Chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm - Bài 1: Hàng loạt sai phạm tinh vi, khép kín, có hệ thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tính đến ngày 11/8/2023, đã có 44 Công an địa phương trên toàn quốc phát hiện, khởi tố điều tra 99 vụ án, 753 bị can, trong đó có bị can là Cục trưởng, nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhiều Giám đốc tại 115 Trung tâm Đăng kiểm và 8 Chi cục Đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam; 1 Chi cục Thuỷ sản Đà Nẵng, về 10 tội danh, gồm: Môi giới hối lộ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ...

Lời Toà soạn: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, từ tháng 10-12/2022, Công an TP Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Đồng Tháp là hai địa phương đầu tiên xác lập chuyên án đấu tranh với sai phạm, tiêu cực tại một số trung tâm đăng kiểm trên địa bàn các tỉnh phía Nam. Chuyên án như "phát súng mở màn" cho chuỗi hoạt động điều tra của Công an các đơn vị, địa phương về lĩnh vực đăng kiểm. Chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm trở thành nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết mà lực lượng CAND đã thể hiện vai trò gương mẫu, đi đầu. Nhóm phóng viên Báo CAND thực hiện chuyên đề gồm 5 bài, phản ánh công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm; phân tích phương thức, thủ đoạn, hành vi sai phạm và bài học kinh nghiệm; qua đó, góp phần kiến nghị các giải pháp nhằm lành mạnh hoá hoạt động đăng kiểm trong thời gian tới.

Trở lại thời điểm tháng 7/2022, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết liệt chỉ đạo Công an các đơn vị trực thuộc Bộ và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên toàn quốc, trong đó, yêu cầu lực lượng Công an nắm tình hình, đấu tranh với dấu hiệu vi phạm tại các trung tâm đăng kiểm để xử lý nghiêm theo quy định. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Công an TP Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện, điều tra, khởi tố các đối tượng có hành vi phạm tội xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm thuộc TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng...

Khởi tố 99 vụ án, 753 bị can

Sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, không khoan nhượng với các loại tội phạm, "xử lý một vùng để cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực" được thể hiện qua nhiều chuyên án lớn, gây rúng động dư luận mà lực lượng CAND đã điều tra, xử lý thời gian qua. Tuy nhiên, một số đối tượng vẫn "chưa biết sợ", các hành vi tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra phức tạp, điển hình như trong lĩnh vực đăng kiểm.

Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố bị can, tạm giam ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam về hành vi nhận hối lộ.

Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố bị can, tạm giam ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam về hành vi nhận hối lộ.

Trước thực trạng đó, lãnh đạo Bộ Công an đã giao Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu làm đầu mối, giữ vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, điều phối Công an các đơn vị, địa phương đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm trong lĩnh vực đăng kiểm.

Còn nhớ, vào thời điểm giáp Tết 2023, lãnh đạo Bộ Công an đã nhiều lần trực tiếp cùng lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục đến một số tỉnh, thành phố phía Nam thị sát, nắm tình hình, từ đó có những chỉ đạo sát, trúng, kịp thời trong đấu tranh chuyên án của toàn lực lượng.

Để đấu tranh với các đối tượng sai phạm trong lĩnh vực nêu trên, ngày 8/12/2022, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã tổ chức Hội ý nghiệp vụ với Cục CSGT và Công an 18 địa phương để trao đổi phương thức, thủ đoạn, các dạng hành vi vi phạm, tiêu cực trong công tác đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới; hướng dẫn nghiệp vụ phát hiện, đấu tranh với vi phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm. Trong đó, nhận diện hành vi sai phạm có tính chất phổ biến, có tổ chức tại nhiều trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc; quá trình thực hiện hành vi phạm tội có sự móc ngoặc, thống nhất, bàn bạc “từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới” giữa các cá nhân tại trung tâm đăng kiểm và cán bộ, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Ngày 6/1/2023, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu phối hợp Văn phòng Bộ Công an tổ chức Hội ý nghiệp vụ để triển khai đồng bộ công tác đấu tranh trên toàn quốc. Tiếp đó, ngày 18/3/2023, lãnh đạo Bộ Công an chủ trì Hội ý nghiệp vụ với Công an 63 địa phương để chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị đấu tranh với sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm; đồng thời, hướng dẫn Công an các địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác điều tra, xử lý.

Ngoài các vi phạm xảy ra trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, quá trình thu thập thông tin, tài liệu và đấu tranh của Công an các địa phương còn thể hiện có vi phạm trong hoạt động kiểm định phương tiện thuỷ nội địa và cải tạo xe cơ giới. Từ nhận định trên, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã tham mưu lãnh đạo Bộ tiếp tục hướng dẫn nghiệp vụ về các lĩnh vực nêu trên.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Công an các địa phương đã chủ động nhận diện, xây dựng kế hoạch đấu tranh, từ đó, một số đơn vị trong thời gian ngắn đã khẩn trương triển khai đồng bộ công tác đấu tranh trên địa bàn và đạt được thành tích xuất sắc như: Công an TP Hồ Chí Minh; Công an tỉnh Đồng Tháp; Công an TP Hà Nội; Công an tỉnh Đồng Nai; Công an tỉnh Thái Bình; Công an tỉnh Đắk Lắk; Công an tỉnh Bắc Ninh; Công an tỉnh Nghệ An; Công an tỉnh Hoà Bình; Công an tỉnh Bắc Giang...

Tính đến ngày 11/8/2023, đã có 44 Công an địa phương trên toàn quốc phát hiện, khởi tố điều tra 99 vụ án, 753 bị can, trong đó có bị can là Cục trưởng, nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhiều Giám đốc tại 115 Trung tâm Đăng kiểm và 8 Chi cục Đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam; 1 Chi cục Thuỷ sản Đà Nẵng, về 10 tội danh, gồm: "Môi giới hối lộ"; "Đưa hối lộ"; "Nhận hối lộ"'; "Giả mạo trong công tác"; "Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật"; "Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác"; "Che giấu tội phạm"; "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

"Ma trận" phương thức, thủ đoạn

"Đây là lĩnh vực đã xảy ra nhiều vi phạm và tội phạm chỉ sau tình trạng phạm tội có liên quan đến kit test Việt Á. Kết quả điều tra tại Công an TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố cho thấy, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã buông lỏng quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm, để xảy ra nhiều sai phạm, tội phạm, nhất là tại các cơ sở đăng kiểm do tư nhân quản lý", Đại tá Vũ Như Hà, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu nhận định.

Qua các vụ án nêu trên, cơ quan điều tra xác định, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam hai thời kỳ gồm: Trần Kỳ Hình, nguyên Cục trưởng và Đặng Việt Hà, Cục trưởng đã trực tiếp chỉ đạo, bàn bạc, thống nhất với các Giám đốc Trung tâm đăng kiểm khối V (trực thuộc Cục Đăng kiểm quản lý) nhận tiền trái pháp luật để bỏ qua các lỗi khi thực hiện kiểm định xe cơ giới; đồng thời, thông qua lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới nhận hối lộ của các Trung tâm đăng kiểm khối D (do tư nhân quản lý) để buông lỏng quản lý, giám sát, tạo điều kiện cho các trung tâm này thực hiện hành vi sai phạm; bỏ qua lỗi trong hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới và kiểm tra đánh giá lần đầu, định kỳ, đột xuất tại các trung tâm đăng kiểm. Lãnh đạo Cục Đăng kiểm trực tiếp chỉ đạo, bàn bạc, thống nhất với lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới chỉ đạo nhân viên nhận hối lộ của các công ty có ngành nghề hoạt động thiết kế, thi công cải tạo xe cơ giới để bỏ qua các lỗi trong hồ sơ thiết kế, cải tạo và cấp Giấy chứng nhận thẩm định xe cơ giới cải tạo.

Quá trình điều tra, lực lượng Công an còn phát hiện, nhóm đối tượng tại Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã lập ra công ty "sân sau" hoặc móc ngoặc với nhân viên của các công ty có ngành nghề hoạt động thiết kế, thi công cải tạo xe cơ giới để bỏ qua các lỗi trong quá trình thẩm định hồ sơ như: lập giả hồ sơ thi công hoán cải cho các xe đã cải tạo để hợp thức hoá thủ tục cải tạo; không thể hiện khối lượng cắt bỏ đuôi thùng xe; số liệu tính toán thành phần trọng lượng, phân bố trọng lượng ôtô sau cải tạo không đúng và tính toán sai số liệu vượt dốc của ôtô khi vận hành; móc nối với các trung tâm đăng kiểm để được cấp Giấy chứng nhận kiểm định dù không đủ điều kiện.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, cơ quan chức năng cho hay, tại các trung tâm đăng kiểm, các đăng kiểm viên có vô số "chiêu trò" bỏ qua lỗi của phương tiện như: Đối với các hạng mục kiểm tra bằng máy móc, thiết bị, các đối tượng thường đánh lừa thiết bị kỹ thuật để bỏ qua lỗi của phương tiện như nhấp nhẹ chân ga, nhấp nhả phanh; không đưa phương tiện vào đúng vị trí thiết bị đo cường độ ánh sáng đèn; dùng khăn ướt bịt cảm biến của thiết bị đo khí thải hoặc đưa cảm biến không đúng vị trí, hoặc sử dụng kết quả đo của xe khác; sử dụng phần mềm photoshop chỉnh sửa ảnh trên máy tính để thay đổi chiều cao thùng xe tải trong quá trình kiểm định...

Đối với các hạng mục kiểm tra thủ công bằng tay, bằng mắt, các đối tượng thường bỏ qua một số công đoạn trong quy trình kiểm tra hoặc có kết luận kiểm tra không đúng thực tế đối với một số hạng mục như lỗi lốp xe bị mòn, lỗi phụ tùng xe gắn thêm hoặc không đủ tiêu chuẩn, lỗi khung gầm bị mục, lỗi bộ phận đàn hồi hoạt động kém... Cùng với đó, sử dụng phần mềm chỉnh sửa kết quả kiểm định, sử dụng kết quả kiểm định của một xe đủ điều kiện, tiêu chuẩn đưa vào hồ sơ của nhiều xe khác cùng kiểu loại, thông số kỹ thuật nhưng thực tế không có xe đến kiểm định tại trung tâm đăng kiểm. Có trung tâm đăng kiểm còn mượn hồ sơ năng lực của đăng kiểm viên bậc cao đứng tên trong hồ sơ kiểm định xe cơ giới, quá trình kiểm định, các nhân viên của trung tâm đăng kiểm sẽ giả chữ ký để hợp thức hoá hồ sơ.

Ngày 12/1/2023, tại Phiên họp thứ 23 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì, Ban Chỉ đạo đã thống nhất bổ sung vụ án "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Phát biểu tại họp báo chiều cùng ngày, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học khẳng định, vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm không phải là tham nhũng "vặt" mà có hệ thống, có tổ chức, có quy mô lớn. Tính chất nghiêm trọng của vụ việc là có tổ chức, phân công, phối hợp chặt chẽ. Chính vì thế, Ban Chỉ đạo mới quyết định đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.

(còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.