Đây là một trong những chiến thắng huyền thoại của thế kỷ XX, góp phần quan trọng buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève kết thúc cuộc chiến xâm lược ở Đông Dương trong sự thất bại thảm hại.
Người Pháp quan niệm “Tây Nguyên là nóc nhà của Đông Dương”. Vì vậy, khi xâm lược Việt Nam, Pháp đã tăng cường quân lực, xây dựng nhiều cứ điểm, đồn bốt dọc theo hệ thống các mạch máu giao thông để chiếm giữ Tây Nguyên, nhất là Bắc Tây Nguyên-cửa ngõ nối liền các tỉnh đồng bằng của Liên khu V và là địa bàn chiến lược quan trọng tiếp giáp với chiến trường Campuchia, Lào.
Chiến thắng Đak Pơ là bản anh hùng ca bất diệt, góp phần buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève kết thúc cuộc chiến xâm lược ở Đông Dương (nguồn: QĐNDVN). |
Huyện Đak Pơ ngày nay là một phần đất phía Bắc của huyện Đăk Bớt và một phần đất phía Nam của huyện An Khê cũ. Người dân nơi đây có truyền thống yêu nước, đoàn kết, luôn giữ vững niềm tin sâu sắc đi theo Đảng, Bác Hồ, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, thông minh, sáng tạo diệt ác, phá tề, vây đồn, diệt bốt, tiêu diệt địch để giành lại độc lập, tự do cho quê hương.
Ngày 1-1-1954, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phát động phong trào thi đua lập công giành cờ luân lưu “Quyết chiến, quyết thắng” của Hồ Chủ tịch. Cuộc tiến công Đông-Xuân 1953-1954 trên chiến trường Gia Lai mở màn. Để thu hút địch về An Khê, làm phân tán lực lượng địch ở chiến trường chính tại Kon Tum, đêm 26-1-1954, bộ đội chủ lực Quân khu và bộ đội 2 huyện An Khê, Đăk Bớt đã tấn công diệt 2 cứ điểm Babakơtu (Đăk Bớt) và Katung-Buphê (An Khê). Ngày 7-2-1954, thị xã Kon Tum và các khu vực Bắc tỉnh Gia-Kon được giải phóng.
Để cứu nguy cho An Khê, địch tăng cường quân đến đây với 1 tiểu đoàn dù và Tiểu đoàn 520 từ Nam Bộ ra cùng Binh đoàn cơ động số 100 (GM 100) đến. Đồng thời, địch tăng cường bắt lính là người địa phương để bổ sung quân, vơ vét cướp bóc bằng xâu thuế ở vùng chúng kiểm soát gây phẫn nộ trong dân chúng.
Bước sang tháng 4-1954, bộ đội địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực và du kích trên địa bàn Đăk Bớt và An Khê liên tục tấn công địch trên đường 19, tiêu diệt đoàn xe địch tại cầu Hà Tam và đoàn xe hơn 20 chiếc trên đèo Mang Yang. Quân ta đã cắt đứt mạch máu giao thông của địch trên đường 19, làm cho địch ở An Khê bị cô lập với Pleiku. Địch bối rối, phải tạm dừng chiến dịch Atlante, điều động Binh đoàn cơ động 100 đến An Khê thay thế cho Binh đoàn cơ động dù đã đưa ra miền Bắc trong tháng 3-1954.
Như vậy, địch đẩy mạnh phòng bị cho Tiểu khu An Khê gồm có các cứ điểm ngoại vi và vùng phụ cận phía Đông (Thượng An, Cửu An, Tú Thủy) làm bàn đạp, đầu cầu tiến công xuống vùng tự do ven biển, là bình phong án ngữ cực Đông của đường 19.
Ảnh: Internet |
Giữa lúc đó, chiều ngày 7-5-1954, tin quân ta thắng lợi ở Chiến dịch Điện Biên Phủ làm “chấn động địa cầu”, Tướng De Castries đầu hàng vô điều kiện. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 nhận định: “Binh đoàn 100 của địch sẽ rút bỏ An Khê và giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 96 nắm tình hình để chặn đánh địch. Ngày 23-6-1954, trinh sát ta phát hiện Binh đoàn 42 của địch dãn quân ra các cứ điểm trên đường 19 đoạn Pleiku-Mang Yang. Đến đêm 23-6-1954, địch tổ chức cho Binh đoàn ứng chiến cơ động 100 (GIM 100), Tiểu đoàn khinh quân ngụy 520, Tiểu đoàn pháo 105 mm và Tiểu đoàn ngụy Campuchia rút lui, nhưng bị Trung đoàn 96, Đại đội 54, Đại đội 68 thuộc Tiểu đoàn 109 phối hợp với bộ đội địa phương tại đặc khu Tân An, huyện An Khê và Đăk Bớt chặn đánh và tiêu diệt địch rút chạy.
Vào lúc 8 giờ ngày 24-6-1954, Trung đoàn 96 đã chiếm lĩnh xong trận địa. Đến 10 giờ cùng ngày, đại bộ phận quân địch ở An Khê đã đến Katung. Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu quyết định: “Ta chặn đánh cả đoàn xe. Tiểu đoàn 40 chặn ngay chiếc xe đi đầu, không cho một chiếc xe nào lọt khỏi trận địa. Tiểu đoàn 79 đón địch ở trước mặt và tìm đánh trúng sở chỉ huy, vì đây là Binh đoàn 100 rút chạy. Đánh không hết, ta liên tục tập kích, truy kích. Ngày 24-6 không xong, đánh tiếp ngày 25, 26-6. Trung đoàn nắm chắc đại đội dự bị, chuẩn bị tinh thần và đạn dược để đánh cả Binh đoàn 42 khi xuống đón Binh đoàn 100”. Trong đêm, cán bộ, chiến sĩ đơn vị quân báo của Trung đoàn 120 đã ém quân bám địch dọc trục đường số 19, mặc cho máy bay địch quần đảo nhiều lần, thậm chí chúng hạ thấp sát mép đường và thả bom Napan để đốt cháy cỏ cây hai bên đường, gây thương vong một số chiến sĩ trinh sát của ta.
Đúng 13 giờ ngày 24-6-1954, lực lượng địch gồm đoàn xe hơn 200 chiếc đã lọt vào trận địa phục kích của ta trên đoạn đường từ Katung đến dốc Đak Pơ dài 3 km. Lực lượng địch rút lui gồm có: Binh đoàn cơ động 100, Chi đội thiết giáp, Tiểu đoàn khinh quân ngụy 520, Tiểu đoàn pháo 105 mm và Tiểu đoàn ngụy Campuchia cùng một số đơn vị quân địa phương đã lọt vào trận địa phục kích của quân ta trên đoạn đường từ cầu Đak Pơ, phía Katung đến dốc Đak Pơ đổ xuống cầu nhỏ bắc qua con suối hẹp, rồi lại lên dốc tiếp theo.
Đây là đoạn đường quanh co, gấp theo hình chữ chi dài khoảng 3 km, có nhiều mỏm đá nhô ra, bộ đội dựa vào địa hình mà phục kích sát đường tạo thế đánh “chặn đầu, khóa đuôi”. Cụ thể: Tiểu đoàn 79 phục kích tại đoạn đường phía Đông cầu Đak Pơ dài khoảng 800 m; Tiểu đoàn 40 phục kích đoạn phía Tây cầu Đak Pơ. Đồng thời, bố trí 1 đại đội độc lập của Trung đoàn địa phương 120 đánh địch trên đoạn đường An Khê-Katung với nhiệm vụ phá cầu cống, đánh chặn để kìm chế sức cơ động của địch. Ngoài ra, ta bố trí 1 đại đội cối 81 bắn chi viện cho 2 đơn vị phục kích và lấy 1 đại đội của Tiểu đoàn 40 làm đội dự bị.
Để quan sát địch từ xa, chủ động về kế hoạch tác chiến, quân ta bố trí các đài quan sát ở 2 đầu trận địa. Hệ thống thông tin liên lạc được bố trí chu đáo gồm có vô tuyến điện và điện thoại cho một trận chiến lớn lại Đak Pơ.
Ảnh: Internet |
Trong vòng 7 giờ, quân ta đã xóa tên Binh đoàn cơ động 100 tinh nhuệ được địch điều từ Triều Tiên sang. Trên 700 lính Âu-Phi bỏ mạng và bị thương; gần 1.200 tên khác, trong đó có Đại tá Barroux cùng toàn bộ Ban Tham mưu Binh đoàn 100 bị bắt sống. Quân ta thu được 229 xe cơ giới, 20 khẩu súng đại bác, hơn 1.000 súng các loại, 1 xe tăng 28 tấn, 18 pháo 105 mm và hàng chục tấn đạn.
Trên địa bàn Đak Pơ, người dân hai bên đường 19, đặc khu Tân An, Anh Khê, Đăk Bớt và khoảng 3.000 dân công tham gia tích cực vào các công tác tải thương, tiếp tế lương thực và thu dọn chiến trường. Bộ đội địa phương và du kích phối hợp truy quét, tiêu diệt địch rút chạy vào rừng, kêu gọi binh lính địch ra trình diện.
Theo kế hoạch đã vạch sẵn, Tiểu đoàn 40 của ta bố trí thêm một bộ phận nhỏ chặn đầu kép. Cách trận địa khoảng 200 m, quân ta chặn đầu bằng cách lăn các tảng đá xuống đường làm chướng ngại vật để chặn xe địch; đồng thời, dùng khoảng 4-5 xe công trình thúc lên chặn Tiểu đoàn 520 của địch. Đại đội 3 và 2 trung đội của Đại đội 68 được lệnh nổ súng, xung phong xuống chặn đường. Địch chạy nháo nhào, tan rã, số bị bắt sống, số bị thương vong. Tiểu đoàn 79 được lệnh xuất kích, 2 đại đội 223 và 224 đã đánh trúng ngay tiểu đoàn đi đầu của Binh đoàn 100 gồm có sở chỉ huy và Đại tá Barroux. Địch chống trả khá mạnh nhưng lúng túng, rối loạn, quay đầu dồn cục bị hỏa lực và bộ binh của ta tiêu diệt. Đại tá Barroux đã bị Đại đội 224 bắt được, chỉ huy Binh đoàn 100 trúng đạn bị thương, tên tham mưu trưởng vừa lên thay đã bị quân ta bắn chết.
Sau hơn 1 giờ trận chiến diễn ra quyết liệt, quân ta làm chủ trận địa. Đến 15 giờ 30 phút, toàn bộ quân địch lọt vào trận phục kích tại cầu Đak Pơ đã bị tiêu diệt và chạy tán loạn. Xe tăng, thiết giáp, xe kéo pháo cháy nằm ngổn ngang trên đường. Tuy nhiên, địch nhanh chóng co cụm lại và chuẩn bị phản kích lại Đại đội 223 của ta thành 3 đợt. Đợt phản kích thứ nhất của chúng khá ác liệt vào Đại đội 223 nhưng đã bị Tiểu đoàn 79 của ta đập tan ngay. Vì phản kích diễn ra trong điều kiện địa hình trống trải nên địch không chi viện được, vừa không có chỉ huy, lại bị hỏa lực của ta áp chế.
Đợt phản kích thứ hai vào Đại đội 223 lúc 16 giờ, Đại đội kiên cường đánh trả. Đợt phản kích thứ ba của địch vào lúc 17 giờ với 1 đại đội có thiết giáp và 4 máy bay chi viện, Trung đoàn kịp thời điều 2 trung đội đến phối hợp với Đại đội 223 đánh cho địch tan tác, bị thương vong nhiều buộc chúng phải tháo chạy.
Đến 18 giờ 30 phút, quân dân ta đã làm chủ hoàn toàn trận địa. Ta tiếp tục phối hợp lực lượng 3 thứ quân truy kích địch cho đến ngày 25-6-1954.Thừa thắng, quân ta quét sạch toàn bộ hệ thống cứ điểm trên đường 19 và giải phóng huyện An Khê và khu vực phía Đông thị xã Pleiku.
Đây là một chiến thắng huyền thoại chưa từng có tiền lệ tại tỉnh Gia-Kon. Chiến thắng Đak Pơ năm 1954 đã góp phần quan trọng vào kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương với sự thất bại thảm hại ở Điện Biên Phủ và tại mặt trận ngoại giao, buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève (tháng 7-1954), lập lại hòa bình ở Đông Dương.
--------------------
Bài viết có sử dụng một số tư liệu tham khảo.