Chủ động với cơ chế đặc thù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nguồn năng lực tích cực và niềm tin từ cộng đồng có thể được kể đến như những trái ngọt đầu tiên sau gần 1 năm nhập cuộc mạnh mẽ triển khai các cơ chế đặc thù của TP.HCM.

Nhìn lại gần 50 năm thống nhất đất nước và gần 40 năm công cuộc đổi mới, Trung ương đã đặt niềm tin và trao cho TP.HCM những cơ chế vượt trội trong khuôn khổ chung của pháp luật từng thời điểm. Các cơ chế đó vận hành trong một đô thị năng động đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp TP.HCM giữ vững vai trò của một đầu tàu kinh tế và đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước.

Năm 2023, tổng thu ngân sách của TP.HCM hơn 449.000 tỉ đồng, chiếm 20% tổng thu ngân sách cả nước; còn riêng 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 267.000 tỉ đồng, đóng góp gần 26% cả nước. TP.HCM cũng là nơi khởi nguồn của những mô hình mới như thị trường chứng khoán, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cải cách hành chính..., giúp Trung ương có thêm thực tiễn trước khi mở rộng ra các địa phương khác, hoặc đúc kết thành quy định chung áp dụng cho cả nước.

Cũng cần thẳng thắn rằng, bản thân TP.HCM thực hiện các cơ chế không phải lúc nào cũng trơn tru, điển hình như việc triển khai Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (có hiệu lực từ năm 2018). Lần đầu tiên thực hiện khối lượng lớn cơ chế mới cùng với 2 năm dịch Covid-19 bùng phát khiến TP không thể đạt kết quả như kỳ vọng.

Rút kinh nghiệm đó, trong đợt triển khai cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội lần này, TP.HCM đón nhận với tâm thế hoàn toàn mới và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Ngay từ khi Quốc hội đang thảo luận, TP.HCM đã chuẩn bị, phối hợp các bộ, ngành xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ để triển khai nhanh nhất các cơ chế sau khi được Quốc hội thông qua.

Chính tâm thế chủ động, tinh thần quyết liệt cùng kế hoạch cụ thể, rõ ràng đó đã giúp TP.HCM làm được nhiều việc quan trọng, kết quả có thể đo đếm được. Tính đến tháng 5.2024, HĐND TP.HCM tổ chức 6 kỳ họp để thông qua 31 nghị quyết cụ thể hóa 18/27 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền. Nhiều chính sách tác động lớn đến đời sống người dân như hỗ trợ nguồn vốn cho chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất, cho vay giảm nghèo và giải quyết việc làm, chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức... Như nhận định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, 1 năm qua TP đã triển khai khối lượng công việc bằng cả giai đoạn thực hiện Nghị quyết 54/2017 và có tính chất nền tảng.

Nền tảng đó hướng đến mục tiêu phát triển KT-XH nhanh và bền vững, phục vụ người dân, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tất nhiên, vẫn còn nhiều cơ chế, chính sách chưa thể tay cầm, mắt thấy được ngay, nhất là các vấn đề mới và phức tạp như trung tâm tài chính quốc tế, trao đổi tín chỉ carbon, nhà đầu tư chiến lược, thử nghiệm mô hình mới trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Còn một số dự án theo phương thức đối tác công - tư cần chuẩn bị hồ sơ, xúc tiến đầu tư, tổ chức đấu thầu.

Với việc phân quyền ngày càng mạnh mẽ và rõ ràng, TP.HCM có thể chủ động hoàn thiện thể chế của chính quyền đô thị, giải quyết nhanh những công việc của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Hơn hết, sự chuẩn bị trong 1 năm qua không chỉ giúp TP.HCM sớm đón nhận thành quả, mà còn là cơ hội nhận diện những điểm nghẽn, điều bất cập để điều chỉnh nhanh. Bởi lẽ, các cơ chế đặc thù lần này cũng chỉ có thời hạn 5 năm giống như Nghị quyết 54/2017.

Có thể bạn quan tâm

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

Từ một thôn nghèo, người dân Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (H.Đồng Văn, Hà Giang) đã biết áp dụng mô hình kinh doanh homestay và đặc biệt là sử dụng các nền tảng số như Agoda, Booking và Facebook để quảng bá, thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế.

Tính mạng con người là trên hết

Tính mạng con người là trên hết

Can dự vào sức khỏe của ai đó là điều mà những người có lương tri tối thiểu đều hết sức cân nhắc và thận trọng về trách nhiệm đạo đức cũng như trách nhiệm pháp lý. Vậy cớ sao lại cứ để tình trạng cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không phép và vận hành sai quy định?

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.