130.000 đồng, mức giá cận vốn mà thương lái Trung Quốc vẫn còn chê ỏng, chê eo.
 
Cận cảnh bóc long nhãn
Không còn lợn, không còn long, mọi nguồn sống của gia đình anh chị bị chặt đứt hết khiến cho họ cứ thon thót giật mình mỗi khi nghe thấy tiếng chuông điện thoại của thằng con đang học đại học gọi về xin tiền.

Nhưng trong chuồng lợn đã chết hết, ngoài vườn nhãn đã mất mùa, không đi bóc long Thái thuê thì còn biết làm gì? Chỉ có điều, rút kinh nghiệm, trước khi bóc họ phải ngâm rửa cho thật kỹ, lúc xoáy cùi phải đeo khẩu trang cho đỡ mùi, đeo găng tay cho đỡ ăn da. Cẩn thận là thế mà sơ sảy tí nước nhỏ xuống chân cũng có thể khiến cho da phồng rộp lên như phải bỏng

Dương Đình Tường (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.