Nguyên nhân là do những vấn đề trao đổi, chất vấn, kiến nghị của đại diện các cơ quan báo chí đều được người phát ngôn các sở, ngành, địa phương trả lời cụ thể bằng văn bản hoặc trả lời trực tiếp tại diễn đàn này. Bên cạnh đó, thành phần tham dự cuộc họp báo là giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành, địa phương, đơn vị hoặc cấp phó được giao nhiệm vụ phát ngôn chính thức. Không còn tình trạng “xin ghi nhận” để “về báo cáo lại” như một số kỳ họp báo trước đây.
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị tập huấn công tác cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý thông tin vào sáng 23-7. Ảnh: Văn Ngọc |
Đặc biệt, khác với các kỳ trước, chủ trì buổi họp báo lần này là Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch. Ngoài phần trả lời của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh đã trực tiếp đăng đàn trao đổi, trả lời một số vấn đề nóng được báo chí quan tâm trong thời gian qua như: Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê hoạt động không ổn định gây ảnh hưởng đến đời sống người dân; vụ việc liên quan đến 359 ha cao su trên lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch (huyện Chư Prông); vấn đề khắc phục hậu quả việc phân lô, bán nền trái phép trên địa bàn TP. Pleiku…
Có thể nói, việc trực tiếp chủ trì và trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề tại một cuộc họp báo đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của người phụ trách, điều hành hoạt động của UBND tỉnh.
Cũng với quan điểm chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để định hướng dư luận, sáng 23-7, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị tập huấn công tác cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý thông tin. Hội nghị được kết nối từ điểm cầu cấp tỉnh đến 17 huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với gần 1.000 đại biểu tham dự.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt một số nội dung rất quan trọng như: việc cung cấp thông tin cho báo chí; kỹ năng tiếp xúc, trả lời phỏng vấn của báo chí; xử lý khủng hoảng truyền thông…
Đây là những vấn đề cốt lõi được đề cập tại Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước và một số văn bản liên quan. Tuy nhiên, thời gian qua, một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chú trọng triển khai thực hiện hoặc cố tình né tránh việc cung cấp thông tin cho báo chí.
Vì vậy, trong phần phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: “Tuy nhiên, ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn lúng túng trong việc cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý thông tin. Qua đó dẫn tới việc cung cấp, phản hồi, định hướng thông tin còn chậm. Mong rằng thông qua hội nghị tập huấn lần này, các đại biểu sẽ vận dụng vào thực tế theo từng vị trí công việc tương ứng để cung cấp thông tin cho báo chí một cách kịp thời, chính xác, đúng quy định của pháp luật”.
Có thể khẳng định: 2 sự kiện nói trên đã thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo UBND tỉnh đối với việc thông tin cho báo chí cũng như kỹ năng xử lý thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Thực tế cho thấy, nếu các cơ quan, đơn vị chủ động cung cấp thông tin cho báo chí một cách kịp thời, chính xác thì sẽ góp phần định hướng dư luận theo chiều hướng tích cực. Ngược lại, nếu chậm cung cấp hoặc cố tình che giấu thì dẫn đến thông tin sai lệch, thậm chí khủng hoảng về truyền thông.
Để thực hiện tốt việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, thiết nghĩ, các cơ quan, đơn vị cần quán triệt thực hiện các nội dung tại Công văn số 306/STTTT-TTBCXB ngày 20-4-2017 của Sở Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ.