Chống rác thải nhựa: Phải thường xuyên, lâu dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 2 năm phát động, phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy vậy, để phong trào thực sự lan tỏa rộng rãi và mang lại hiệu quả cao cần sự vào cuộc thường xuyên, lâu dài của các ngành, địa phương cũng như toàn thể cộng đồng.  
Nhiều mô hình hiệu quả
Tháng 7-2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) triển khai mô hình “Ngôi nhà xanh tiết kiệm đồng hành cùng phụ nữ và trẻ em nghèo” nhằm chung tay chống rác thải nhựa. Mô hình huy động tất cả phụ nữ trên địa bàn tham gia phân chia rác thải thành 3 loại gồm: rác thải hữu cơ, rác thải tái chế và rác thải không tái chế. Đối với rác thải hữu cơ dùng để ủ làm phân bón cho cây trồng, rác thải không tái chế được chị em gom lại để Trạm Cấp nước và Dịch vụ đô thị huyện đưa đi xử lý; còn rác thải tái chế quyên góp về Hội để bán gây quỹ giúp đỡ phụ nữ và trẻ em nghèo.
Bà Vũ Thị Thắm-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Phú Hòa-cho hay: “Tuy mới triển khai được 2 tháng nhưng Hội đã thu được hơn 2 tạ rác thải tái chế cùng 3 tạ sách, giấy báo cũ. Chúng tôi đã bán lấy tiền mua sách vở, áo quần, giày dép tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn”.
Tương tự, Tỉnh Đoàn cũng đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều phần việc đến các cơ sở Đoàn để chung tay chống rác thải nhựa. Đơn cử, Huyện Đoàn Chư Păh phối hợp với các đơn vị thực hiện chương trình đổi nước sát khuẩn và khẩu trang lấy rác thải tái chế. Kết quả, đã thu được 180 kg rác thải nhựa, 120 kg rác tái chế để bán lấy kinh phí mua 4 suất quà tặng trẻ em nghèo và tặng 50 chai nước sát khuẩn, hơn 600 chiếc khẩu trang cho người dân phòng-chống dịch Covid-19.
Đoàn thị trấn Kông Chro đặt hơn 20 thùng đựng rác tại các tuyến đường của thị trấn và hướng dẫn người dân phân loại rác thải. Theo đó, các chai nhựa, vỏ lon bia được đoàn viên, thanh niên gom lại để bán; rác hữu cơ bỏ vào hố rác, rác thải không tái chế như túi ni lông, các mảnh sứ... được gom bỏ vào thùng rác để Trạm Quản lý nước và Công trình đô thị huyện tới thu gom và đưa đi xử lý.
“Bên cạnh đó, việc tổ chức các buổi dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm tại các địa phương trong huyện cũng đã góp phần giúp người dân nêu cao ý thức, cùng tham gia bảo vệ môi trường”-anh Đinh Văn Súy-Bí thư Huyện Đoàn Kông Chro-chia sẻ.
Mô hình “Ngôi nhà xanh tiết kiệm đồng hành cùng phụ nữ và trẻ em nghèo” của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) . Ảnh: H.T
Mô hình “Ngôi nhà xanh tiết kiệm đồng hành cùng phụ nữ và trẻ em nghèo” của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) . Ảnh: Hồng Thương
Cần triển khai thường xuyên, lâu dài
Ông Võ Danh Kha-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Pa-thông tin: Huyện đặc biệt quan tâm đến hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa và ý thức hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần cho người dân. Riêng năm 2020, huyện đã treo 25 băng rôn, áp phích với khẩu hiệu “Nói không với rác thải nhựa”; xây dựng và đăng 40 tin, 5 phóng sự về phong trào; tổ chức các buổi thu gom, phân loại rác thải và xây dựng các mô hình, câu lạc bộ liên quan đến chống rác thải nhựa. Tuy nhiên, kết quả thực hiện phong trào chưa cao.
“Để phong trào đạt hiệu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tổ chức tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ quản lý, xử lý rác thải nhựa; ban hành quy định về quản lý nhà nước, tính thuế đối với chất thải nhựa phát sinh tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh; khuyến khích các cơ sở sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường hoặc dễ phân hủy với giá thành phù hợp; vận động cơ sở sản xuất khi đóng gói sản phẩm xuất bán ra thị trường nên sử dụng bao bì thân thiện với môi trường”-ông Kha đề xuất.
Trao đổi với P.V, bà Lương Thị Tuyết Vinh-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Để phong trào chống rác thải nhựa đạt hiệu quả cao cần sự chung tay hưởng ứng hơn nữa của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và cộng đồng. Đồng thời, rất cần Bộ Tài nguyên và Môi trường đào tạo đội ngũ tuyên truyền viên về công tác bảo vệ môi trường, kỹ năng truyền thông môi trường; giới thiệu các hoạt động tuyên truyền, các mô hình chống rác thải nhựa thiết thực, hiệu quả để địa phương tham gia học tập, triển khai; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, giới thiệu tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường để thay thế các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông khó phân hủy nhằm giảm phát thải từ nguồn”. 
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.