Chợ làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chợ làng được nhóm họp trên bãi đất trống. Chiều về, chợ trở thành nơi đông vui và nhộn nhịp nhất của làng.
Mỗi ngày, khoảng sau 15 giờ, những người nông dân Jrai từ nương rẫy, đồng ruộng trở về, họ mới xuống chợ để bày bán những thứ vừa thu hoạch được. Đó là những bó rau, mớ cua đồng, cá đồng hay những quả sầu riêng vừa lượm trên mảnh vườn thơm lựng, chùm quả vú sữa căng mọng, những rổ chòi mòi, rổ trâm rừng tim tím bắt mắt. Xen lẫn giữa những tiếng gọi mời mua bán là câu chuyện nhà, chuyện rẫy, chuyện học hành của con cái... của các bà, các mẹ. 
Đi chợ làng vào mùa mưa, ta sẽ bắt gặp những gùi nấm rơm, nấm mối, những gùi măng, mụt nào mụt nấy mập mạp hay những bó rau rừng xanh mởn. Mùa nắng, sẽ có những chùm vải, chôm chôm rừng, quả mít vườn mùi thơm dậy lên cả góc chợ… cứ mặc sức mua mà không cần phải đắn đo e ngại chuyện chất bảo quản hay thuốc kích thích, bởi đó toàn là những thứ thu hái từ vườn nhà của những người dân Jrai trong làng.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Tôi thích đi chợ làng, vì ở đó có những thứ rất đỗi gần gũi, gợi nhớ về những ký ức xưa cũ. Từ những gùi chòi mòi, trâm rừng chín tím đến mớ cá, lươn đồng bơi trong cái chậu nhỏ. Tất cả đều gắn với những kỷ niệm khó quên.
Ấy là kỷ niệm ngày bé được ba cho đi bắt cá cùng. Ba tôi ngăn một phần con mương chảy qua đám ruộng, bỏ xuống đó vài cành cây, độ 1 tuần là có thể tát nước và bắt cá. Có hôm, ba bắt được nhiều cá, mẹ dùng một phần để dành nấu canh chua, phần còn lại mang xuống chợ bán, lấy tiền mua một vài món khác để thêm vào bữa cơm cho cả nhà.
Ấy là những trưa hè, trẻ con chúng tôi bàn bạc nhau trốn ngủ trưa, chạy ù ra bụi tre đầu làng “tập kết”, đông đủ thì cả nhóm lên đồi tìm sim, tìm trâm rừng… ăn cho miệng môi đứa nào cũng tím rịm, bữa thì rủ nhau lần theo các khe suối tìm lần những đọt rau dớn mập mạp mang về cho mẹ và được ba khen khi bữa cơm chiều của cả nhà có thêm món rau dớn xào tỏi đổi vị.
Hay thi thoảng xuống chợ làng, bắt gặp mùi thơm dịu ngọt của quả thị mà thuở nào, tôi vẫn thường được anh bạn ở nhà bên mang sang cho. Mùi thơm của quả thị phảng phất trong căn phòng đến mấy ngày liền.
Chợ làng nơi tôi sống thường nhóm họp buổi chiều nên người đi chợ cũng không phải tất bật vội vàng như ban sáng, cứ chậm rãi mà lựa chọn những thứ vừa ý. Tôi thường nán lại lâu hơn trước những chiếc gùi đầy hoa sen, hoa súng và bao giờ cũng mua một bó mang về. Giữa mua bán tấp nập, những gùi hoa ấy như một chấm cọ nhẹ nhàng nhưng lại rất đỗi cuốn hút, gần gũi.  
Thường thì cuối tuần, sạp hàng đồ chơi mới được bày bán, trẻ con được mẹ cho theo xuống chợ dán mắt vào những chiếc ô tô, máy bay, búp bê, lật đật… Mỗi lần ngang qua sạp hàng ấy, tôi vẫn thường mua vài thứ tặng các em nhỏ đang đứng xung quanh. Nhìn những đôi mắt sáng lên vì được quà của các em tôi thấy lòng mình ấm hẳn.
Và, cũng vào những chiều cuối tuần, người trong phố thường ngược đường tìm xuống chợ làng để tìm mua thực phẩm sạch cho gia đình. Tôi cũng không ngoại lệ. Hôm nào đi chợ làng, tôi thường mua rất nhiều thứ, mua cho gia đình mình rồi có khi mua cả cho người thân vì thực phẩm sạch, ngon và rẻ!
PHÚC AN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.