Check-in sống ảo - không phải thú vui vô thưởng vô phạt!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hãy thật tỉnh táo để giữ cho việc check-in là thú vui thực sự lành mạnh, không gây nguy hại cho bản thân và cộng đồng.

Những ngày qua, liên tiếp thông tin về một nhóm người tụ tập trên đường quốc lộ rồi trải thảm cùng nhau tập yoga; một nhóm khác dừng xe trên đường nhảy nhót ở TP Đà Lạt; một nhóm bạn trẻ nhảy trên vạch vôi qua đường trong lúc mọi người chờ đèn đỏ… đã khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Nhóm người tụ tập trên đường quốc lộ rồi trải thảm cùng nhau tập yoga

Nhóm người tụ tập trên đường quốc lộ rồi trải thảm cùng nhau tập yoga

Việc lưu lại những hình ảnh, khoảnh khắc đặc biệt hay còn gọi là check in “sống ảo” là quyền và sở thích của mỗi người, nhưng thời gian qua, nhiều hành động check-in sống ảo, nhất là của một số bạn trẻ đã không còn là thú vui vô thưởng vô phạt. Việc tự chụp ảnh, quay clip ngày càng phát triển hơn với sự hỗ trợ của nhiều thiết bị công nghệ số và mạng xã hội. Một bức ảnh, một clip có thể có sức ảnh hưởng hơn cả ngàn lời nói, bởi thế không phải tự nhiên mà đường Phan Đình Phùng (Hà Nội) với hai hàng cây cổ thụ xanh mướt vào mùa hè, nhuộm vàng vào mùa lá rụng… lại thu hút nhiều người thích chụp ảnh “sống ảo” cả 4 mùa xuân, hạ, thu, đông như thế.

Cũng bởi nhu cầu được ghi lại những hình ảnh đẹp mà bao điểm check-in đã được dựng lên ở các cung đường đèo như Pha Đin (Sơn La - Điện Biên), dốc Thẩm Mã (Hà Giang), đèo Ô Quý Hồ (Lai Châu)… để thỏa mãn thú vui của du khách. Mọi việc sẽ không có gì để nói nếu việc “sống ảo” không làm ảnh hưởng tới người xung quanh, không vượt quá giới hạn của sự an toàn, không gây an nguy đến tính mạng chính mình và những người khác. Mọi người hẳn không quên những vụ tai nạn từ việc chụp ảnh “sống ảo” như vụ một bạn trẻ trượt chân trọng thương khi cố check-in trên “mỏm đá tử thần” ở Hà Giang hay vụ một cô gái trẻ leo khỏi lan can bảo vệ để chụp ảnh nhưng không may rơi xuống vực tại TP Nha Trang…

Thực tế, đã có nhiều lý giải về tình trạng bất chấp cả tính mạng để có được những tấm ảnh độc, lạ, nhất là với nhiều người trẻ. Đó là nhu cầu được chú ý, được quan tâm, sợ mình không bằng được những bạn bè đồng trang lứa… và nhất là nhu cầu nổi tiếng mà không cần biết sự nổi tiếng đó là tích cực hay tiêu cực. Ngoài những vụ tai nạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thì trước mắt các trường hợp checkin “sống ảo” gây nguy hiểm đều bị xử phạt và có thêm nhiều hình thức giáo dục, răn đe... có thể coi là hồi chuông cảnh tỉnh những người “cuồng” sống ảo mà bất chấp tất cả.

Một bức ảnh đẹp sẽ có sự tác động tích cực tới cuộc sống, nhưng nếu đằng sau bức ảnh đẹp là một hành vi thiếu thượng tôn pháp luật, thiếu ý thức cộng đồng hay hành vi phản cảm, thiếu văn hóa thì cần phải ngăn chặn, thậm chí loại bỏ. Hãy thật tỉnh táo để giữ cho việc check-in là thú vui thực sự lành mạnh, không gây nguy hại cho bản thân và cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm

Ngẫm về những 'video rác' từ AI

Ngẫm về những 'video rác' từ AI

Bộ phim Lời nguyền dưới ánh trăng của đạo diễn Phạm Vĩnh Khương đang thu hút sự chú ý đặc biệt, không hẳn vì đây là tác phẩm khoa học viễn tưởng đầu tiên tại VN được tạo hoàn toàn từ AI mà còn bởi kinh phí khiêm tốn: chỉ hơn một chỉ vàng và thực hiện vỏn vẹn trong 72 giờ.

Vì một nền thương mại sạch

Vì một nền thương mại sạch

Lực lượng chức năng triệt phá các đường dây buôn lậu, kinh doanh hàng gian hàng giả với quy mô lớn; hàng loạt vụ vứt bỏ hàng hóa nghi hàng gian, hàng giả; nhiều người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội sa lưới luật pháp vì trốn thuế, kinh doanh hàng kém chất lượng…

Dân đồng tình ủng hộ, sao cán bộ lại tâm tư?

Dân đồng tình ủng hộ, sao cán bộ lại tâm tư?

(GLO)-Đó là câu hỏi mà Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra tại buổi làm việc với Đảng ủy MTTQ Việt Nam và các đoàn thể Trung ương vào sáng 23-6 khi có một bộ phận cán bộ băn khoăn, day dứt vì thực hiện sắp xếp các tổ chức Mặt trận, đoàn thể nói riêng và sắp xếp, sáp nhập bộ máy hệ thống chính trị nói chung.

null