Choáng với giá thuê mặt bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau 7 năm hoạt động, quán cà phê Starbucks Reserve có vị trí đắc địa nhất TP.HCM của thương hiệu này bất ngờ thông báo sẽ đóng cửa từ ngày 26.8. Nguyên nhân chính được cho là do tiền thuê mặt bằng cao ngất ngưởng.

"Ông lớn" Starbucks còn không chịu nổi chi phí mặt bằng thì ai sẽ là người chấp nhận được mức giá này?

Giá thuê cả tỉ đồng/tháng

Starbucks Reserve Hàn Thuyên (số 11-13 Hàn Thuyên, Q.1, TP.HCM) là cửa hàng Reserve duy nhất tại TP.HCM của hãng cà phê Mỹ, nơi giới thiệu những hương vị cà phê cao cấp được pha chế bởi những coffee master. Sau 7 năm hoạt động và luôn đông khách, mới đây quán thông báo sẽ đóng cửa và cho biết sẽ sớm trở lại tại một vị trí khác. Việc Starbucks Reserve Hàn Thuyên đóng cửa lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều người. Trong thông báo ngưng hoạt động, Starbucks Việt Nam không nêu lý do nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, hãng cà phê không đạt được thỏa thuận gia hạn hợp đồng thuê mặt bằng.

Được biết, Starbucks Việt Nam thuê mặt bằng trên với giá 700 triệu đồng/tháng. Nhiều nguồn tin cho biết hiện chủ nhà đang rao giá thuê mới là 750 triệu đồng/tháng, tức khoảng 9 tỉ đồng/năm. Khách thuê sẽ được miễn phí 1 tháng tiền thuê nhà để sửa chữa và có thể nhận mặt bằng từ tháng 9 tới. Khách thuê phải đặt cọc 3 hoặc 6 tháng tùy vào thời gian ký hợp đồng thuê 5 hay 10 năm. Sở dĩ mặt bằng trên có mức giá cao ngất ngưởng như vậy vì vị trí đắc địa, nằm đối diện công viên 30 Tháng 4 và cách không xa nhà thờ Đức Bà, dinh Độc Lập.

Hãng Starbucks phải trả mặt bằng này sau 7 năm kinh doanh

Hãng Starbucks phải trả mặt bằng này sau 7 năm kinh doanh

Chưa hết ngạc nhiên vì Starbucks Reserve Hàn Thuyên đóng cửa, mức giá thuê mặt bằng ở đây khiến nhiều người sốc nặng. Thực tế, giá thuê mặt bằng ở trung tâm TP.HCM từ lâu đã nổi tiếng đắt đỏ. Trước Starbucks, không ít doanh nghiệp phải "bỏ của chạy lấy người". Bà Nguyễn Thị Lành, chủ một cơ sở chăm sóc sắc đẹp trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1), cho biết đã thuê 5 tầng của một tòa nhà với giá 1,5 tỉ đồng/tháng, nếu thuê hết cả 12 tầng thì lên tới gần 2,8 tỉ đồng. Mỗi năm tiền thuê mặt bằng khoảng 18 tỉ đồng. Theo bà Lành, do giá thuê quá cao, nhiều lần bà đã thương lượng với chủ nhà để giảm giá nhưng bất thành. "Chi phí thuê mặt bằng quá cao, ăn hết vào lợi nhuận của doanh nghiệp. Mấy năm nay khó khăn, gồng không nổi nên tôi đang tìm một mặt bằng khác khu Q.1, Q.3 với giá thuê chỉ dao động khoảng 500 - 700 triệu đồng/tháng nhưng rất khó", bà cho hay.

Cũng gánh mỗi tháng chi phí thuê mặt bằng 1,2 tỉ đồng, giám đốc một bệnh viện thẩm mỹ có trụ sở trên đường 3 Tháng 2 (Q.10), nói với chúng tôi: "Chi phí thuê mặt bằng quá cao đang đè chết doanh nghiệp". Trong khi đó, giá bất động sản hiện nay ở các con đường "hot" như 3 Tháng 2, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ… lên đến hơn 2 tỉ đồng/m2 nên doanh nghiệp không có tiền để mua đất tự xây trụ sở vì chi phí quá lớn. Thậm chí có tiền cũng không mua được vì những người đang sở hữu các bất động sản ở đây đều là người giàu.

"Giá thuê đắt đỏ là vậy nhưng cứ 2 năm lại tăng giá thêm 10%, bất kể doanh nghiệp làm ăn lời hay lỗ. Do kinh doanh dịch vụ làm đẹp nên công ty buộc phải thuê mặt bằng ở những cung đường tập trung nhiều bệnh viện thẩm mỹ. Giá thuê có cao nhưng phải cắn răng chịu đựng vì nếu trả giá chủ nhà cũng không cho, có khi còn bị đòi lại mặt bằng vì nhiều người khác cũng đang lùng thuê", vị này cho hay.

Một mặt bằng khác nằm trên đường Nguyễn Huệ có giá thuê lên đến hơn 1 tỉ đồng/tháng, không gồng nổi nên một nhà hàng Nhật đã phải trả mặt bằng tìm nơi khác. Đáng nói, dù không ai thuê nhưng nhiều tháng qua chủ mặt bằng vẫn không hạ giá, chấp nhận bỏ trống. Những môi giới tại đây cho biết muốn thuê mặt bằng, khách phải thanh toán trước 1 tháng và cọc thêm 2 tháng. Như vậy số tiền cọc và thanh toán đã lên đến 3 tỉ đồng, chưa kể muốn kinh doanh được thì phải làm lại toàn bộ nội thất.

Nhiều mặt bằng có vị trí đắc địa phải bỏ trống một phần vì giá thuê quá cao

Nhiều mặt bằng có vị trí đắc địa phải bỏ trống một phần vì giá thuê quá cao

Kinh doanh chỉ có lỗ

Bà Xuân Trang, quản lý lĩnh vực F&B của một tập đoàn bất động sản tại TP.HCM, xác nhận: Hiện nay giá thuê mặt bằng, đặc biệt là ở những trục đường danh giá, là "trái tim" của các thành phố lớn thường cao hơn gấp 3 lần so với giá trị và hiệu quả kinh doanh mà nó mang lại. Như một hãng cà phê trong nước thuê mặt bằng nhỏ ở đường Alexandre De Rhodes với giá khoảng 20.000 USD/tháng; một hãng khác thuê mặt bằng ở đường Công xã Paris đối diện nhà thờ Đức Bà có giá lên đến 1,2 tỉ đồng/tháng…

"Với giá thuê này dù khách có đông đến cỡ nào, kinh doanh cũng không có lời, thậm chí lỗ nặng. Tuy nhiên, việc các nhãn hàng, thương hiệu thuê mặt bằng ở những tuyến đường đắt đỏ không đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà nó là khẳng định thương hiệu, làm hình ảnh, quảng bá", bà Xuân Trang phân tích. Ngay cả tập đoàn nơi bà Trang đang làm việc cũng luôn săn lùng những mặt bằng danh giá, "VIP nhất" để thuê.

"Nếu kinh doanh theo chuỗi, theo hệ thống thì những mặt bằng ở các vị trí trung tâm, đắc địa sẽ được những mặt bằng khác bù lỗ. Miễn sao toàn hệ thống vẫn có lời thì các chủ thương hiệu vẫn phải tìm những mặt bằng trung tâm để xuất hiện. Thay vì đi thuê biển quảng cáo ngoài trời mỗi năm tốn tiền tỉ, thì những mặt bằng này được xem là nơi để quảng bá hiệu quả. Mặt bằng ở những trục đường danh giá, là con tim của thành phố, thể hiện được đẳng cấp của thương hiệu thường được săn lùng thuê và thời hạn tối đa phải từ 3 - 5 năm. Đây là lý do vì sao mặt bằng cho thuê ở khu vực trung tâm dù đắt đỏ nhưng vẫn luôn được săn lùng", bà Xuân Trang giải thích.

Theo ông Lê Duy, chủ hệ thống nhà hàng Yen Sushi, ở những tuyến đường trung tâm thường các nhãn hàng xa xỉ, đặc biệt là thời trang, thuê mở cửa hàng nhằm quảng bá thương hiệu. Nhưng với một nhãn hàng, chi phí thuê mặt bằng khoảng 200 - 300 triệu đồng/tháng mới mong có lời còn từ 400 - 500 triệu đồng/tháng là rất khó. "Hệ thống chúng tôi mới thuê một mặt bằng ở đường Lê Lợi, Q.1 với giá lên đến 500 triệu đồng/tháng. Với giá thuê này doanh nghiệp rất khó có lời, mục đích chính cũng để làm thương hiệu và các chi nhánh khác phải bù lỗ", ông Lê Duy cho hay.

Công ty CBRE VN đánh giá mặt bằng khu vực trung tâm TP.HCM đang có giá thuê cao gấp 5 lần so với trung bình các khu vực khác của thành phố. Giá thuê quá đắt đỏ đã tạo nên một làn sóng dịch chuyển khỏi trung tâm của các thương hiệu chuỗi. Bên cạnh đó, sức mua suy giảm cũng khiến những mặt bằng "vàng" trở nên kém hấp dẫn hơn khi tiền thuê chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Đồng Khởi, Tràng Tiền có giá thuê đắt đỏ hàng đầu thế giới

Theo đánh giá của Cushman & Wakefield, VN có 2 con đường thuộc nhóm giá thuê mặt bằng đắt đỏ hàng đầu thế giới là Đồng Khởi (TP.HCM) và Tràng Tiền (Hà Nội). Trong đó, giá thuê mặt bằng trên đường Đồng Khởi đắt thứ 13 thế giới với 390 USD mỗi feet vuông một năm (tương đương 350 USD mỗi m2 một tháng). Trong khi đó tuyến đường Tràng Tiền được Cushman & Wakefield xếp hạng có giá thuê mặt bằng đắt thứ 17 thế giới với gần 300 USD mỗi m2 một tháng. Ghi nhận tại hai tuyến đường này chủ yếu được các thương hiệu cao cấp hàng đầu thế giới thuê như Louis Vuitton, Hermes, Patek Philippe…

Theo Đình Sơn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Đằng sau mỗi công trình 'cán đích'

Đằng sau mỗi công trình 'cán đích'

Ở thời điểm hiện tại, nhiều dự án cầu, đường tại TP.HCM đang chạy đua về đích mừng năm mới. Đi kèm với đó là sự thở phào nhẹ nhõm, vui mừng phấn khởi của rất nhiều người dân TP nói chung và người dân khu vực đó nói riêng.