Emagazine

E-magazine Chung tay tạo sân chơi dịp hè cho học sinh


Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), sau khi kết thúc năm học 2022-2023, các đơn vị trường học trong tỉnh đã tiến hành bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương. Theo đó, học sinh từ bậc tiểu học đến THPT nhận phiếu sinh hoạt hè từ nhà trường về nộp tại nơi cư trú và tham gia sinh hoạt theo chương trình hoạt động của tổ chức Đoàn, Đội cấp xã tổ chức, bắt đầu từ ngày 1-6 đến 31-8.



Ông Võ Văn Hải-Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Giáo dục chính trị và Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT) cho hay: Sở phối hợp với Tỉnh Đoàn khai mạc hoạt động hè và hưởng ứng Tháng Hành động vì trẻ em năm 2023 vào ngày 31-5. Riêng với đối tượng đoàn viên, thanh niên, Sở GD-ĐT và Tỉnh Đoàn đã ký kết chương trình phối hợp, chỉ đạo tổ chức Chiến dịch thanh niên tình nguyện “Hoa phượng đỏ” nhằm tập hợp và phát huy tinh thần xung kích của đoàn viên, thanh niên khối trường học trong các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; giúp đoàn viên, thanh niên hiểu được hoàn cảnh, điều kiện sống của người dân vùng khó khăn, biết chia sẻ và thắt chặt tình đoàn kết giữa học sinh các dân tộc trên địa bàn; tạo môi trường để đoàn viên, thanh niên là học sinh, học viên rèn luyện, cống hiến, trưởng thành.



“Chiến dịch “Hoa phượng đỏ” diễn ra từ ngày 10-6 đến 31-8. Đối tượng tham gia là cán bộ, giáo viên trẻ các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên; học sinh, học viên các trường THPT, liên cấp THCS-THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và cấp huyện. Một số nội dung của chiến dịch như: hỗ trợ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội; sửa chữa, xây dựng các điểm vui chơi cho thiếu nhi tại các thôn, làng, trường học; tuyên truyền pháp luật và trang bị kỹ năng sống cho học sinh; tham gia hỗ trợ sinh hoạt hè cho thiếu nhi, dạy bơi miễn phí”-ông Hải thông tin thêm.

Tranh thủ sau giờ cơm tối, chị Hoàng Thị Thu Phương (tổ 8, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đưa 2 con trai (chuẩn bị lên lớp 3 và lớp 5) đến Hội trường tổ dân phố để sinh hoạt hè. Thấy các con còn rụt rè, chị lại gần vỗ vai động viên con tự tin tham gia hoạt động cùng anh chị và các bạn.



Theo chị Siu Hà-Bí thư Chi Đoàn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo hoạt động hè tổ 8 (phường Hoa Lư), năm nay, địa phương nhận bàn giao hơn 100 học sinh tiểu học, THCS, THPT tham gia sinh hoạt hè tại khu dân cư. Định kỳ tối chủ nhật hàng tuần, các em sinh hoạt tập trung; đồng thời sinh hoạt theo nhóm mỗi khi cần. “Ngoài tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, chúng tôi còn lên kế hoạch và cho các em tập luyện văn nghệ để chuẩn bị tham gia Liên hoan tiếng hát tuổi hồng cấp phường vào tháng 7 tới. Ban đầu, nhiều em còn e dè, nhút nhát nhưng dần dần đã hòa đồng và tích cực hơn trong mọi hoạt động”-chị Hà cho biết.



Tham gia tập luyện tiết mục múa cùng anh chị trong tổ dân phố, em Phan Gia Linh (11 tuổi) phấn khởi nói: “Những năm trước dịch bệnh phức tạp nên em chỉ ở nhà, thỉnh thoảng có về thăm ông bà ngoại ở Bình Định cùng gia đình. Mùa hè trôi qua với em khá buồn chán. Thế nhưng năm nay, em rất thích thú khi được tham gia sinh hoạt hè tại địa phương. Thay vì ở nhà xem ti vi, iPad…, em được gặp gỡ nhiều người, cùng nhau múa hát, chơi trò chơi và hiểu biết thêm nhiều kiến thức về pháp luật cũng như cách phòng tránh tai nạn thương tích”.



Theo anh Thái Giang Nam-Bí thư Thành Đoàn Pleiku, từ cuối tháng 5-2023, Ban Chỉ đạo hoạt động hè thành phố đã có kế hoạch tổ chức hoạt động cho thanh thiếu nhi, học sinh trên địa bàn với chủ đề cụ thể theo từng tháng. Trong đó, tập trung tạo sân chơi, đẩy mạnh mô hình sinh hoạt câu lạc bộ, đội nhóm để các em được giao lưu, học tập, vui chơi, thể hiện đam mê, rèn luyện và phát triển năng khiếu; tổ chức các chương trình trải nghiệm phù hợp với tâm sinh lý thanh thiếu nhi, hoạt động dã ngoại, về nguồn, văn nghệ, thể thao… Một số hoạt động cụ thể như: Chương trình giáo dục kỹ năng sống cho thiếu nhi “Học làm chiến sĩ Công an”, giải bơi “Đường đua xanh”, giải Cờ vua thiếu nhi, Liên hoan các đội tuyên truyền pháp luật, Trại hè thiếu nhi, Liên hoan cồng chiêng và hát dân ca thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số năm 2023… Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả, vừa qua, 100% bí thư chi đoàn, phó bí thư chi đoàn khối địa bàn dân cư đã được tập huấn về kỹ năng tổ chức hoạt động hè.

Ngoài sinh hoạt hè tại khu dân cư, nhiều học sinh còn đăng ký theo học các lớp năng khiếu được mở tại địa phương.



Dựa trên nhu cầu của học sinh, dịp hè này, Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku đã phát triển thêm một số bộ môn năng khiếu mới như: nhảy hiện đại, cờ vua, đàn guitar, đàn piano, vẽ nâng cao; đồng thời mở rộng quy mô chiêu sinh lên 750 học viên/19 bộ môn (mỗi môn nhiều nhất là 3 lớp, ít nhất là 1 lớp). Đặc biệt, năm nay, đơn vị tiếp tục đồng hành, hỗ trợ MC Xuân Quỳnh trong dự án Senobe Class đào tạo kỹ năng nói trước đám đông. “Đến thời điểm hiện tại, số lượng học viên (cả cũ và mới) đã là 800 em, vượt chỉ tiêu đề ra. Chúng tôi cũng có chính sách giảm đến 50% học phí dành cho đối tượng học sinh là con hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, học sinh mồ côi… nhằm giúp các em có cơ hội tiếp cận những môn năng khiếu yêu thích trong hè”-Phó Chủ tịch Hội đồng Đội TP. Pleiku Nguyễn Đình Bảo cho biết.



Tại các địa phương vùng khó, hoạt động hè cũng được chú trọng triển khai. Ông Đinh Văn Súy-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-cho biết: Vì trên địa bàn huyện thiếu sân chơi, phần đông học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên ngay từ khi chuẩn bị kết thúc năm học 2022-2023, UBND huyện đã chỉ đạo Huyện Đoàn và các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch để tổ chức các sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em trong dịp hè; cải tạo sân bóng đá, bóng chuyền, khu vui chơi và duy trì hoạt động nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng tại các làng để học sinh có nơi vui chơi, sinh hoạt. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ tại khu dân cư, các công trình đang thi công, khu vực ao, hồ, sông, suối.


Có thể bạn quan tâm

Những “thủ lĩnh” thanh niên đa năng

E-magazineNhững “thủ lĩnh” thanh niên đa năng

(GLO)-Không chỉ làm tốt vai trò dẫn dắt công tác Đoàn, nhiều “thủ lĩnh” thanh niên còn tiên phong trong khởi nghiệp, lập nghiệp tại quê hương. Họ trở thành tấm gương sáng về sự gương mẫu, tinh thần dám nghĩ, dám làm để đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) học tập.
Bảo tồn trống da

E-magazineBảo tồn trống da

(GLO)- Đối với người Tây Nguyên, tiếng trống đã trở thành thanh âm cội nguồn, không tách rời khỏi đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nơi núi rừng Trường Sơn. Vì vậy, việc bảo tồn các loại trống da trong cộng đồng Bahnar, Jrai được thực hiện với những cách thức rất đặc biệt.

Mùa ươi bay

E-magazineMùa ươi bay

(GLO)- Ươi là loại cây thân gỗ, mọc nhiều trong các cánh rừng ở Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông, Kbang… Từ giữa tháng 2 năm nay, cây ươi rừng ở Gia Lai đồng loạt ra quả. Giá thu mua hạt ươi 100-700 ngàn đồng/kg tùy loại. Sẽ không có gì đáng nói nếu cây ươi không bị khai thác theo kiểu tận diệt. 
Quà lưu niệm mang bản sắc văn hóa: “Sứ giả” du lịch

E-magazineQuà lưu niệm mang bản sắc văn hóa: “Sứ giả” du lịch

(GLO)-Quà lưu niệm không chỉ đơn thuần mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương đến với mọi miền. Phát huy lợi thế đó, những năm gần đây, các ngành, các cấp ở TP. Pleiku đã từng bước đa dạng sản phẩm quà tặng du lịch gắn liền với bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc.
Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ cuối: Những gạch nối hòa bình

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ cuối: Những gạch nối hòa bình

(GLO)- Những người lính từ mặt trận trở về, những người chỉ lặng lẽ phía sau phục vụ chiến đấu và cả những người sinh ra dưới bầu trời không tiếng súng… đều tiếp tục tự nguyện trở thành gạch nối hòa bình giữa 2 quốc gia, 2 dân tộc, hóa giải sâu sắc những đau thương để lại từ một cuộc chiến.

Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

E-magazineXây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

(GLO)- Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, một số doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân đang bước đầu áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại.

Canh cánh nỗi lo mía cháy

E-magazineCanh cánh nỗi lo mía cháy

(GLO)- Thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với sự bất cẩn của người dân trong đốt dọn ruộng mía tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Bà con nông dân đang canh cánh nỗi lo mía cháy.