Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.

Sau nhiều nỗ lực, cơ sở đặc sản ẩm thực H’Juh đã trở thành địa chỉ quen thuộc với người dân Gia Lai và du khách gần xa.

Năm 2010, chị H’Juh bắt tay vào chế biến những món ngon của người Jrai đã được bà ngoại chỉ dạy để đưa ra thị trường. Được sự động viên từ gia đình, chị tìm cách chế biến những miếng thịt bò khô, những xiên thịt heo gác bếp hay muối cỏ thơm thật ngon.

Chị bộc bạch: “Sau khi được mọi người khích lệ, tôi bắt đầu mày mò để chế biến sản phẩm có nét đặc trưng riêng với hình ảnh bắt mắt, hương vị tự nhiên, giản dị và gần gũi như bản chất vốn có của người Jrai”.

Chị Nay H'Juh khéo léo chế biến các món ăn đặc sản của người Jrai. Ảnh: M.K

Chị Nay H'Juh khéo léo chế biến các món ăn đặc sản của người Jrai. Ảnh: M.K

Chị H’Juh cho rằng, thịt bò khô là món ăn truyền thống của người Jrai. Tuy nhiên, loại thịt này khi phơi phải khéo léo và có kỹ thuật riêng để giữ hương vị. Khi chế biến phải đảm bảo được độ héo của thịt, bên ngoài có màu vàng sẫm, có độ khô bóng, bên trong vẫn giữ được độ tươi, đảm bảo được hương vị và bảo quản được lâu ngày trong tủ lạnh mà không làm mất chất dinh dưỡng.

Còn đối với heo gác bếp, chị phải tự mình vào làng chọn những con heo chất lượng. Sau khi ướp gia vị 3-4 tiếng đồng hồ, thịt được xiên vào những que nứa vót nhọn rồi gác thật xa bếp than hồng. Khoảng 1-2 ngày sẽ trở xoay vòng cho thịt khô, chín đều, sau 5-7 ngày thì ăn được. Nhìn bên ngoài có vẻ cứng, nhưng khi ăn, thịt heo gác bếp vẫn giữ được độ mềm, thơm, ngọt.

“Tôi tự tay làm thủ công và đặc biệt phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Khách khi mua thịt bò khô, heo gác bếp được tặng kèm muối kiến, muối cỏ thơm do tự tay tôi làm. Để đa dạng mặt hàng, tôi còn ủ thêm rượu ghè”-chị H’Juh cho biết.

Những đơn hàng đầu tiên của chị được dân làng ủng hộ. Khi được mọi người ngợi khen, chị H’Juh như được tiếp thêm động lực để ngày đêm nỗ lực làm ra những hương vị món ăn đặc biệt nhất. Tiếng lành đồn xa, nhiều người tới tận nhà chị đặt mua với số lượng lớn để làm quà tặng người thân, bạn bè. Ngay lúc đó, chị H’Juh nảy ra ý tưởng làm bao bì và đóng gói để sản phẩm bảo quản được lâu, đồng thời quảng bá cho hình ảnh của cơ sở.

Với tên gọi “Đặc sản ẩm thực H’Juh”, sản phẩm thịt bò, heo của chị đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người. Để giới thiệu sản phẩm của mình một cách rộng rãi, chị H’Juh đã đăng ký tham gia giới thiệu, bày bán tại các ngày hội văn hóa, ẩm thực, du lịch.

Đến năm 2018, đặc sản ẩm thực H’Juh đã có lượng khách hàng ổn định ở nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Cà Mau, Phú Quốc, Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh… Sau khi trừ chi phí, chị H’Juh thu về hơn 200 triệu đồng/năm. Năm 2020, chị mở thêm cơ sở 2 tại huyện Phú Thiện và tạo việc làm ổn định cho 5 thanh niên là người dân tộc thiểu số tại chỗ.

Chị Nguyễn Kim Anh (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi lần vào Gia Lai, tôi đều ghé cơ sở ẩm thực H’Juh để mua bò khô, heo gác bếp và rượu cần về làm quà cho người thân và bạn bè.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, ngoài chú trọng về chất lượng, chị H’Juh cũng rất quan tâm hoàn thiện mẫu mã, từ ghè đựng rượu, bao bì, nhãn mác cho đến cần vít rượu đều gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, mang đậm nét văn hóa Tây Nguyên. Trên sản phẩm còn có các chứng nhận kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm nên tôi rất an tâm sử dụng”.

Chị H'Juh (bìa trái) cùng các chị em trong làng đưa sản phẩm đặc sản ẩm thực H'Juh tham gia các sự kiện văn hóa, du lịch. Ảnh: Mai Ka

Chị H'Juh (bìa trái) cùng các chị em trong làng đưa sản phẩm đặc sản ẩm thực H'Juh tham gia các sự kiện văn hóa, du lịch. Ảnh: Mai Ka

Ngoài bán hàng theo phương thức truyền thống, chị H’Juh còn đưa sản phẩm lên các trang mạng xã hội. “Tôi biết đến ẩm thực Jrai của chị H’Juh thông qua Facebook. Tôi đặc biệt ấn tượng với cách chế biến thủ công tỉ mỉ và chuyên nghiệp. Chính vì độ tươi ngon đặc trưng nên tôi chọn đặc sản ẩm thực H’Juh để về bày bán trong đại lý của mình”-anh Hồ Duy Hòa (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết.

Hiện nay, chị H’Juh đang nỗ lực xây dựng đặc sản ẩm thực H’Juh trở thành sản phẩm OCOP. “Mục tiêu của tôi là đưa sản phẩm của dân tộc Jrai ngày càng vươn xa. Đồng thời, mở rộng quy mô và nâng tầm sản phẩm”-chị H’Juh bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.