Chị em gái người Jrai khởi nghiệp thành công từ sữa chua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, 2 chị em gái Siu Thị Ngọc Thảo và Siu Thị Thu Vân (buôn Plei Amil, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã sản xuất thành công sản phẩm sữa chua truyền thống và sữa chua nếp cẩm mang thương hiệu Cô út Siu Thị.

Đây là 2 trong 15 sản phẩm của Phú Thiện đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2023.

Chị Siu Thị Ngọc Thảo chia sẻ: Hàng ngày được hít hà mùi hương lúa chín, chị luôn ấp ủ dự định làm ra sản phẩm liên quan đến hạt gạo, tốt cho sức khỏe con người. Sau nhiều lần tìm tòi, thử nghiệm, tháng 11-2022, chị Thảo cùng chị Vân cho ra mắt sản phẩm sữa chua truyền thống và sữa chua nếp cẩm mang thương hiệu Cô út Siu Thị. Với hương vị đặc trưng không thể trộn lẫn, sản phẩm nhanh chóng chinh phục được khách hàng.

Theo chị Thảo, với nguồn nước dồi dào từ công trình thủy lợi Ayun Hạ, huyện Phú Thiện nổi tiếng với những cánh đồng lúa rộng lớn, thẳng cánh cò bay. Cây lúa nếp cẩm ở đây đạt năng suất và chất lượng cao hơn các nơi khác. Vì vậy, không khó để chị chọn những hạt nếp mẩy, bóng, không lẫn tạp, không bị sâu mọt làm nguyên liệu sản xuất sữa chua nếp cẩm.

Nếp sau khi vo sạch ủ với nước ấm khoảng 8 giờ trước khi đem nấu thêm 5 giờ nữa. Nếu như nguồn nguyên liệu tốt là yếu tố quyết định hương thơm tự nhiên, vị ngọt thì công đoạn nấu quyết định sữa chua có độ mềm, dẻo và không bị lại gạo trong thời gian bảo quản.

Chị Siu Thị Ngọc Thảo (bìa phải) và chị Siu Thị Thu Vân dành nhiều tâm huyết cho sản phẩm sữa chua. Ảnh: V.C

Chị Siu Thị Ngọc Thảo (bìa phải) và chị Siu Thị Thu Vân dành nhiều tâm huyết cho sản phẩm sữa chua. Ảnh: V.C

Để thành công với ý tưởng của mình, chị Thảo cùng với chị gái đã phải thử nghiệm nhiều lần. Không ai hướng dẫn, tự mình tìm tòi cách thức trên Google rồi thực hành, rút kinh nghiệm. Khi thấy ưng ý, chị Thảo mang lên cơ quan nhờ đồng nghiệp thưởng thức, đánh giá và góp ý.

“Vì tất cả công đoạn được làm thủ công nên sản phẩm sữa chua truyền thống và sữa chua nếp cẩm đều mang hương vị khác hẳn với các sản phẩm công nghiệp. Sản phẩm không sử dụng chất bảo quản, làm hoàn toàn bằng sữa và nếp, được lên men tự nhiên nên tốt cho sức khỏe người dùng.

Vì vậy, sau khi “trình làng”, sản phẩm sữa chua truyền thống và sữa chua nếp cẩm Cô út Siu Thị được khách hàng đánh giá cao bởi vị ngọt dịu, mềm, dẻo, có hương thơm tự nhiên”-chị Thảo phấn khởi nói.

Năm 2023, các chị quyết định đăng ký tham gia Chương trình OCOP bằng 2 sản phẩm này với mong muốn mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Chị Vân trải lòng: “Thảo phụ trách khâu quảng bá sản phẩm, còn tôi phụ trách khâu sản xuất. Sau khi đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, chúng tôi tích cực tham gia các phiên chợ, hội chợ xúc tiến thương mại do tỉnh, huyện tổ chức để quảng bá sản phẩm.

Với thị trường mới như Pleiku, chúng tôi sẵn sàng để người tiêu dùng nếm thử trước khi quyết định mua hàng. Cảm nhận trực tiếp hương vị, nhiều khách hàng đã đặt mua sản phẩm với số lượng lớn”.

Sản phẩm sữa chua truyền thống và sữa chua nếp cẩm Cô út Siu Thị đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2023 Ảnh: Vũ Chi

Sản phẩm sữa chua truyền thống và sữa chua nếp cẩm Cô út Siu Thị đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2023 Ảnh: Vũ Chi

Hiện giá bán của sản phẩm từ 8 đến 10 ngàn đồng/hũ 100-120 gram. Mỗi tháng, cơ sở cung cấp cho thị trường hơn 2.000 hũ. Sau khi trừ chi phí, 2 chị có thu nhập thêm khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Hiện chị Thảo đang tích cực giới thiệu sản phẩm tới các nhà hàng, dịch vụ tiệc cưới để tăng doanh số bán hàng. Tin vui đến dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024 khi 2 chị mở được đại lý tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với đơn hàng đầu tiên là 400 hũ.

Thời gian tới, cũng trên cơ sở nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, 2 chị dự kiến sản xuất thêm sữa chua phô mai và sữa chua nha đam nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Thời gian bảo quản sản phẩm là 12 ngày. Vì vậy, 2 chị sẽ đầu tư làm màng seal để tăng thời gian bảo quản sản phẩm, phục vụ những đơn hàng đi xa.

Là khách hàng thường xuyên sử dụng sản phẩm sữa chua nếp cẩm Cô út Siu Thị, chị Lê Thị Oanh (buôn Plei Amil) chia sẻ: “Trước đây, tôi thường sử dụng các sản phẩm sữa chua có sẵn trên thị trường. Từ khi chị Thảo giới thiệu sản phẩm, tôi đã chuyển sang dùng sản phẩm sữa chua nếp cẩm Cô út Siu Thị. Sản phẩm sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, được làm thủ công và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Trao đổi với P.V, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bùi Trọng Thành cho biết: Năm 2023, huyện có thêm 15 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm sữa chua truyền thống và sữa chua nếp cẩm mang thương hiệu Cô út Siu Thị. Sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng nên được đánh giá cao.

Phòng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các phiên chợ, hội chợ thương mại nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.