Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.

Lưu giữ ký ức

Tranh thủ dịp cuối tuần, cô và trò lớp Lá 4, Trường Mầm non Họa Mi (phường Ia Kring, TP. Pleiku) cùng nhau chụp ảnh kỷ yếu trong tâm thế tươi vui, phấn khởi. Bộ ảnh được thực hiện tại khuôn viên sân trường, lớp học và Quảng trường Đại Đoàn Kết với trang phục cử nhân, âu phục nam-áo dài trắng và đồ thun sắc màu. Cô Puih H'Thu-Giáo viên chủ nhiệm lớp Lá 4-cho hay: “Đây là dịp để trẻ lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ ở bậc mầm non. Mặc dù tiết trời khá nắng nóng nhưng các bé đều vui vẻ hợp tác, tạo ra được những bức hình rất đẹp và đáng yêu”.

Anh Bùi Đoàn Phương (người đội mũ tai bèo)-Chủ Ảnh viện PK Shop-thực hiện bộ ảnh kỷ yếu cho các bé mẫu giáo. Ảnh: M.T

Anh Bùi Đoàn Phương (người đội mũ tai bèo)-Chủ Ảnh viện PK Shop-thực hiện bộ ảnh kỷ yếu cho các bé mẫu giáo. Ảnh: M.T

Vừa hỗ trợ cô giáo thay trang phục cho con gái, chị Phạm Thị Thu Phương (tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) bày tỏ: “Tôi thấy hoạt động này rất ý nghĩa bởi không chỉ lưu giữ ký ức đẹp mà còn giúp các con chuẩn bị tâm thế để bước vào lớp 1. Khi biết tin sẽ được chụp ảnh cùng cô giáo và các bạn trong lớp, con rất hào hứng và đếm đợi từng ngày”.

Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương, TP. Pleiku) cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chụp ảnh kỷ yếu cho trẻ. Khởi động cách đây 6 năm chỉ với vài lớp, đến nay, tất cả lớp 5 tuổi của trường đều chọn chụp ảnh kỷ yếu ở năm học cuối cấp. “Những năm học đầu đời ở trường mầm non là khoảnh khắc đáng nhớ, song sau này, đa phần các bé đều quên đi ít nhiều. Vì thế, kỷ yếu sẽ lưu giữ ký ức về mái trường, cô giáo, bạn bè thuở nhỏ. Với ý nghĩa đó, nhà trường luôn ủng hộ và tạo điều kiện để giáo viên chủ nhiệm khối Lá phối hợp cùng phụ huynh thực hiện bộ ảnh kỷ yếu cho lớp mình; đồng thời cũng quán triệt các cô tuyệt đối đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho trẻ trong quá trình chụp ảnh”-Hiệu trưởng Trần Thị Thủy cho biết.

Concept cổ phục Việt Nam tại chùa Minh Thành (TP. Pleiku) được nhiều học sinh lớp 12 lựa chọn trong bộ ảnh kỷ yếu. Ảnh Studio Kỷ yếu Gia Lai-Kon Tum

Concept cổ phục Việt Nam tại chùa Minh Thành (TP. Pleiku) được nhiều học sinh lớp 12 lựa chọn trong bộ ảnh kỷ yếu. Ảnh Studio Kỷ yếu Gia Lai-Kon Tum

Tương tự, chụp ảnh kỷ yếu cũng là hình thức được đông đảo học sinh lớp 12 lựa chọn để khép lại những năm tháng học trò đầy ắp kỷ niệm dưới mái trường phổ thông. Em Trương Thị Hoài Thương-học sinh lớp 12C2, Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Chư Prông) chia sẻ: “Năm học cuối cấp có quá nhiều cảm xúc và chúng em muốn cùng nhau lưu giữ lại trong 1 bộ ảnh kỷ yếu tập thể. Cả lớp đã đặt gói dịch vụ của 1 studio ở TP. Pleiku với giá 500 ngàn đồng/người, bao gồm chụp ảnh, trang phục, đạo cụ, tiệc buffet đêm và xe di chuyển. Chúng em cũng quyết định hoàn thành bộ ảnh trong tháng 4 để dành thời gian sau đó cho việc ôn tập, chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp”.

Nghề thời vụ

Năm học sắp kết thúc chính là lúc dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”. Đây cũng là thời điểm “ăn nên làm ra” của các studio và thợ chụp ảnh. Hoạt động từ năm 2014, đến nay, Studio Kỷ yếu Gia Lai-Kon Tum (số 480 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) đã trở thành địa chỉ tin cậy của đông đảo học sinh lớp 12 trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. 10 năm trước, khi rời TP. Hồ Chí Minh trở về Pleiku khởi nghiệp với nghề nhiếp ảnh, anh Phạm Văn Hiệp đã đưa trào lưu chụp ảnh kỷ yếu từ Sài thành theo cùng rồi lặn lội xuống từng trường THPT để quảng bá, giới thiệu. Những khách hàng đầu tiên đến với anh là học sinh các lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê); sau đó dần mở rộng ra toàn tỉnh và Kon Tum.

“Trung bình mỗi năm học, Studio chụp kỷ yếu cho khoảng 60 lớp 12 ở các trường THPT; đỉnh điểm năm ngoái là 85 lớp. Riêng năm nay, với tình hình đặt dịch vụ như hiện tại, dự kiến cũng sẽ đạt được số lượng hơn 60 lớp. Bên cạnh 15 thợ chụp ảnh cố định của tiệm, tôi còn hợp đồng thời vụ thêm 15 người nữa để phân bổ đủ 2 thợ/lớp/ngày, đảm bảo tiến độ và chất lượng”-anh Hiệp thông tin.

Vào mùa cao điểm chụp kỷ yếu, các nhiếp ảnh gia phải vừa chụp ảnh vừa tranh thủ chỉnh sửa hậu kỳ trong ngày để kịp giao cho các lớp. Ảnh: Mộc Trà

Vào mùa cao điểm chụp kỷ yếu, các nhiếp ảnh gia phải vừa chụp ảnh vừa tranh thủ chỉnh sửa hậu kỳ trong ngày để kịp giao cho các lớp. Ảnh: Mộc Trà

Được biết, dịch vụ của Studio Kỷ yếu Gia Lai-Kon Tum có nhiều gói khác nhau, dao động trong khoảng 300-600 ngàn đồng/người/ngày tùy theo concept, trang phục. Mỗi gói bao gồm chụp ảnh 5 concept (tập thể, nhóm, cá nhân), trang phục, phụ kiện, tiệc buffet đêm và xe di chuyển. Ngoài ra, Studio còn có thêm dịch vụ quay phim phóng sự theo kịch bản của lớp hoặc do tiệm tự xây dựng với giá 3,5-4 triệu đồng/lớp.

Xuất phát điểm từ việc chụp ảnh em bé và gia đình nên anh Bùi Đoàn Phương-Chủ Ảnh viện PK Shop (23 Nguyễn Tri Phương, TP. Pleiku) không gặp quá nhiều khó khăn khi “lấn sân” sang dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu cho các trường mầm non. Với khả năng thấu hiểu tâm lý cùng tài lấy lòng trẻ con, anh Phương đã tạo ra nhiều bộ ảnh kỷ yếu sinh động, bắt trọn những khoảnh khắc hồn nhiên, đáng yêu của các “thiên thần nhí”. “Tiếng lành đồn xa”, khách hàng tìm đến chụp ảnh kỷ yếu ngày một đông. Từ 2 lớp/trường ban đầu, dần dần, số lượng đặt hàng đã tăng lên ổn định 15-17 lớp/10 trường mỗi mùa chụp kỷ yếu.

Cùng với việc đổi mới chủ đề và ý tưởng, anh Phương còn thường xuyên đầu tư nâng cấp máy ảnh, flycam cũng như trang phục, đạo cụ… để các bé có được những bộ ảnh kỷ yếu chất lượng, hợp xu thế. Hiện tại, Ảnh viện PK Shop đang có 100 bộ trang phục các loại, từ đồ cử nhân, đồ thun sắc màu đến áo bà ba, áo dài, sơ mi trắng… Giá dịch vụ dao động trong khoảng 150-200 ngàn đồng/bé/3 bộ trang phục kèm phụ kiện. Riêng ảnh chân dung cá nhân từng bé có giá 300-800 ngàn đồng tùy kích thước khung và chất liệu.

“Chụp ảnh kỷ yếu cho trẻ không dễ vì các bé rất hiếu động, thiếu tập trung. Hơn nữa, thời gian hợp tác vui vẻ đối với trẻ là không nhiều. Vì vậy, ngoài nắm bắt tâm lý trẻ, người chụp cần phải kiên nhẫn, tranh thủ tối đa thời gian để bắt được khoảnh khắc; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với giáo viên để việc thay trang phục, chuyển đổi giữa các concept chụp một cách nhanh nhất”-anh Phương chia sẻ kinh nghiệm.

Cũng theo anh Phương, những năm gần đây, các lớp mầm non và phụ huynh có xu hướng chụp ảnh kỷ yếu ngoài không gian trường học. Một số địa điểm ở TP. Pleiku được lựa chọn nhiều như: Quảng trường Đại Đoàn Kết, Khu du lịch sinh thái Xuân Thủy, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai mùa hoa phượng nở… Thời gian chụp ảnh cũng sớm hơn để tránh thời tiết chuyển mưa và mùa bận rộn cuối năm học. “Năm nay, Ảnh viện PK Shop đã khởi động chụp kỷ yếu từ cuối tháng 3 và lịch trình cũng đã phủ kín cho đến ngày 25-4 với khoảng 18 lớp”-anh Phương phấn khởi nói.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.