Chuyện giảm nghèo ở Đắk Pao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhờ người dân bỏ rượu, chí thú làm ăn nên số hộ nghèo ở Đăk Pao giảm đáng kể. Trong thôn có 58 hộ, lúc chưa bỏ rượu có 25 hộ nghèo, giờ chỉ còn 5 hộ

Chuyện uống rượu từ lâu đã trở nên quen thuộc với nhiều bản làng vùng cao Quảng Ngãi. Có nhiều trường hợp vợ giết chồng, con giết cha, gia đình nghèo đói… cũng xuất phát từ thói quen uống rượu. Thế nhưng, tại làng Đắk Pao, xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, chuyện uống rượu lại hoàn toàn trái ngược.

Ăn lá ngón vì chồng nát rượu

Một ngày giữa mùa mưa, theo chân cán bộ Hội Phụ nữ xã Sơn Màu, chúng tôi đến làng Đắk Pao.

Trái ngược với những bản làng vùng cao thường thấy, hiện ra trước mắt chúng tôi là một bản làng khá khang trang. Những ngôi nhà sàn kiên cố, mái ngói đỏ tươi nằm lưng chừng những con đồi, trông chẳng khác nào biệt thự nhà vườn. Chỉ cách vài trăm mét, những khu rừng nguyên sinh đậm tán cây rừng đổ bóng xuống triền đồi thăm thẳm.

Tiếp chúng tôi, anh Đinh Văn Xanh - cán bộ Mặt trận thôn Đắk Pao - hồ hởi nói cuộc sống của người làng Đắk Pao bây giờ đã không còn nghèo đói như xưa nữa. Đàn ông trong làng đã đi làm hết rồi, họ chí thú làm ăn, kiếm tiền dựng nhà cửa, lo cho con ăn học; còn phụ nữ giúp chồng, chăm lo gia đình, không còn cảnh rượu chè be bét nữa.

Chị Đinh Thị Vum (giữa) hạnh phúc kể về câu chuyện của mình khi chồng bỏ được rượu

Chị Đinh Thị Vum (giữa) hạnh phúc kể về câu chuyện của mình khi chồng bỏ được rượu

"Có được niềm vui này, tất cả là nhờ cán bộ Hằng, cán bộ Vum đã vận động, giúp bà con hiểu được tác hại của rượu, bỏ rượu. Nếu không có họ, bà con chúng tôi không được như ngày hôm nay" - ông Xanh nói.

Dứt lời, ông Xanh dẫn chúng tôi đến nhà chị Đinh Thị Vum (27 tuổi, cán bộ phụ nữ thôn Đắk Pao).

Như nhiều phụ nữ khác ở miền sơn cước, Vum cũng từng là nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình, do thói quen uống rượu của người dân nơi đây. Vum kể, lấy chồng từ năm 18 tuổi, lúc vừa học xong lớp 11. Lúc đầu cuộc sống hai vợ chồng rất hạnh phúc.

Nhưng chỉ được ít năm đầu sau khi cưới, rồi chồng Vum bắt đầu chán đi làm, ở nhà thì hay cùng những người khác trong làng uống rượu. Sau khi uống rượu về, chồng Vum trở thành một người khác hẳn. Chỉ cần Vum than phiền chuyện uống rượu hay nói bất kỳ điều gì khó nghe, chồng liền động tay, động chân ngay với Vum.

Vì quá yêu chồng, Vum không thể dứt tình nên cứ lặng lẽ, cam chịu. Nhiều lúc chồng tỉnh táo, Vum thủ thỉ, tâm sự khuyên bảo chồng bỏ uống rượu, lo chí thú làm ăn, nuôi con… Chồng Vum có bỏ rượu được ít hôm rồi lại tiếp tục "ngựa quen đường cũ", mỗi khi rượu vào lại đánh đập Vum bầm giập.

Đỉnh điểm sự việc xảy ra đầu năm 2019, khi chồng uống rượu về đánh Vum thâm tím mặt mày. Vum giận quá, ôm con đi bộ vượt đường rừng, về nhà mẹ đẻ cách đó gần 20 km. Tối đến, Vum một mình ra bìa rừng, hái nắm lá ngón nhai ngấu nghiến. May lúc đó người nhà phát hiện kịp thời, đưa Vum đến bệnh viện. Hôn mê nhiều ngày ở bệnh viện, Vum thoát được cái chết.

"Sau hôm đó, chồng mình mới hiểu được tác hại của rượu và bỏ hẳn thói quen uống rượu. Bây giờ, chồng mình rất thương vợ con, hằng ngày đi làm từ sáng tới chiều tối mới về… Nghĩ lại hành động ăn lá ngón, mình thấy dại dột quá. Mình chết đi thì bỏ 2 đứa con cho ai nuôi, chồng mình cũng sẽ không thoát khỏi men rượu" - Vum thố lộ.

Nhờ bỏ được rượu, vợ chồng bảo ban làm ăn, gia đình Vum đã thoát nghèo. Mạnh dạn vay 40 triệu đồng của nhà nước cùng số tiền dành dụm từ khai thác keo, mì, bán trâu, bò, vợ chồng Vum đã xây được ngôi nhà khang trang với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng, sắm đầy đủ tiện nghi trong gia đình.

Quyết xóa bỏ thói quen xấu

Chị Đinh Thị Hằng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Màu - kể ngay sau ngày Đinh Thị Vum ăn lá ngón tự tử, trong suy nghĩ của chị ám ảnh mãi câu hỏi: Phải làm sao cho người dân ở đây bỏ rượu, chí thú làm ăn để thoát nghèo?

"Cũng là người đồng bào với nhau, cùng dòng máu với nhau, nhiều lúc mình thấy bà con uống rượu nhiều đến mức quên lo làm ăn. Sáng ra đã uống rượu. Làm một ngày, uống rượu ba ngày. Có lúc cả vợ và chồng đều uống rượu, say quá ngủ ngoài đường, ngoài rẫy, con cái ở nhà không có cơm ăn… Mình thấy đau lòng lắm" - chị Hằng nhớ lại.

Chị Đinh Thị Hằng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Màu, đến thăm một gia đình ở Đắk Pao

Chị Đinh Thị Hằng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Màu, đến thăm một gia đình ở Đắk Pao

Nghĩ là làm, ngay tại cuộc họp Đảng ủy xã Sơn Màu vào sáng hôm sau đó, chị Hằng lập tức đề xuất triển khai mô hình "Nói không với rượu, bia" ở Đắk Pao.

Đảng ủy xã Sơn Màu đã thống nhất, giao cho Hội Phụ nữ triển khai, lập kế hoạch. "Ngay tối đó, mình về tham khảo ý kiến bà con ở Đắk Pao. Lúc đầu, có một vài người không tán thành, nói uống rượu, bia là chuyện không thể thiếu. Nhưng sau khi được phân tích thiệt hơn thì họ cũng đồng tình. Dường như cái nghèo, cái khổ đã đeo bám quá lâu ở vùng cao này, cộng thêm nhiều chị em phụ nữ đã quá chán nản cảnh chồng suốt ngày say xỉn, nên khi triển khai mô hình, ai cũng đồng tình" - chị Hằng nói.

Vài ngày sau, chị Hằng cùng một vài phụ nữ khác trong thôn Đắk Pao soạn ra bản cam kết. Trong đó nói rõ chỉ được dùng rượu, bia khi gia đình có giỗ, cúng, tiệc, nhưng phải chừng mực, không được say xỉn. Ai uống rượu, bia say xỉn sẽ bị lập biên bản, phạt tiền 50.000 đồng lần thứ nhất và 100.000 đồng lần thứ hai, lần thứ ba sẽ phạt 200.000 đồng. Việc lập biên bản, xử phạt do Tổ cộng đồng thôn Đắk Pao thực hiện. Việc giám sát ai uống rượu sẽ bao gồm bất kỳ thành viên nào trong thôn.

"Tối hôm đó, tất cả bà con, các cặp vợ chồng già trẻ tập trung về nhà văn hóa thôn. Sau khi nghe đọc bản cam kết, điều đáng mừng là 100% người dân dự họp vỗ tay tán đồng và vui vẻ ký vào bản cam kết" - chị Hằng nhớ lại.

Thế nhưng, vì thói quen uống rượu đã ăn sâu vào nếp sống của nhiều người dân nơi đây, nên lúc đầu vẫn có một số người vi phạm việc uống rượu, dù không say xỉn nhiều như trước. Khi phát hiện, tổ giám sát liền trực tiếp đến từng nhà nhắc nhở. Duy chỉ có trường hợp của vợ chồng anh Đinh Văn Tôn và chị Đinh Thị Mười.

Theo lời người dân Đắk Pao, hai vợ chồng anh Tôn và chị Mười là hộ nghèo nhất thôn Đắk Pao. Cả hai vợ chồng đều nghiện rượu rất nặng. Có thời điểm, cả hai nghiện đến mức không có rượu uống thì đụng ai cũng chửi bới, đòi đánh. Khi say thì đụng đâu ngủ đó, thường xuyên bỏ bê hai con nhỏ. Nhiều lần chính quyền địa phương cử người xuống tuyên truyền, khuyên nhủ nhưng đều không thành. Bước ngoặt chỉ đến sau lần bị tổ cộng đồng đến lập biên bản xử phạt vi phạm đã cam kết trước đó và bắt nộp phạt thì hai vợ chồng mới tá hỏa.

"Khi tổ cộng đồng đến lập biên bản, yêu cầu đóng phạt 50.000 đồng vì uống rượu say xỉn, vì không có tiền nên hai vợ chồng xin nợ. Kể từ đó, Tôn và Mười không còn uống rượu nữa. Bây giờ, cả hai vợ chồng cùng nhau đi Kon Tum hái cà phê, chăm chỉ làm ăn nuôi con ăn học, cuộc sống cũng khấm khá lên rất nhiều" - ông Đinh Văn Xanh, cán bộ Mặt trận thôn Đắk Pao, kể.

Say xỉn, bị làng phạt

Cũng theo ông Xanh, không chỉ trường hợp vợ chồng Tôn và Mười, tất cả người dân trong thôn này đã hơn 3 năm qua không còn ai uống rượu. Những gia đình nào có cúng, giỗ hay ngày lễ, tết cũng chỉ uống bia nhưng ở mức độ vừa phải, tuyệt đối không ai uống rượu nữa.

"Có tiệc tùng thì mình chỉ uống mấy chai bia, rồi nghỉ về đi làm, chứ uống nhiều sẽ bị say xỉn, bị cả làng phạt tiền, vợ con sẽ buồn lắm" - anh Đinh Văn Hoàng, một người từng nghiện rượu ở thôn Đắk Pao, nói.

Nhờ bỏ được rượu, người dân ở Đắk Pao đã tích cực lao động, xây dựng nhà cửa khang trang hơn

Nhờ bỏ được rượu, người dân ở Đắk Pao đã tích cực lao động, xây dựng nhà cửa khang trang hơn

Ông Đinh Văn Lia - Chủ tịch UBND xã Sơn Màu - cho biết ngày trước ở Đắk Pao là nơi có "thần men" nhiều nhất xã Sơn Màu. Không chỉ đàn ông mà phụ nữ cũng thường xuyên uống rượu, không chịu làm ăn, cứ mãi trông chờ, ỷ lại nên cảnh túng quẫn, nghèo khó đeo bám người dân nơi rẻo cao này.

Tuy nhiên, từ khi triển khai mô hình "nói không với rượu, bia", hầu hết người dân ở Đắk Pao đã đoạn tuyệt với rượu. "Nhờ người dân bỏ rượu, chí thú làm ăn nên số hộ nghèo giảm đáng kể. Trong thôn có 58 hộ, lúc chưa bỏ rượu có 25 hộ nghèo, giờ chỉ còn 5 hộ. Người dân bỏ rượu, siêng năng lao động, quan tâm đến con cái nên bọn trẻ có nhiều em đi học đại học, cao đẳng… Từ hiệu quả của mô hình này ở Đắk Pao, chúng tôi sẽ nhân rộng ra 3 thôn còn lại ở xã Sơn Màu" - ông Lia cho biết.

Mô hình hay, cần nhân rộng

Ông Đinh Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, nhận xét mô hình "Nói không với rượu, bia" ở làng Đắk Pao là mô hình hay, thiết thực.

"Thói quen uống rượu của người Ca Dong ở Sơn Tây đã có hàng trăm năm qua, ăn sâu vào đời sống sinh hoạt của họ nên tất nhiên để xóa bỏ hết thói quen là không phải dễ. Nhưng với mô hình "Nói không với rượu, bia" thì những cuộc uống rượu "thừa sống thiếu chết" đã không còn. Bỏ được tập tục sáng say chiều xỉn thì người dân cũng bắt đầu làm kinh tế, chăm lo cho con cái hơn. Do đó, cần nhân rộng mô hình này ở nhiều địa phương, các bản làng khác ở Sơn Tây" - ông Giang nói.

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…