Chuyện thời sự ở nông thôn: Bài 1-Cứ đến tối là lại run

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lợn dịch bệnh, lúa dịch bệnh, vải mất mùa, nhãn mất mùa trong khi xăng tăng giá, điện tăng giá khiến cho nông dân một số nơi ở các tỉnh, thành phía Bắc như kẹp giữa hai gọng kìm, loay hoay mà chưa tìm thấy đường ra….
Ôm xác lợn rơi mà chạy
Trong những ngày này đi khắp miền Bắc đâu cũng thấy một màu trắng xóa của vôi bột khắp xóm làng, mùi lợn chết thum thủm chưa kịp chôn đang phân hủy dưới nắng hè và tiếng thở than của các chủ trại… “Đến bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy kinh hoàng khi nhớ về những ngày tháng ấy. Khi tỉnh công bố dịch tả lợn Châu Phi gia đình đã đề phòng rất nghiêm ngặt, thuốc phun trùm lên người mỗi khi vào khu nuôi, vôi bột rắc ngày hai lần nhiều đến nỗi có con nằm bỏng lột cả da, thế mà vẫn dính.
Nói thật, khi lợn mắc bệnh, chúng tôi giấu dịch, không báo chính quyền ngay mà vẫn cố giấu. Mất bao công sức mới gây nên được những con lợn sề còn chúng cũng nuôi sống mình từ xưa đến nay”. Cặp vợ chồng Vũ Thị Lan - Nguyễn Văn Xuyên ở đội 5 xã Dị Chế (Tiên Lữ, Hưng Yên) hồi tưởng lại.
Anh chị Lan - Xuyên bên khu chuồng trống rỗng
Trước dịch, nhà chị có 35 con nái, 250 con lợn choai, 150 con lợn con. Đầu tiên chúng bỏ ăn nhưng không chết ngay. Đem những con nái còn khỏe mạnh, nặng 2,5-3 tạ bán được 2 triệu đồng/con, họ mua hơn 100 lít sát trùng, 1 tấn vôi bột, mấy thùng thuốc bệnh, thuốc bổ về phun, rắc, tiêm chọc cấp tập nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.
Hễ chết con nào họ lại cho vào bao tải, rắc vôi bột khử trùng rồi mỗi người một xe máy đợi đêm đến mang sang bãi rác làng Cuông, nơi xã đã đào sẵn hố để chôn trộm không cho chính quyền biết.
“Có lần chồng tôi đi trước, hất lợn xuống hố rồi mà vẫn không thấy vợ đâu, tưởng bị làm sao nhưng có biết đâu lúc đó tôi đang chở thì đánh rơi mất một con lợn cấn khoảng 60kg ở giữa làng phải quay lại. Dừng xe cách một quãng so với chỗ rơi, tôi đi bộ lại ôm con lợn rồi chạy thục mạng vì sợ dân quân, người làng phát hiện. Không biết tại sao lúc ấy lại tôi lại khỏe thế chứ? Mỗi đêm chở đi chôn trộm 5-10 con, lai rai thời gian dài mà làng xóm, chính quyền không ai hay biết. Bởi thế cứ gần đến tối tôi lại run như dẽ bởi nghĩ đến đoạn phải khiêng lợn chết” và chính quyền phát hiện.
Đến lúc thấy lợn nằm la liệt quá nhiều còn người đã kiệt sức, chồng lại bị bỏng nước sôi, đùi lột hết cả da nhẵn như da cá trê, chị mới báo xã đi tiêu hủy. Người ta bảo, 200 con lợn họ tự chôn vụng sẽ không được hỗ trợ còn các con đã thông báo, đã cân xong thì tiền vẫn phải chờ. Tay chị bơm nước vào chuồng cho lợn dễ ngấm điện để thú y cầm kích giật cho chết mà mắt chẳng dám nhìn vì sợ tội. Xong xuôi rồi, đứa con gái lớn đi lấy chồng, đứa con trai út đi bộ đội mới hay biết, gọi điện về khóc như mưa khiến chị phải động viên: “Thôi nín đi con, dịch bệnh cả làng, cả nước bị chứ đâu phải riêng nhà mình, rồi bố mẹ sẽ phục hồi lại sau”.
Anh chị Lan - Xuyên bên đống thuốc ế thừa
Tai đang quen nghe thấy tiếng lợn kêu, mắt đang quen nhìn thấy cảnh mông, vai chen chúc, giờ chỉ là những ô chuồng trống rỗng khiến anh Xuyên sụt cân, bạc hết cả da vì tiếc của. 35 con lợn nái tay anh chăm từ lúc còn đỏ hỏn đến khi biết đẻ, thuộc tính thuộc nết từng con, từ nái già 7-8 năm tuổi đến nái non 2-3 năm mà giờ đây chỉ còn lại vài con nái cùng 70-80 con lợn nhỏ (nuôi khác khu chuồng) thì làm sao mà chẳng sốc? 
Cuối năm 2016 bão giá, lợn con đẻ ra không có người mua phải đem cho nên sang năm 2017 vốn liếng bao nhiêu năm tích góp của anh đã phải tiêu hết sạch. Dù nợ đại lý cám cỡ 1 tỉ, nếu bán hết lợn đi năm đó vẫn còn dư một khoản nhưng anh vẫn cố giữ không dám bán tháo để vừa rồi bị tả Châu Phi, số nợ tăng lên thành cỡ 2 tỉ. Hết tiền chu cấp, cô gái thứ hai của họ đang học đại học, trước mỗi tháng được gửi cho 3 triệu giờ cũng phải bán hàng online mà tự lo trang trải.  
Mất nhà và ly tán gia đình
Vừa mới gặp anh người quen ở làng bên, bà Lê Thị Măng ở đội 4 xã Dị Chế (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) đã hớt hải thông báo: “Chú ơi, thằng con rể nhà tớ rất ngoan ngoãn, không chơi bời, cờ bạc rượu chè gì mà mới phải bán nhà đấy”. “Chết không rõ nguyên nhân rồi!”. Anh nọ phán. “Không, nó nuôi lợn chú ạ”.  “Vậy thì lại “chết” có nguyên nhân rồi!”. Anh nọ thở dài.

Qua khảo sát 4 xã ngẫu nhiên thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương cho thấy tổng đàn lợn trong dân giờ hụt hẳn vì đa số đã tiêu hủy gần hết. Số thống kê trên giấy tờ ít hơn nhiều so với số lợn chết thực tế bởi nhiều người chôn vụng, chôn trộm không thông báo cho chính quyền.


Nguyễn Văn Hậu con rể bà là người đầu tiên trong xã mất nhà vì nuôi lợn, trước khi cả đại dịch tả Châu Phi kịp tràn tới. Ở làng không ai là không khen nó vì sự chăm chỉ nên tuổi mới đầu ba mà đã xây được 4 gian nhà mái bằng trên mảnh đất 270m2 vuông vắn, đã đầu tư được trang trại nuôi tới 300-400 con lợn. Đầu tắt mặt tối suốt ngày ngoài chuồng nhưng còn hở chút thời gian là nó lại tranh thủ đi bốc vác cám, đỗ, ngô, gạo để kiếm thêm mỗi chuyến 50-70.000đ.
Trại mới lập lại đúng vào thời kỳ bão giá 2016 rồi dịch tai xanh, dịch lở mồm long móng khiến cho Hậu thua lỗ ngót tỉ đồng. Con gái bà lúc đó mới mổ u nang cũng phải chạy vạy đi xuất khẩu lao động bên Nhật nhưng sang làm chưa kịp hồi vốn đã bị trả về vì sức khỏe yếu. 
Lãi mẹ đẻ lãi con, hoảng quá, vợ chồng vội bán nhà được 750 triệu để trả nợ, xong xuôi còn lại đúng hơn 20 triệu nên về xin tá túc trên đất nhà ngoại. Mẹ vợ thương tình cho 30 triệu tiền dành dụm tuổi già của mấy năm đi bế trẻ trong xóm, mỗi buổi được trả 50.000đ để cho con rể dựng một gian nhà tạm chui ra chui vào.
Trước tết, nó phẫn chí lại vay mượn đâu hơn 100 triệu xin đi xuất khẩu lao động Đài Loan còn chị vợ xin đi làm công nhân biền biệt ngoài Hải Dương nên hai đứa con sinh đôi đang học lớp 6 phải ở lại với bà Măng. Mỗi tháng con rể gửi về 8-10 triệu, bà cũng chẳng dám chi tiêu mà dồn lại để sau này cho nó chuộc lại đất. Ngoài lo ăn uống cho hai đứa cháu bà vẫn tranh thủ đi bế con thuê cho người trong làng để rau cháo qua ngày, dù đã 72 tuổi.
Lúc tôi đến, đang vào cao điểm nóng, căn nhà thấp lè tè bốc hơi ngùn ngụt tựa như một cái lò nung nhưng bà vẫn luôn tay phe phẩy cái quạt nan: “Tôi già rồi, quạt máy mát thì mát thật nhưng tốn điện nên chỉ dám bật cho hai đứa cháu ngủ mà thôi chú ạ”.
Bà Măng ngày nóng mà không dám bật quạt máy, vẫn dùng quạt tay
Bà cũng chỉ dám cắm mỗi nồi cơm, bật mỗi một cái bóng điện lúc ăn xong là tắt ngay, bật cái đèn bàn lúc các cháu học bài, hạn chế mở ti vi và đi ngủ lúc 8h30 tối. Thế mà tháng vừa rồi tiền điện vẫn lên tới 170.000đ thay vì 120.000đ như trước bởi cách tính giá kiểu mới và giá điện tăng.  
Người nuôi lợn nợ nhiều nhất huyện
Ở huyện Tiên Lữ có lẽ anh Đoàn Hồng Quảng ở xã Hải Triều là chủ trại thiệt hại nặng nhất trong đợt dịch vừa qua khi 147 con nái và trên 1.000 con lợn thịt bị tiêu hủy. Buổi người ta đến dồn lợn lại một góc chuồng, phun nước lên để chuẩn bị kích điện anh phải bịt tai vì không muốn nghe thấy tiếng kêu hoảng loạn của lũ lợn, tiếng vợ con sụt sùi khóc. 36 tấn xác lợn sau đó được chất cao như một quả đồi rồi chôn, để lại cho anh món nợ ngân hàng 5 tỉ, nợ anh em, họ hàng 2 tỉ không biết bao giờ mới có thể trả nổi.
Dịch bệnh không chỉ tàn phá các trại vừa và lớn trong vùng mà còn quét tan hoang hầu hết các chuồng lợn nuôi kiểu nông hộ.
Anh Phạm Quang Thành ở thôn Nghĩa Chế, xã Dị Chế hôm giỗ bố vẫn còn tất tả nấu cháo để cho mấy con lợn sề đang bị ốm ăn rồi tiêm kháng sinh, cho chúng uống vitamin, thuốc bổ những mong vực lại.
Anh Thành bên cái chuồng lợn đã treo lên
Chữa được hai hôm anh đành phải buông tay vì lợn không thể ngóc đầu lên nổi được nữa. Cái chuồng sắt nhốt lợn giờ đây được treo lên để lấy chỗ thả mấy con ngan, con gà nhép, không biết hồi nào mới cho thu.
Bao năm tích lũy giờ đây anh thành kẻ tay trắng. Lợn chết khiến các nghề nghiệp khác lao đao theo. Như 10 nhà nấu rượu trong thôn đã phải giảm công suất hoặc ngừng hẳn vì nấu rượu bán không lãi mà chỉ lãi ở khoản bã để chăn lợn.
Như 5 cái máy xát gạo di động giống như loại của anh Thành, trước đây mỗi buổi đánh đi, đánh về cũng được cỡ 40 kg cám, đem bán 6.000đ/kg giờ tụt xuống 4.000đ/kg mà còn ế. Không còn con gì ăn cám nữa, ngay cả anh bốc vác cũng thành ra thất nghiệp theo mấy anh hàng xay xát.
Anh Thành cho lũ vịt con ăn.
Anh Thành bên cái máy xay xát di động.
Dương Đình Tường (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Cứ mỗi độ vào mùa, người dân lại đổ xô vào rừng săn lùng quả ươi. Để xí phần, nhóm người săn ươi đánh dấu bằng cách dùng dao, rựa chặt vạt tạo vết trên thân cây hoặc xịt sơn làm ký hiệu; và hầu hết cây ươi bị đánh dấu này đều chung số phận bị chặt hạ, tỉa cành để khai thác ươi.
'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng.
'Bà tiên' gieo hy vọng

'Bà tiên' gieo hy vọng

Đã bước sang tuổi 82 nhưng hằng ngày bác sĩ Đỗ Thúy Nga vẫn làm việc tại Trung tâm Hy Vọng - nơi gần 60 em nhỏ khuyết tật trí tuệ đang được bà và các cô giáo chữa lành, khắc phục dần khiếm khuyết của các em.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.