Review-Nghề "hot" của giới trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Review là nghề rất mới mẻ và nhận được sự quan tâm từ giới trẻ. Tại Gia Lai, một số reviewer vừa “khởi nghiệp” đã có thu nhập khá ổn định từ việc đánh giá sản phẩm thông qua các bài viết, hình ảnh, video đăng tải trên mạng xã hội, qua đó giới thiệu đến công chúng các dịch vụ, điểm đến mới hấp dẫn.  
Nghề review có nhiều mảng gồm: review dịch vụ, điểm đến, thức ăn, phim, sách, mỹ phẩm… tạo sức hút và sự quan tâm đối với công chúng. Các reviewer tại Gia Lai chủ yếu phát triển mảng review điểm đến và dịch vụ.
Nghề “hot” của giới trẻ
Nói đến nghề review tại Gia Lai, hầu như giới trẻ đều nhắc đến cái tên Phạm Công Quý. Anh là một tay máy chuyên “lùng sục” những điểm đến mới trên địa bàn tỉnh, đồng thời biết tận dụng lợi thế của nghề để có những góc chụp độc đáo.
Sau khi anh chia sẻ trên Facebook cá nhân và fanpage Thắng cảnh Gia Lai (có 24 ngàn người theo dõi, do anh làm quản trị viên), nhiều bạn trẻ tại địa phương cũng như du khách các nơi đã liên hệ để tìm tới những điểm đến đẹp, chớp lấy những tấm ảnh “sống ảo” miễn chê. Chỉ với 1 cái cây cô đơn, đồng cỏ đầy hoa dại, hàng rào gỗ đơn sơ hay con đường đất đỏ tít tắp… nhưng qua góc máy của anh, khách như lạc vào một chốn đẹp như tranh, đầy thư giãn và mộng mơ.
Cánh đồng hoa hướng dương tại Công viên Đồng Xanh (xã An Phú, TP. Pleiku) qua góc máy của reviewer Phạm Công Quý (ảnh nhân vật cung cấp).
Cánh đồng hoa hướng dương tại Công viên Đồng Xanh (xã An Phú, TP. Pleiku) qua góc máy của reviewer Phạm Công Quý (ảnh nhân vật cung cấp).
Quý cho hay, anh đến với nghề review từ 2 năm trước. Không chỉ giới thiệu, điểm đến và dẫn tour, chụp ảnh cho khách, anh còn được mời trải nghiệm và giới thiệu các dịch vụ như cà phê, nhà hàng… Giá cả do reviewer và chủ cơ sở tự thỏa thuận.
Qua bài viết, hình ảnh review của anh, khách biết đến rất nhanh các quán cà phê, homestay, nhà hàng mới với cảnh quan bắt mắt tại TP. Pleiku như: Ông Ngoại (xã Tiên Sơn), Nhà của Nếp (293/66 Trần Phú), Dream Garden (13 Nguyễn Tất Thành), Sora Homestay (đường Phù Đổng), quán BBQ Phố nướng (đường Hoàng Văn Thụ), Hoàng Nhi motel (168 Tô Vĩnh Diện)… Những điểm đến khác như quán cà phê 81 (thị trấn Chư Sê) hay đầm sen xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện) cũng lên hình lung linh. 
Trò chuyện về những phẩm chất cần có của một reviewer, anh Quý cho hay, nghề này đòi hỏi phải có con mắt nghệ thuật để nhìn ra, bố trí và chụp được ảnh đẹp theo yêu cầu của chủ cơ sở kinh doanh, từ đó thu hút khách đến check-in. “Phải là người trung thực nhưng khéo léo, tức là mình phải đánh giá dịch vụ một cách công tâm, có phê bình cũng nhẹ nhàng điểm chưa được của dịch vụ, có như vậy khách hàng mới tin tưởng và theo dõi mình thường xuyên”-anh Quý chia sẻ. 
Theo reviewer này, thuận lợi của anh khi bước chân vào nghề là Gia Lai có nhiều điểm dịch vụ dành cho giới trẻ mở ra, nhu cầu cần được review khá lớn. Với sự công tâm khi đánh giá dịch vụ, Quý được mọi người tin tưởng cao về sản phẩm review. Cần nói thêm là anh có 1 người mẫu xinh xắn cũng chính là bạn đời, luôn sát cánh để cùng tạo nên những bức ảnh đẹp. Về những khó khăn, anh Quý cho rằng, giá dịch vụ vẫn còn thấp; reviewer thường phải chịu khó thức khuya, dậy sớm để chụp được những bức ảnh ưng ý… 
Anh Quý kể, kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần review đầm sen ở xã Ia Yeng. “Hồi đó, tôi mới làm nghề nên còn làm phi lợi nhuận, thấy chỗ nào đẹp là tìm đến. Đây là điểm đến mới, hiếm người biết, đường đi vòng vèo rất khó tìm. Mất gần 1 ngày rong ruổi dưới cái nắng chói chang, tôi mới tìm đến nơi. Cảnh đầm sen trong buổi hoàng hôn quá đẹp, khiến tôi vô cùng hưng phấn. Hôm đó, tôi đã chụp được những tấm hình thật đẹp, giới thiệu thêm 1 điểm dã ngoại tuyệt vời cho mọi người”-anh Quý hào hứng. 
Đầu tư để chuyên nghiệp hóa
Chỉ cần gõ từ khóa “Review Gia Lai” trên công cụ tìm kiếm Google, ta sẽ nhận được khá nhiều kết quả, chứng tỏ đây là nghề “có đất sống” tuy mới manh nha. Đây chủ yếu là các fanpage giới thiệu những điểm du lịch đang tạo sức hút.
Trang có lượt theo dõi đông đảo nhất là Review Pleiku Gia Lai với 11,5 ngàn thành viên. Lời giới thiệu trên trang này khá hấp dẫn, trẻ trung: “Để có một chuyến đi Tây Nguyên nói chung, Pleiku nói riêng hoàn mỹ, đừng ngại, hãy hỏi thổ địa Tây Nguyên bọn tớ”. Các điểm đến mới tại Gia Lai cũng như khu vực đều được trang này cập nhật nhanh chóng, kịp thời. 
Một góc quán cà phê Huế Xưa (780-782 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) qua góc máy của reviewer Phạm Công Quý (ảnh nhân vật cung cấp).
Một góc quán cà phê Huế Xưa (780-782 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) qua góc máy của reviewer Phạm Công Quý (ảnh nhân vật cung cấp).
Anh Đặng Đình Trọng-quản trị viên của Review Pleiku Gia Lai-kể về “cơ duyên” với nghề: Trước kia, anh có chiếc xe 7 chỗ chạy hợp đồng nhưng ít khách. Ham thích các điểm đến mới, lại có khiếu chụp ảnh nên năm 2019, anh lập ra trang này nhằm giới thiệu, sau đó tiến tới cung cấp luôn dịch vụ trọn gói: đưa đón, sắp xếp nơi lưu trú, dẫn tour, chụp ảnh cho khách. Trọng vui vẻ tiết lộ thu nhập của anh khá tốt từ khi theo đuổi công việc của một reviewer. 
Từng trải nghiệm dịch vụ du lịch trọn gói nói trên, chị Nguyễn Thị Thu Hà-công tác tại Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng cảng-đường thủy (Hà Nội) hài lòng cho hay: Chị biết đến anh Trọng thông qua trang Review Pleiku Gia Lai và kết nối để nhờ tổ chức tour cho cả đoàn gồm 9 người vào tháng 10-2020.
“Phải nói là Trọng review rất có tâm, sát với thực tế. Review như thế nào thì khi đến tôi thấy khung cảnh đúng là như thế, thậm chí còn đẹp hơn. Và trải nghiệm điểm đến nào cũng khiến chúng tôi hài lòng, đặc biệt là Biển Hồ, hàng thông trăm tuổi, chùa Minh Thành, núi lửa Chư Đang Ya. Chắc chắn tôi sẽ còn trở lại”-chị Hà nói. 
Trao đổi về việc chuyên nghiệp hóa hơn nữa nghề review, anh Phạm Long Trọng-quản trị viên một trang fanpage khác cũng giới thiệu các điểm đến với cái tên Review Gia Lai 4.0-nêu quan điểm: Reviewer phải thật sự am hiểu về địa phương, có kỹ năng viết lách, kỹ thuật truyền thông tốt, đồng thời review trung thực thì mới tạo được uy tín, giá trị.
“Ngoài ra, cần phải đầu tư nhiều về hình ảnh, video và những câu chuyện. Thiếu câu chuyện hoàn chỉnh về những chuyến du lịch thì sẽ khó có bài review hay”-anh Phạm Long Trọng nói.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.
Khấm khá nhờ... rắn độc

Khấm khá nhờ... rắn độc

Nghe tin anh Phan Thanh Bình - ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - quyết định nuôi và kinh doanh rắn hổ mang, nhiều người quen biết đã can ngăn vì lo ngại loài này có nọc độc nguy hiểm nhưng anh vẫn thản nhiên.
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.