Bạn bè

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tư Xe mang bình xịt thuốc về nhà. Lúa vụ 3 đã tròn tháng. Ơn trời, lúa phát triển rất tốt chỉ cầm lại vài ngày vì dịch bọ trĩ tàn phá. Còn bây giờ bắt đầu hiện tượng sâu cuốn lá, ông vừa xịt thuốc xong.

Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân


Về đến nhà thì đã lên đèn. Tư Xe gọi gióng vào nhà:
 
- Mẹ nó ơi! Chuẩn bị cơm đi.
 
 Yên lặng.
 
Tư Xe mở cánh cửa khép hờ. Trong nhà đèn điện sáng choang. Trên bàn một tờ giấy lòi ra dưới mâm cơm được úp lồng bàn. Ông cầm đọc: “Bà ngoại con Phụng đưa đi cấp cứu. Mẹ con tôi qua bên đó. Tiền nhà chẳng còn bao nhiêu. Mình xem mượn tạm ai đó cứu mẹ”.
 
Tư Xe bần thần cầm tờ giấy giây lâu. Ngồi sát bên mâm cơm mà ông quên cả đói. Dòng chữ “Mình mượn tạm ai đó cứu mẹ” đập vào mắt ông nhức nhối. Cám tháng giêng, tiền tháng chạp, mượn của ai bây giờ? Bạn bè? Phải rồi! Những người bạn ăn nên làm ra, chừng vài triệu bạc lúc này chắc bạn bè không từ chối. Nhưng Tư Xe không tin tưởng lắm với giải pháp ấy vì ông chợt nhận ra một điều rất oái oăm. Tự bấy lâu, với bạn bè ông sống không làm mếch lòng ai và cũng không muốn ai làm phiền đến mình. Túi ông chưa bao giờ cộm lên đồng tiền dư để có thể giúp bạn bè, để bây giờ ông mạnh dạn đến gõ cửa. Lối sống mực thước phần nào khiến ông vô tình với nỗi đau của bạn bè nên ông không có cơ hội được dự phần chia sẻ.
 
Mặc vội quần áo Tư Xe quyết định đi vay tiền nóng với lãi suất 10% ở xóm chợ. Như thế thì khỏi phiền ai. Lứa heo ra riêng xuất chuồng để lo cho con Phụng... Thôi thì đành vậy. Cứu người như cứu hỏa.
 
Con đường đất dẫn lên xóm chợ mới bồi đắp nên Tư Xe không thể đi nhanh được. Hai bên đường đã có vài nhà bày cỗ cúng ông Táo ở ngoài sân làm Tư Xe nhớ đến gia đình mình. Tập tục truyền đời của làng quê đã như một tín ngưỡng của tôn giáo hằn sâu trong nếp nghĩ của ông. Ông tin rằng mọi hoạt động của gia đình đã được thần Táo ghi chép đầy đủ để đêm nay dâng sớ lên Ngọc Hoàng. Lòng tin này góp phần tạo nên tâm tính hướng thiện trong ông. Đêm nay không thể cúng đưa ông Táo về trời, ông tự an ủi rằng thần Táo sẽ không trách khi ông đang lo cho tròn việc hiếu nghĩa.
 
- Đi đâu mà vội vã vậy? Không ở nhà để đưa ông Táo về trời à?
 
Tư Xe giật mình thắng xe lại. Thì ra là Ba Sang, bạn ông. Ông định trả lời qua quýt cho xong chuyện nhưng tính không hay nói dối nên miệng ông đã kể rõ nguồn cơn.
 
Ba Sang đập tay lên ghi đông xe:
 
- Thật quá đáng lắm! Chuyện như vậy mà cứ ôm khư khư trong lòng một mình. Ngày hết tết đến ông tưởng dễ vay lắm à. - Ba Sang nắm tay Tư Xe - Vào đây! Để mình nói với bà xã xem giúp ông được ít nhiều gì không.
 
Tư Xe ngỡ ngàng theo bạn vào nhà. Ba Sang mời nước rồi vào nhà trong hồi lâu để Tư Xe thắc thỏm một mình như kiến đốt đít. May sao vợ chồng Ba Sang vừa ra đến với xấp tiền mới toanh trên tay. Ba Sang nói:
 
- Vợ chồng mình cho ông mượn ba triệu. Thư thả vài tháng sau hãy gửi lại. Mình cho mượn chứ không cho vay à nghen. - Ba Sang cười nói với vợ - Em đưa tiền cho ảnh đi. May mà tối nay anh ra cổng mới gặp ảnh. Thật tính khí gì mà xưa nay vẫn vậy.
 
- Thì tính ảnh vậy anh mới quí ảnh. Vợ chồng em gửi anh ba triệu. Anh an tâm lo cho cụ. Cụ với mẹ em cũng là chỗ quen thân. Anh là con rể mà lo cho mẹ vợ vậy rất ít có. Mong sao nhà em cũng được như anh vậy.
 
Ba Sang cười xòa:
 
- Cái bà này! Lại được dịp châm chích tôi đó hả.
 
Tư Xe cầm tiền. Nhìn những tờ giấy bạc mới cứng, lòng bồi hồi ông nói:
 
- Tôi cảm ơn vợ chồng ông rất nhiều, nhiều lắm... Thôi tôi đi kẻo mẹ nó mong.
 
- Khoan đã! Ông chờ tôi lấy xe máy chở đi. - Ba Sang đứng dậy nói với vợ - Nếu anh về muộn thì em ở nhà cúng ông Táo. Anh chở ảnh đi cho nhanh. Vào viện còn lắm thủ tục.
 
Cũng như mọi người, gia đình Tư Xe tạm gác lại những việc còn dở dang để đón Tết. Hòa trong cái vui chung, ông còn có niềm vui riêng. Mẹ vợ ông khỏi bệnh đã nhấc đi hòn đá tảng trong lòng ông. Khi bệnh tình của mẹ chưa biết có thuyên giảm hay không, trong khi tiền nhà đã hết và ba triệu vợ chồng Ba Sang cho mượn đã vơi đi quá nửa, chỉ còn lứa heo sắp bán để lo cho con Phụng đang học đại học. Giữa mẹ và con, lạy trời đừng để ông phải chọn lựa, và quả là cao xanh đã thấu được lòng ông.
 
Qua cái tết này, Tư Xe thêm một lần nữa ngẫm lại cách sống của mình. Ông suy nghĩ rất nhiều khi chị em Phụng báo cho vợ chồng ông biết số tiền bạn bè ông mừng tuổi cho chị em nó. Những khoản tiền rất lớn. Phải chăng đây là sự giúp đỡ kín đáo của bạn bè ông? Những người bạn mà bấy lâu ông chỉ giao tiếp ở một chừng mực nhất định. Bây giờ mang “món nợ ân tình” mà nói tiếng cảm ơn sẽ là lố bịch. Tuy những lo toan còn đè nặng trong lòng, Tư Xe nhìn mùa xuân của đất trời tươi đẹp hơn.
 
Hôm nay gia đình Tư Xe tất bật làm mâm cỗ tươm tất hơn mọi năm để cúng đốt giấy mùng 4 Tết. Ngoài lòng thành với gia tiên, Tư Xe còn tỏ ý mừng mẹ vợ qua cơn bạo bệnh và tỏ chút lòng với anh em bầu bạn.
 
Chai rượu đế ba phần tư lít rót giáp một vòng thì vừa hết. Tư Xe nâng ly mời mọi người:
 
- Trước hết mình thay mặt gia đình cảm ơn anh em đến với gia đình mình. Thời gian qua trong cơn ngộ biến, gia đình mình đã nhận được sự an ủi, giúp đỡ nhiệt tình của anh em. Ly rượu này mình mời các bạn vì lòng cảm kích của mình. Chúc tình bạn sống mãi trong lòng chúng ta với thời gian.
 
Mười bốn ly rượu được nâng lên cụng vào nhau. Men rượu sóng sánh. Men tình dạt dào. Mọi người chuyện trò rôm rả. Chuyện thời tiết mùa màng, chuyện dịch COVID-19, chuyện bầu cử tổng thống Mỹ, chuyện làng xã ba ngày xuân qua nổ như bắp rang.
 
- Xin anh em một phút im lặng. Tôi có lời muốn nói với anh em. - Ba Sang nói - Trước nhất tôi đề nghị mọi người hoan nghênh sự thay đổi của Tư Xe. Vậy là Tư Xe nhà ta đã chui ra lớp kén lập dị, sống cởi mở hơn. Thật đáng khen! Đề nghị anh em cạn ly chúc mừng Tư Xe!
 
- Dô! Trăm phần trăm.
 
- Chúc mừng. Dô!
 
Ba Sang uống cạn ly rượu cùng mọi người rồi nói tiếp:
 
- Bây giờ tôi đề nghị thế này. Chúng ta sống trong gia đình có anh em, ra ngoài có bầu bạn. Tuy chúng ta không cùng chung nguyên quán, nhưng cùng sinh cơ lập nghiệp ở quê hương này, và biết đâu con cháu sẽ đưa chúng ta thành sui gia thông gia với nhau. Trong chúng ta có người may mắn được phát đạt, có người vì hoàn cảnh nào đó chưa vươn lên được. Sao anh em chúng ta không tự thành lập một hội bạn bè tương trợ nhau nhỉ? Chúng ta tự nguyện đóng góp lập một quỹ tương trợ giúp nhau có vốn làm ăn. Ví dụ chúng ta góp bốn triệu cho bốn tháng một lần đầu tiên, tức một triệu một tháng một người. Số tiền này cứ bốn tháng một lần sẽ lần lượt giao cho từng người một. Anh em thấy thế nào?
 
Cuộc tiệc im lặng trong giây lát. Năm Pháo, em trai Tư Xe, nói:
 
- Tôi thấy ý anh Ba rất hay. Đây là hình thức mượn vốn trước rồi trả dần sau. Tôi đồng ý.
 
Tư Xe thắc mắc:
 
- Vậy người cuối cùng phải đến bốn năm sau mới đến phiên mình?
 
- Tất nhiên - Ba Sang đáp - Để làm ăn thì bốn tháng là thời gian tối thiểu cho sản xuất ngắn ngày và thu hồi vốn. Đến kỳ ta sẽ có một buổi gặp nhau để xét ai là người được ưu tiên trước. Người còn thong thả sẽ nhường cho người eo hẹp. Chúng ta là bạn nên hiểu và thông cảm nhau là chính.
 
Tám Thẹo, dáng người phốp pháp trông dữ dằn với vết thẹo sần sùi kéo dài từ đuôi mắt ngang qua má mặt xuống tận cằm cắt đôi hàm râu quai nón rậm rì (vết thẹo là hậu quả của một trận đánh giáp lá cà với lính Đại Hàn năm 1966) cầm ly rượu giơ lên, giọng sang sảng:
 
- Kế hoạch góp vốn của Ba Sang nghe sao giống chơi hụi quá. Mà... có ảnh hưởng gì phạm không? Chớ tao nghe ca sĩ gì Tiên Tiên đó. Cô ấy dùng uy tín mình huy động đóng góp làm từ thiện mà bị nói lên bờ xuống ruộng. Nhưng tao đồng ý! Việc anh em mình tự nguyện mà thằng nào chỏ miệng thúi vô tao cắt lưỡi. Nào! Anh em ai đồng ý thì nâng ly lên.
 
- Cạn trăm phần trăm! Hoan hô ý kiến Ba Sang!
 
Ba Sang uống cạn ly rượu, nói:
 
- Yên nào! Tôi nghĩ chúng ta có tình bạn thì chắc chắn gấp trăm lần những tổ chức chơi hụi. Vì lòng tự trọng trong mỗi chúng ta với anh em, vì chúng ta biết quí và vun bồi nhân cách của mình, chúng ta không để đồng vốn anh em giúp mình bị đông cứng hay bốc hơi. Đây là yếu tố quan trọng giúp ta đạt hiệu quả. Và giả như, ai đó gặp rủi ro không lường trước được thì chúng ta cũng sẵn lòng cảm thông xóa nợ. Vì chúng ta không phải sống đâu xa, mọi việc làm ăn, sinh hoạt đều rõ như ban ngày, nhà này hắt hơi nhà kia nghe thấy.
 
Mười bốn người bạn lại cùng nâng ly. Tự trong thâm tâm mỗi người ngồi đây ít nhiều đều vị nể Ba Sang. Một người bạn sống chân thành cởi mở, một người đã thoát ly chiến đấu hy sinh một phần thân thể trên chính quê hương này. Hơn một nửa trong số họ là cựu chiến binh, vẫn còn vẹn nguyên trong họ tình bạn bè đồng đội. Là bạn bè họ cũng đã giúp đỡ nhau ít nhiều. Nhưng dù sao trong cuộc sống đời thường với nhiều lo toan, họ ít có dịp quan tâm đến nhau. Bây giờ ý định lập quỹ tương trợ của Ba Sang cho họ tìm thấy một cơ hội và có điều kiện để sống có trách nhiệm với nhau hơn.
 
Sáng nay, Tư Xe đem đến trả cho Ba Sang ba triệu từ số tiền của quỹ hội được bạn bè ưu tiên cho nhận làm vốn trước. Ba Sang đẩy trả lại xấp tiền về phía Tư Xe:
 
- Ông hãy giữ làm vốn để sản xuất. Đồng tiền của anh em đóng góp phải được đầu tư sinh lợi chứ không phải để trả nợ. Tiền mượn mình để thư thả sau này ông hãy trả. Hãy nghĩ thoáng ra Tư Xe à.
 
Tư Xe không thể nói gì hơn là đem tiền về nghĩ cách đầu tư cho sinh lợi. Nhưng thật không dễ khi nghĩ được ra việc gì đem lại hiệu quả nhất. Bao nhiêu năm quen làm ăn theo kiểu được chăng hay chớ, Tư Xe cảm thấy lúng túng khi phác thảo một kế hoạch làm ăn bài bản. “Không để đồng vốn anh em giúp mình bị đông cứng hay bốc hơi”, Tư Xe như nghe lại lời Ba Sang nói hôm nào... Nhưng sẽ nghĩ ra và làm được khi ta đã quyết tâm. - Tư Xe nói ra bằng lời suy nghĩ của mình.

http://www.baolamdong.vn/vhnt/202011/ban-be-3032268/

Theo PHỤNG TÚ (baolamdong)

Có thể bạn quan tâm

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.