Chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm - Bài cuối: Những giải pháp lành mạnh hóa hoạt động kiểm định xe cơ giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Qua quá trình phát hiện, đấu tranh, xử lý những tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, một số chi cục đăng kiểm và hàng trăm trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc; từ công tác nắm tình hình, nghiên cứu các quy định pháp luật trong lĩnh vực này, Bộ Công an đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ các giải pháp nhằm khắc phục những 'lỗ hổng', bất cập, sơ hở, thiếu sót đã và đang tạo điều kiện cho các hành vi sai phạm xảy ra trong thời gian dài.

Đây cũng chính là cái gốc của vấn đề, là tác dụng của công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng, Nhà nước ta đã đề ra.

Ngăn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực từ khi xây dựng chính sách

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022, ngày 30/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, "bịt kín" những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực". Tổng Bí thư phân tích, thể chế nói chung, thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng, cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực và cơ chế kiểm soát quyền lực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Các trung tâm đăng kiểm đã hoạt động bình thường trở lại.

Các trung tâm đăng kiểm đã hoạt động bình thường trở lại.

"Phải xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ"; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ.

Quán triệt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, qua điều tra, xử lý những sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm, lãnh đạo Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập, bảo đảm công khai, minh bạch, ngăn ngừa tiêu cực trong hoạt động kiểm định xe cơ giới.

Để đảm bảo trung tâm đăng kiểm hoạt động theo đúng mục tiêu cung cấp dịch vụ công về kiểm định an toàn phương tiện giao thông cơ giới, tránh hành vi tiêu cực do cạnh tranh không lành mạnh vì lợi nhuận giữa các trung tâm, cần rà soát, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để khắc phục, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về phát triển hệ thống trung tâm đăng kiểm bảo đảm phù hợp với thực tiễn số lượng gia tăng xe cơ giới của từng vùng, từng địa phương.

Bên cạnh đó, đối với các quy định về hoạt động kiểm định, cần nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với thực tế hiện nay, đảm bảo "bịt kín" những kẽ hở, bất cập về tiêu chuẩn, điều kiện cơ sở vật chất của trung tâm đăng kiểm theo hướng hiện đại hóa, giảm thiểu tối đa các công đoạn kiểm tra thủ công; đảm bảo quy trình kiểm định chặt chẽ hơn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kiểm định có độ bảo mật, an toàn cao hơn, được đồng bộ dữ liệu trực tuyến từ trung tâm đăng kiểm đến hệ thống dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đảm bảo công tác tạo lập, cập nhật, quản lý, duy trì, kết nối, chia sẻ, sử dụng với các đơn vị có liên quan được công khai, minh bạch.

Tách bạch giữa công tác quản lý và công tác kiểm tra theo hướng, Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ thực hiện công tác quản lý nhà nước về đăng kiểm; phân công trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát cụ thể để các Sở GTVT thể hiện được vai trò quản lý nhà nước thường xuyên hơn tại từng địa phương, đảm bảo công tác quản lý, giám sát được xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương.

Bộ Công an cũng kiến nghị Bộ GTVT xây dựng quy trình thanh tra, hậu kiểm thường xuyên theo định kỳ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, sai phạm và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý, không để hành vi sai phạm xảy ra trong thời gian dài.

Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến để người dân nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động kiểm định xe cơ giới, tự giác tuân thủ các quy định về kiểm định, vì mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính chủ phương tiện và người tham gia giao thông.

Cụ thể, Bộ Công an đã tham gia ý kiến với Bộ GTVT về sửa đổi Thông tư số 16 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, về một số nội dung liên quan đến công tác kiểm định, trong đó có nội dung tự động áp dụng giãn chu kỳ kiểm định đối với ôtô dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế tiêu cực và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng kiểm.

Bộ Công an cũng tham gia góp ý vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139, ngày 8/10/2018 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Trong đó, đề nghị chỉnh lý quy định về trình độ chuyên môn của lãnh đạo trung tâm đăng kiểm; chỉnh lý, bổ sung quy định các trung tâm đăng kiểm trên cả nước phải có cơ sở dữ liệu kiểm định, truyền số liệu, quản lý dữ liệu xe cơ giới kiểm định và cơ sở dữ liệu đăng kiểm viên trên cả nước; kết nối, chia sẻ dữ liệu xe cơ giới kiểm định với các cơ quan chức năng của Bộ Công an để thực hiện công tác quản lý nhà nước về ANTT; các trường hợp chưa thực hiện xử phạt vi phạm hành chính và các nghĩa vụ khác liên quan thì chưa thực hiện đăng kiểm.

Đặc biệt, Bộ Công an đề nghị sửa đổi Điều 26 Nghị định số 139 về số lượng xe cơ giới được cấp giấy chứng nhận kiểm định trong ngày (tính trong 8 giờ làm việc) phải phù hợp với số lượng đăng kiểm viên, dây chuyền kiểm định và hệ thống thiết bị của đơn vị đăng kiểm. Trên đây là những kiến nghị cụ thể của Bộ Công an góp phần xây dựng, hoàn thiện, đồng bộ thể chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải luôn luôn tổng kết, rút kinh nghiệm, tinh thần là "làm kịp thời, quyết liệt, nhịp nhàng hơn nữa; kiên quyết, kiên trì, không nể nang, không chịu bất cứ sức ép nào" như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo, ngày 16/8 vừa qua.

Đại biểu Quốc hội hiến kế để có "đăng kiểm sạch"

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Cà Mau đánh giá cao Bộ Công an vừa qua đã mở một "chiến dịch" để tấn công với vi phạm, sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm mà kết quả đạt được thấy rõ là kỷ cương lập pháp trong việc kiểm định các phương tiện giao thông đã được thiết lập trở lại. Bên cạnh đó, ông đánh giá, lực lượng Công an, Quân đội đã vào cuộc kịp thời, hiệu quả để "ứng cứu" khi xảy ra ùn tắc tạm thời tại các trung tâm đăng kiểm.

"Sau khi các sai phạm bị phát hiện, xử lý, việc kiểm định các phương tiện giao thông có khó khăn ban đầu do thiếu kiểm định viên và việc làm đúng quy trình đăng kiểm mất nhiều thời gian hơn (khác với trước đây bỏ qua nhiều công đoạn - PV) nên sự bức xúc của xã hội là có, nhưng để đối phó với tội phạm có hệ thống như vậy thì khó khăn đó là tạm thời. Và sự vào cuộc của lực lượng vũ trang góp phần trả lại trạng thái hoạt động bình thường cho các trung tâm đăng kiểm", đại biểu nhìn nhận.

ĐBQH Lê Thanh Vân cũng bày tỏ đồng tình với những kiến nghị, giải pháp mà Bộ Công an tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung. Đó là, tách chức năng cung cấp dịch vụ kiểm định, kiểm tra, giám sát ra khỏi chức năng quản lý nhà nước của Cục Đăng kiểm Việt Nam để tránh việc họ quyền lực trái pháp luật trục lợi cho "nhóm lợi ích" của mình; tổ chức lại lực lượng kiểm định viên có chuyên môn kỹ thuật, ý thức trách nhiệm và ý thức kỷ luật; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị xem xét trách nhiệm của Bộ GTVT với tư cách là một cơ quan của Chính phủ đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước về giao thông nói chung, lĩnh vực đăng kiểm nói riêng, cụ thể là trách nhiệm của lãnh đạo Bộ vào thời kỳ để xảy ra các vi phạm. Cần xem xét vấn đề mang tính lịch sử, chia các giai đoạn để xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể cho khách quan, công bằng.

Về câu hỏi của phóng viên, có hay không "tham nhũng chính sách" trong những sai phạm, tiêu cực lĩnh vực đăng kiểm, ĐBQH Lê Thanh Vân chia sẻ: "Tham nhũng chính sách" là thuật ngữ mới xuất hiện gần đây, khi các quy định pháp luật bảo vệ cho một nhóm người nào đó để tạo ra cơ hội cho họ trục lợi ở quy mô tập thể, ở cơ quan, đơn vị, một nhóm người, thậm chí là một bộ, ngành, địa phương.

"Trong đăng kiểm, việc "đẻ" thêm các trung tâm đăng kiểm, một mặt trái với quy hoạch, mặt khác tăng thêm thủ tục, gánh nặng cho các chủ phương tiện, từ đó trục lợi. Trục lợi ở đây chính là hợp pháp hóa chính sách, từ chỗ các văn bản tổ chức thực thi quy hoạch và cho giới hạn một số lượng nhất định thì các cơ quan chủ quản đã lạm dụng quyền lực, "đẻ" thêm ra với những lý do ngoài quy định của pháp luật. Như vậy, cần phải điều tra, xác minh xem, việc trục lợi chính sách, "tham nhũng chính sách" rõ hay không và lần theo đầu mối để xác định trách nhiệm tổ chức, cá nhân nào đã cố ý vi phạm như vậy, xử lý nghiêm!" - đại biểu nhấn mạnh.

Dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phải "nhốt" quyền lực trong "lồng" cơ chế lập pháp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân đề nghị phải có một cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, giữa một bên đặt ra quy định, một bên tổ chức thực thi và một bên xử lý vi phạm. Gốc rễ ở đây là phải phân công lại nhiệm vụ đăng kiểm; đặt ra các quy định, quy tắc về đăng kiểm. Nói cách khác, Cục Đăng kiểm Việt Nam trở lại nhiệm vụ của chính mình là quản lý nhà nước về đăng kiểm, đặt ra các quy định và kiểm tra, xử phạt khi vi phạm quy định. Có như vậy thì hoạt động này mới bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tình trạng tham nhũng, tiêu cực gây nhức nhối như thời gian vừa qua...

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.