Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 

Đáng chú ý, thành quả ấy được cả hai tạo dựng từ đôi bàn tay trắng.

Cơ duyên đặc biệt

Heo Đen Official - tên kênh YouTube của Nhân và Hảo gây ấn tượng mạnh và cả sự tò mò với khán giả ngay từ lần đầu tiên xem. Ý tưởng của kênh được cả hai lấy từ hình ảnh những chú heo đen của đồng bào Jrai ở Gia Lai - nơi ở hiện tại của họ. Thế nhưng, theo chia sẻ của cả hai: “Nội dung, các mảng miếng hài trong từng sản phẩm hoạt hình, tụi em đều khai thác từ các tình huống đời thường ở vùng Tây Nam bộ, quê gốc của Nhân”.

Có lẽ vì sự kết hợp đặc biệt đó, các nhân vật hoạt hình trong phim từ tính cách cho đến lời thoại rất tự do, thú vị. Sau này, các nhân vật trong phim còn nói tiếng miền Trung, miền Bắc để làm phong phú hơn và tạo nên sự đặc biệt mà ít kênh khác làm được. Như trong tập phim mới nhất, Khu phố bất ổn tập 14, ngay phần mở đầu trong cuộc đối thoại giữa heo đen và 3 người bạn, mỗi người đều nói giọng địa phương một miền Bắc - Trung - Nam.

Hai bạn trẻ Trọng Nhân và Hoàng Hảo. Ảnh: NVCC

Hai bạn trẻ Trọng Nhân và Hoàng Hảo. Ảnh: NVCC

Cơ duyên để Hảo và Nhân thành lập kênh phim hoạt hình riêng cũng khá tình cờ. Hoàng Hảo bị mắc căn bệnh chấn thương tủy sống, phải sử dụng xe lăn. Thông qua Maison Chance, tổ chức xây dựng Nhà may mắn, nơi chuyên hỗ trợ những người khuyết tật, Hảo đã giành học bổng của Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin TPHCM, theo học môn thiết kế đồ họa mà cô yêu thích. Cũng tại đây, cô đã gặp Trọng Nhân, người đang học môn kỹ thuật quay phim và dựng phim. Cả hai đã cùng phối hợp rất ăn ý trong công việc.

Một ngày nọ, Hảo nhận được một dự án từ kênh YouTube chuyên về hoạt hình ca nhạc thiếu nhi. Cả hai nảy ra ý tưởng làm kênh hoạt hình dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Vì chỉ có 2 thành viên nên họ chia nhau công việc. Hoàng Hảo phụ trách về mặt bối cảnh, kịch bản, còn Trọng Nhân đảm nhận biên soạn lại tình huống, lời thoại, tạo chuyển động và dựng phim. Từ vốn sẵn có, Trọng Nhân và Hoàng Hảo từng chút một hiện thực hóa ý tưởng và gắn bó đến hiện tại.

Và từ đó đến nay, đều đặn hàng tháng, họ cho ra mắt các tập phim mới trong series Khu phố bất ổn. Song song đó, họ cũng làm thêm cả các phim hoạt hình ngắn khác. Tất cả đều là sản phẩm tự sản xuất và không mất chi phí đầu tư.

Từng có ý định bỏ cuộc

Kênh Heo đen được thành lập từ tháng 6-2021 nhưng đến hết năm 2022 hoàn toàn không có doanh thu vì cả hai không biết cách quản lý tài chính. “Đó là khó khăn lớn nhất đối với tụi em. Thời gian đó, buổi sáng, trưa tụi em phải làm các công việc tự do để có chi phí trang trải cuộc sống. Đến chiều, tối lại trở về với đam mê làm kênh hoạt hình của riêng mình. Thậm chí, sau 1 năm đầu, tụi em có ý định từ bỏ, do không có doanh thu nên khá nản”, cả hai kể lại.

Phải đến tháng 3-2023 kênh mới chính thức có doanh thu đầu tiên, với số tiền 1,3 triệu đồng nhận được từ YouTube. “May mắn hiện tại thu nhập đã tăng lên nhiều lần. Có một nguồn thu từ chính đam mê cũng là một niềm vui và sự tự hào riêng của bọn em”, cả hai không giấu được niềm hạnh phúc. Nhưng điều quan trọng hơn cả khiến cả hai tiếp tục niềm đam mê làm hoạt hình, đó là những khán giả theo dõi kênh liên tục nhắn tin hỏi về những tập phim tiếp theo.

Không chỉ khó khăn về vấn đề chi phí, Hảo và Nhân còn cho biết, do thời gian đầu khi mới lập kênh, họ chưa định hình được nội dung nên sản phẩm chỉ làm theo các trend (xu hướng) trên TikTok. Phải mãi cho đến khi cả hai bắt tay vào thực hiện tập đầu tiên của series Khu phố bất ổn, nội dung mới có tính thống nhất cao.

Cả hai cũng thừa nhận, những tập phim đầu tiên, phần đồ họa, âm thanh và lồng tiếng đều rất tệ. Đó là lý do ngoài những lời động viên, ủng hộ, cả hai cũng nhận không ít những bình luận tiêu cực. Tuy nhiên, là người làm sáng tạo nội dung, cả hai đón nhận, cởi mở để tiếp thu những góp ý và tập trung cho việc sản xuất những thước phim chất lượng hơn. Cho đến hiện tại, phần hình ảnh và âm thanh đã có chất lượng tốt hơn rất nhiều.

Khi được hỏi về kế hoạch trong thời gian tới, cả hai cho biết, đang tập trung cho Khu phố bất ổn và có ý định đưa trò chơi dân gian Việt Nam vào các tập phim sau này. “Tương lai, tụi em cũng có kế hoạch tăng cường thêm nhân sự để nâng cấp chất lượng của phim, mang tới những trải nghiệm giải trí thú vị hơn cho những người xem vẫn luôn quan tâm và ủng hộ”.

Có thể bạn quan tâm

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Từ những chiếc bánh ép Huế bình dân, Ngô Văn Quốc (22 tuổi, quê P.Thuận An, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã cho ra đời sản phẩm đóng gói đẹp mắt, mang thương hiệu của Huế, bày bán tại các trung tâm thương mại, cửa hàng sân bay... khắp cả nước.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

(GLO)- Chiều 10-10, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) thi thuyết trình chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

(GLO)- Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, hướng dẫn cách livestream bán hàng… là chuỗi hoạt động do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức cuối tuần qua tại TP. Pleiku.