Chủ đầu tư "ôm" tiền bảo trì chung cư: Mạnh tay xử lý để tăng tính răn đe

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tranh chấp quỹ bảo trì chung cư là câu chuyện vẫn luôn mang tính thời sự, thậm chí phát sinh cả những mâu thuẫn không đáng có. Mới đây nhất, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư phải chuyển trả cho ban quản trị 22 tòa nhà chung cư 250 tỉ đồng tiền quỹ bảo trì. Cũng về vấn đề này, mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015 với hy vọng tăng thêm sức mạnh cho “cây gậy” pháp lý để xử lý những tồn tại thời gian qua.

Một chung cư tại Hà Nội
Một chung cư tại Hà Nội "ôm" tiền quỹ bảo trì dẫn đến tranh chấp với cư dân. Ảnh: Cao Nguyên
Phải trả lại cho cư dân 250 tỉ đồng quỹ bảo trì
Thanh tra Bộ Xây dựng vừa ban hành 15 kết luận thanh tra liên quan tới công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư tại 22 dự án nhà ở chung cư trên địa bàn Hà Nội. Qua đó, Thanh tra bộ này yêu cầu chủ đầu tư phải chuyển trả cho ban quản trị 22 tòa nhà chung cư 250 tỉ đồng tiền quỹ bảo trì để quản lý và sử dụng theo đúng quy định pháp luật về nhà ở.
Trong quá trình thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng đã phát hiện nhiều chủ dự án, ban quản trị tòa nhà vi phạm, thiếu sót, tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư.
Đến thời điểm thanh tra, nhiều chủ dự án vẫn quản lý kinh phí bảo trì các tòa nhà, gửi không kỳ hạn tại ngân hàng để thu lãi suất. Có chủ đầu tư chậm bàn giao quỹ bảo trì chung cư, bàn giao không đầy đủ kinh phí bảo trì chung cư. Tại nhiều khu nhà ở chung cư, chủ đầu tư và ban quản trị không thống nhất được việc phân chia diện tích chung - riêng, diện tích chủ đầu tư được giữ lại, dẫn đến không quyết toán được, chậm bàn giao kinh phí bảo trì từ 1 - 3 năm.
Cụ thể tại các chung cư: Riverside Garden (số 349 Vũ Tông Phan, Khương Đình, Thanh Xuân) chủ đầu tư là Liên danh Công ty CP Sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Prosimex và Công ty CP Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam (nay là Công ty CP Tập đoàn Videc); Chung cư hỗn hợp Hateco Hoàng Mai chủ đầu tư Công ty CP Hateco Hà Nội...
Theo kết luận thanh tra, chủ đầu tư CapitaLand - Hoàng Thành (tại Mộ Lao, quận Hà Đông) và ban quản trị tòa nhà CT09 đã vi phạm nhiều quy định liên quan tới phí bảo trì nhà chung cư, khiến các cư dân bức xúc.
Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ ra nhiều vi phạm của chủ đầu tư dự án toà nhà F,G,H,K,L thuộc tổ hợp chung cư cao tầng khu hỗn hợp nhà ở HH02 (KĐT Dương Nội, quận Hà Đông) như: chậm mở tài khoản kinh phí bảo trì, chưa thành lập Ban quản trị theo quy định, ngăn chia tầng kỹ thuật thành phòng làm việc…
Các nhà chung cư được thanh tra cũng chưa quyết toán kinh phí bảo trì các tòa nhà chung cư. Nguyên nhân do chủ dự án chưa nhận thức pháp luật, chủ dự án và ban quản trị tòa nhà chưa tìm được tiếng nói chung để đi đến thống nhất, phân chia diện tích chung - riêng, diện tích chủ đầu tư được giữ lại.
Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu chủ dự án 22 tòa nhà chung cư chuyển trả cho ban quản trị tòa nhà chung cư 250 tỉ đồng tiền quỹ bảo trì.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7 chủ đầu tư với số tiền 820 triệu đồng, buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ ngay phần lấn chiếm không gian sử dụng chung các tòa nhà chung cư.
Thêm “gậy” pháp lý để xử
Thực tế, việc “om” tiền quỹ bảo trì của cư dân không phải là hiếm. Nhiều chủ đầu tư thấy số tiền quá lớn đã tìm mọi cách để “thâu tóm” trong một thời gian nhất định nhằm trục lợi.
Cũng chính vì vậy, vấn đề “ôm” tiền quỹ bảo trì là những nguyên nhân chính dẫn đến việc tranh chấp, khiếu nại kéo dài tại hàng loạt dự án chung cư cao tầng tại Hà Nội thời gian qua.
Vào ngày 26.3 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, trong đó sửa đổi bổ sung điều 36 bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư. Ngoài ra, sửa đổi bổ sung Điều 37 thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Việc ban hành Nghị định sửa đổi này đã tăng thêm sức mạnh cho "cây gậy" pháp lý để xử lý vấn đề tồn tại nhiều năm nay. Bởi điểm đáng chú ý là sẽ tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản nếu chủ đầu tư không có kinh phí bàn giao, UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan liên quan kiểm tra, xác định cụ thể diện tích nhà, đất tại dự án nhà chung cư hoặc dự án khác để thực hiện việc kê biên, tổ chức bán đấu giá, thu hồi kinh phí bảo trì.
Nghị định nêu rõ: Trường hợp chủ đầu tư không có diện tích nhà, đất hoặc diện tích nhà, đất để kê biên không đủ giá trị bán thu hồi kinh phí bảo trì, thì thực hiện xác định tài sản khác của chủ đầu tư để bán đấu giá thu hồi đủ kinh phí chuyển giao cho Ban quản trị nhà chung cư.
Liên quan đến nội dung này, chuyên gia bất động sản - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng, việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư là vấn đề nóng và cũng được nêu lên những bất cập trong nhiều năm nay. Cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Xây dựng có thể làm được nhưng đến tận giờ phút này, khi gần hết nhiệm kỳ lại phải đến tay Thủ tướng xử lý.
Vị này cho biết thêm, trên thực tế, không công trình nào vừa xây dựng xong đã cần bảo trì quá lớn nhưng việc thu phí bảo trì ngay từ ban đầu nên dễ bị chủ đầu tư lạm dụng để sử dụng vào mục đích khác. Khi chủ đầu tư bị lợi ích đồng tiền chi phối, rất khó khăn để họ tự nguyện trao trả.
Nói thêm về vấn đề này với PV Lao Động, luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, quy định đã ban hành rồi cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ, nếu chủ đầu tư nào cố tình xâm phạm thì khởi tố hình sự.
CAO NGUYÊN (LĐO)

https://laodong.vn/bat-dong-san/chu-dau-tu-om-tien-bao-tri-chung-cu-manh-tay-xu-ly-de-tang-tinh-ran-de-896371.ldo

Có thể bạn quan tâm

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

(GLO)- Mạng lưới giao thông kết nối đang được tỉnh Gia Lai quan tâm đầu tư, nhiều dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường đến vùng khó đang dần hoàn thiện mang đến cơ hội phát triển, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ghi trên đường 14

Ghi trên đường 14

(GLO)- Từ hạ tuần tháng 4, những cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi cái nắng nóng cực điểm của mùa khô Tây Nguyên. Những cánh rừng khộp thôi lá đỏ, thay vào đó là màu xanh biếc vĩnh cửu của đại ngàn.