Chính sách cho nhà giáo không chỉ là tiền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bản thân nhà giáo và chuyên gia nghiên cứu về chính sách công đều cho rằng, chính sách để nâng cao vị thế của nhà giáo trong bối cảnh hiện nay chắc chắn không chỉ là tiền.

Việc ồn ào đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo, dù nhà giáo không "mong đợi gì" nhưng lại bị điều tiếng của dư luận khiến không ít giáo viên (GV) tâm tư. Đương nhiên, họ mong có mức thu nhập đủ sống, tương xứng với đặc thù nghề nghiệp, nhưng phần lớn trong số họ không đòi hỏi hay mong muốn phải có những chính sách mang tính quyền lợi đặc biệt.

Cô Như Hương, một GV dạy tiếng Anh cấp THPT mới nhận quyết định nghỉ hưu, chia sẻ khi xác định vào học sư phạm, ra trường đi dạy và gắn bó với nghề đến khi về hưu, mưu cầu một cuộc sống giàu có chắc chắn không phải là tiêu chí của nhà giáo.

Thực tế, dù chưa hưởng chính sách "lương cao nhất", thu nhập của GV cũng đã cải thiện từng bước. Vậy nhưng "làn sóng" GV bỏ nghề, chuyển việc lại chưa bao giờ diễn ra đáng báo động như mấy năm gần đây. Nguyên nhân đầu tiên, dư luận nghĩ đến là đồng lương, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thu nhập chỉ là một trong số những lý do khiến GV đi đến quyết định rời bục giảng. Điều khiến họ tâm tư nhất vẫn là những áp lực vô hình, những áp lực không vì chuyên môn còn đè nặng. GV phải chịu mọi áp lực từ cơ chế quản lý nhà nước, trong dạy và học, trong các mối quan hệ… Những chỉ tiêu khủng khiếp về bệnh thành tích, tỷ lệ học sinh (HS) khá giỏi, số HS đỗ đạt, tỷ lệ chuyên cần của HS…

Đó còn là áp lực về việc cạy cục khó khăn để "vào biên chế" rồi lại tiếp tục chịu đựng không ít các quy định phi lý để không rơi vào 10% tinh giản biên chế hằng năm (theo quy định).

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia giảng dạy và nghiên cứu về chính sách công, khẳng định GV có quyền đòi hỏi thu nhập tương xứng với đặc thù nghề nghiệp; nhưng nếu chỉ nghĩ đến tiền thì với trình độ đào tạo như vậy họ có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn. Ông cho rằng dù giữ biên chế hay chỉ ký hợp đồng với GV thì cũng cần có những cơ chế bảo vệ nhà giáo, kể cả khu vực công hay tư. Không thể chỉ vì áp lực dư luận, vì muốn được lòng phụ huynh và HS mà đẩy nhà giáo vào vòng "nguy hiểm".

Vấn đề giảm áp lực không đáng có cho GV đã nhiều lần được đề cập, nhiều nhiệm kỳ Bộ trưởng GD-ĐT muốn tháo gỡ nhưng chưa thành. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khi mới nhận nhiệm vụ "tư lệnh ngành" cũng hứa Bộ sẽ phải xem xét điều chỉnh rà soát lại nội dung dạy và học, dạy cái thiết thực, thực nghiệp, giảm và tiến tới bỏ hẳn cái hình thức, phù phiếm, vô bổ…

Bộ GD-ĐT đang nỗ lực thuyết minh về sự cần thiết phải xây dựng và ban hành luật Nhà giáo. Điều mà xã hội cần, điều mà nhà giáo mong đợi không phải là những chính sách nhỏ lẻ, mang tính thời điểm, mà cần một văn bản luật đảm bảo tính phổ quát, lâu dài. Nhà giáo khi có một bộ luật của riêng mình thì quyền lợi hay trách nhiệm đều tương xứng với vị thế và đặc thù của nghề nghiệp; không còn chịu những áp lực ngoài chuyên môn do mỗi địa phương, mỗi nhà trường tự đặt ra cho GV như lâu nay.

Theo Tuệ Nguyễn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Du lịch đã trở thành điểm sáng vượt trội trong bức tranh kinh tế TPHCM tháng 4 khi chỉ trong 15 ngày (từ ngày 2-4 đến 4-5) đã phục vụ gần 2,7 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 15.700 tỷ đồng, cao gấp đôi doanh thu dịp Tết Ất Tỵ.

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Việc triển khai tinh gọn bộ máy đang mang lại nhiều hiệu quả to lớn, cụ thể trong khuôn khổ bài viết này là hiệu quả từ đề xuất chuyển quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ) cho người dân về cấp xã của Sở TN-MT TP.HCM.

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...