Rừng khộp phân bố chủ yếu ở Tây Nguyên với diện tích 900.000 ha (chiếm gần 11% diện tích rừng cả nước, đứng thứ hai sau diện tích rừng lá rộng thường xanh và nửa rụng lá). Nhưng để hiểu về rừng khộp thì còn quá ít, ít cả về giá trị kinh tế và cả về nghiên cứu khoa học, nên đã có nhiều tác động vào rừng, đã có hàng trăm ha bị “cạo trắng” để chuyển sang trồng cây công nghiệp. Đây là điều đáng quan tâm và suy nghĩ...
Rừng khộp. |
Rừng lá rộng rụng lá còn gọi là rừng khộp (trên thế giới gọi là rừng khô cây họ dầu), thường phân bố ở độ cao 300 mét đến 500 mét. Ở Gia Lai có 280.000 ha, chiếm 41,8% tổng diện tích rừng khộp ở Tây Nguyên. Rừng khộp có những đặc trưng và quy luật đặc thù của hệ sinh thái rừng nhiệt đới, cấu trúc tầng cũng đơn giản, cấp tuổi không đồng đều, năng suất sinh trưởng thấp. Năng lực tái sinh kém hơn rừng thường xanh và nửa rụng lá; lượng tái sinh không quá 10.000 cây/ha. Rừng đã qua khai thác tái sinh càng kém khoảng 1.500 cây đến 3.000 cây/ha. Điều kiện sinh thái khá cực đoan, chỉ chấp nhận cho những loại cây nào chịu được nạn lửa rừng hàng năm. Đặc điểm này dẫn tới việc tái sinh có nguồn gốc từ chồi rất mạnh đạt từ 80% đến 90%.
Vị thế của rừng khộp quan trọng không chỉ là kho tài nguyên phong phú cung cấp gỗ, củi và hơn 150 loài cây cho lá, quả, làm thức ăn cho người và động vật, 64 loài cây thuốc mà còn có nhiều loài cây cho tinh dầu, nhựa dùng trong công nghiệp sơn, đánh bóng gỗ, kiến trúc hội họa...
Thảm rừng khộp là một hệ sinh thái bền vững, tác động vào rừng bằng biện pháp “cạo trắng” để trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê, tiêu, điều...) chúng ta đã phá vỡ kết cấu sinh thái định hình của rừng để thừa nhận hiện tượng độc canh cây công nghiệp sẽ làm gia tăng hiện tượng biến đổi khí hậu, gây suy giảm đa dạng sinh học. Đã có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rừng nguyên sinh lâu đời có thể chứa cacbon trong hàng thế kỷ, trong khi các vườn cây công nghiệp độc canh hay những khu rừng trẻ lại làm tăng khí thải cacbon do tác động của con người vào đất đai. Việc chuyển đổi một phần rừng nguyên sinh sang độc canh cây công nghiệp sẽ làm mất đi 25% số loài; các loài chim, lưỡng cư, bò sát cũng giảm đi từ 40% đến 60%; trong lúc đó các vườn cây công nghiệp chỉ tồn tại một vài loài. Điều đáng quan tâm là nguy cơ làm thoái hóa đất, mất khả năng hoàn bù dinh dưỡng cho đất, dần dần dẫn đến hiện tượng sa mạc hóa; trong lúc đó các khu rừng nguyên sinh có khả năng tự tạo ra chất dinh dưỡng, làm màu mỡ đất đai, có khả năng tích tụ điều hòa nguồn nước, chống bốc hơi, chống ô nhiễm nguồn nước và không khí, đây là chưa kể đến những hệ lụy nguy hiểm tiềm ẩn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và xã hội.
Việc chuyển đổi rừng khộp sang cây công nghiệp cần có những cân nhắc, tính toán cụ thể, cần có các biện pháp khoa học tác động sau: Nên trồng cây công nghiệp hỗn giao theo đám, theo băng (diện tích đủ lớn) với rừng tự nhiên để chống lại sự gia tăng khí hậu và gây suy giảm đa dạng sinh học, giữ được lượng cacbon, tạo ra khả năng, ổn định chu trình nước, chống gây suy giảm nguồn nước và điều hòa không khí. Nên trồng cây công nghiệp xen kẽ với rừng tự nhiên để các loại cây được trao đổi, thu nhận, thụ hưởng được những chất dinh dưỡng và các nguyên tố vi lượng khác có trong đất và không khí. Điều kiện này ở rừng tự nhiên có “thế mạnh” hơn ở các vườn cây công nghiệp độc canh.
Có thể trồng cây công nghiệp dưới tán rừng (như một số nước đã làm) không chỉ làm tăng thêm đa dạng sinh học mà còn giúp cho các loài tránh được nguy cơ tuyệt chủng, có lợi đối với người dân do họ không cần hoặc sử dụng một số lượng rất ít thuốc trừ sâu, phân bón hóa học; ngoài ra họ còn thu hái các loại lá, quả, hoa, tinh bột, gỗ, củi, cây thuốc. Với riêng cây công nghiệp (cà phê) không chỉ là nguồn kinh tế mà còn làm giảm những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên các hệ sinh thái, trong khi vẫn bảo vệ được đa dạng sinh học.
Chúng ta nên có kế hoạch phát triển rừng khộp thành những khu rừng nhiều mục đích, nhiều nguồn lợi như: Có kế hoạch khai thác, bảo vệ, khoanh nuôi tài nguyên rừng hợp lý; nhân nuôi các nguồn lâm đặc sản quý hiếm (dược liệu, nuôi ong; phong lan...) dưới tán rừng để làm cho rừng khộp ngày càng phát triển bền vững.
Việt Hào