Tại Bình Thuận, theo báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh này, đầu năm nay địa phương vẫn còn tàu cá bị phát hiện vi phạm các quy định của EU trong đánh bắt thủy sản trên biển. Để chấm dứt vấn nạn này, bên cạnh việc xử lý chủ tàu, vừa qua Tỉnh ủy Bình Thuận đã yêu cầu xử lý trách nhiệm, kiểm điểm vai trò người đứng đầu các địa phương, đơn vị. UBND tỉnh Bình Thuận cũng đang rốt ráo chỉ đạo Sở NN-PTNT hoàn thiện các quy định gắn chặt với trách nhiệm của từng tổ chức, đơn vị trong kiểm soát tàu cá ra khơi.
Sở NN-PTNT Bình Thuận từng đưa ra giải thích rằng, hiện nay việc lắp đặt hệ thống giám sát hành trình (VMS) cho tàu cá ở một số địa phương chưa đầy đủ; bên cạnh đó tàu cá chưa được cấp giấy phép còn khá nhiều. Đây là những nguyên nhân khiến cơ quan quản lý chưa kiểm soát được toàn diện tàu cá trên biển; số tàu cá vi phạm các quy định trong đánh bắt, khai thác IUU chưa được xử lý nghiêm, thiếu sức răn đe.
Để góp phần gỡ "thẻ vàng", các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, kiểm ngư… cần phải xử lý kiên quyết, dứt khoát đối với các tàu cá vi phạm các quy định như đăng ký để cấp phép khai thác trên biển; đồng thời cần giám sát sản lượng, truy nguồn gốc thủy sản tại các cảng cá, bến cá. Đặc biệt, phải cương quyết xử lý tình trạng tàu cá ra khơi mà thiếu thiết bị giám sát hành trình, hoặc có thiết bị giám sát mà không khởi động, hoặc thu gom thiết bị của nhiều tàu cho một tàu cá bảo quản với một vị trí hợp pháp trên vùng biển đánh bắt...
Các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát từ trên bờ tới ngư trường. Thậm chí phải có sự phối hợp giữa các địa phương để quản lý tàu cá trong trường hợp tàu cá mang số hiệu tỉnh này, nhưng đã bán cho chủ tàu ở tỉnh khác. Một khâu không kém phần quan trọng là phải làm tốt công tác vận động, tuyên truyền cho bà con ngư dân, việc này không bao giờ thừa và cần phải thường xuyên.