Chú trọng phòng ngừa dịch bệnh trong trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngoài bệnh sốt xuất huyết, đầu năm học mới là thời điểm các bệnh như: tay chân miệng, thủy đậu và một số bệnh truyền nhiễm khác rất dễ bùng phát và lây lan tại trường học. Do vậy, các trường học trên địa bàn tỉnh đang chủ động triển khai công tác phòng ngừa dịch bệnh.

 

Năm học này, Trường Mầm non Hoa Hồng (TP. Pleiku) có 850 học sinh. Nhằm bảo vệ sức khỏe cho học sinh, công tác phòng-chống dịch bệnh được đơn vị chú trọng và triển khai xuyên suốt trong cả năm học. Cô Trần Thị Thủy-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Đầu năm học mới, nhà trường đã tổng vệ sinh, phát quang bụi rậm xung quanh trường; phối hợp với ngành Y tế địa phương phun hóa chất diệt muỗi và huy động cán bộ, giáo viên tăng cường vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy phòng-chống bệnh sốt xuất huyết. Dụng cụ dạy học, đồ chơi, các phòng học được tẩy rửa sạch sẽ; công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) được chú trọng và thực hiện theo quy định.

 Các cháu học sinh Trường Mầm non thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah) nghe cô giáo hướng dẫn các biện pháp vệ sinh cá nhân phòng bệnh. Ảnh: Như Ý
Các cháu học sinh Trường Mầm non thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah) nghe cô giáo hướng dẫn các biện pháp vệ sinh cá nhân phòng bệnh. Ảnh: Như Ý



“Ngoài công tác vệ sinh trường lớp, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền đến phụ huynh học sinh; tăng cường phối hợp giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý sớm khi các cháu có bệnh, tránh để lây lan, bùng phát trong trường học. Trong giờ học, giáo viên lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn học sinh kỹ năng sống, cách vệ sinh cá nhân. Trường có phòng y tế, nhân viên y tế nên việc chăm sóc sức khỏe cho các em và phòng-chống dịch bệnh trường học được triển khai tốt, không để xảy ra dịch bệnh trong những năm học qua”-cô Thủy thông tin thêm.

Đầu năm học này, Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah) có 2 học sinh phải nằm viện điều trị do sốt xuất huyết. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Trọng Ngoạn cho hay: “Chúng tôi triển khai giám sát chặt chẽ, đến nay không phát hiện thêm học sinh nào bị sốt xuất huyết. Trước đó, nhà trường đã triển khai vệ sinh trường lớp, tổ chức diệt lăng quăng/bọ gậy và phối hợp với ngành Y tế phun hóa chất diệt muỗi. Năm học 2019-2020, toàn trường có 756 học sinh, trong đó có 5 lớp bán trú với 200 học sinh nên công tác đảm bảo ATTP cũng luôn được chú trọng. Bếp ăn nhà trường đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP, nhân viên bếp ăn có xác nhận kiến thức ATTP, khám sức khỏe định kỳ và thực hiện đúng các yêu cầu, quy định đề ra trong chế biến thực phẩm”.

Cùng địa bàn, nhiều năm nay, Trường Mầm non thị trấn Phú Hòa không xảy ra dịch bệnh. Cô Phùng Thị Chưng-Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ: “Chúng tôi xác định công tác phòng-chống dịch bệnh trường học là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhất là với bậc học mầm non. Các cháu còn nhỏ, sức đề kháng yếu nên rất dễ mắc bệnh và các bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, nhà trường thực hiện nghiêm chỉ đạo của ngành và chính quyền địa phương trong công tác phòng-chống dịch bệnh”.

Trong khi đó, Trường Mẫu giáo Krong (huyện Kbang) cũng thường xuyên phối hợp với Trạm Y tế xã triển khai khám sức khỏe định kỳ cho học sinh mỗi năm 3 đợt; tổ chức tốt các đợt uống vitamin A và xổ giun theo quy định. Cô Nguyễn Thị Mùi-Hiệu trưởng nhà trường-thông tin: Trường có 1 trường chính và 11 điểm trường, số lượng học sinh năm học này là 310 cháu. Tại trường chính có 81 học sinh, trong đó có 40 học sinh bán trú. “Các cháu mang theo cơm chứ trường không tổ chức bếp ăn tập thể. Vì vậy, chúng tôi chủ động tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh chế biến thức ăn đảm bảo ATTP. Trước khi học sinh ăn thì kiểm tra thức ăn, hướng dẫn các cháu rửa tay sạch sẽ… Trong các năm học qua, trường chỉ ghi nhận rải rác vài ca thủy đậu và tay chân miệng, không để phát sinh ổ dịch bệnh nào tại trường học”-cô Mùi cho hay.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 8.000 ca mắc sốt xuất huyết, có 2 ca tử vong, số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Các bệnh như tay chân miệng, thủy đậu giảm so với cùng kỳ năm trước; trong đó, chỉ ghi nhận 91 ca tay chân miệng (cùng kỳ năm trước 145 ca); 592 ca thủy đậu (cùng kỳ năm trước 853 ca). Dù vậy, ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh vẫn khuyến cáo: “Từ tháng 9 đến tháng 11 là cao điểm của bệnh tay chân miệng và hiện cũng là cao điểm của bệnh sốt xuất huyết. Để phòng-chống dịch bệnh hiệu quả, các đơn vị trường học nên phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để giám sát, kịp thời phát hiện để có hướng xử lý triệt để, tránh lây lan và bùng phát dịch bệnh trong trường học”.

 NHƯ Ý-PHAN LÀI

 

Có thể bạn quan tâm