Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Tuy nhiên, đó chưa hẳn là tất cả với chàng trai 17 tuổi này, bởi em còn được biết đến là một nam sinh đa tài khi đồng thời giỏi Toán, tiếng Anh, cờ vua, vẽ và ca hát.

Giỏi Toán nhờ… truyện tranh

16 tháng tuổi biết đọc chữ, chưa lên lớp 1 đã “tự xử” làu làu hết bộ truyện tranh Doraemon, cậu bé Nguyễn Đăng Khang ngày ấy đã đưa bố mẹ đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Vẫn vẹn nguyên bao xúc cảm, ông Nguyễn Quốc Trịnh nhắc nhớ: “Trong một lần đưa Khang đến quán cháo dinh dưỡng để ăn sáng, con cứ nhìn vào tấm menu dán trên tường rồi đọc to từng chữ “cháo thịt bò”, “cháo thịt heo”… khiến tôi ngỡ ngàng. Thử lại vài lần nữa, tôi nhận ra con mình biết đọc chữ thật, dù trước đó, vợ chồng tôi chưa hề dạy con về ngôn ngữ. Cứ thế, đến khoảng 4-5 tuổi, Khang đã có thể tự đọc được sách, truyện tranh”.

Khang khoe những cuốn truyện tranh Doraemon đã giúp bản thân phát triển tư duy Toán học. Ảnh: Mộc Trà

Khang khoe những cuốn truyện tranh Doraemon đã giúp bản thân phát triển tư duy Toán học. Ảnh: Mộc Trà

Một điều đặc biệt nữa ở Khang là khả năng phát triển tư duy toán học từ những cuốn truyện tranh mà em yêu thích. Khoe với tôi về bộ truyện “Doraemon học tập” được lưu giữ cẩn thận sau nhiều năm, Khang bảo: Đây là phần thưởng em nhận được sau mỗi lần giải đúng những bài toán do ba đưa ra. Nhờ bộ truyện này, em đã tiếp cận và thẩm thấu kiến thức ở nhiều lĩnh vực, trong đó có toán học một cách tự nhiên nhất thông qua chủ đề của từng tập truyện như: cộng trừ, hình khối, các dạng toán nâng cao, cách giải toán nhanh…

“Em đọc truyện như một phương thức giải trí nhưng cũng dần phát hiện bản thân có năng khiếu với toán học. Em thích nhất ở bộ truyện tranh Doraemon học tập là mỗi câu hỏi không chỉ có đáp án đúng mà còn có phần trả lời sai của các nhân vật. Điều này giúp em tự đúc kết được kinh nghiệm riêng cho bản thân khi giải quyết một bài toán bất kỳ”-Khang chia sẻ.

Để giúp Khang có những trải nghiệm mới, đồng thời tạo động lực học tập cho con, ba mẹ đã đăng ký để em tham gia các cuộc thi phù hợp với lứa tuổi ngay từ năm lớp 1 như: Violympic (giải toán trên internet), SAMO (Olympic Toán Singapore và châu Á), AMO (Toán quốc tế Hoa Kỳ), VANDA (khoa học quốc tế), VTMO (Olympic Toán Titan Việt Nam), IKMC (Toán quốc tế Kangaroo)… Và mỗi lần góp mặt, Khang đều mang về thành tích với đủ giải nhất, nhì, ba từ cấp trường đến cấp quốc gia. Ngoài ra, em còn tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Toán và đạt giải khuyến khích cấp thành phố, giải ba cấp tỉnh vào năm lớp 9; đồng thời, thử sức thành công ở các cuộc thi liên quan đến tiếng Anh, Tin học, hội họa, cờ vua… các cấp.

Rẽ lối sang Tin học để chinh phục thử thách

Trúng tuyển cả 2 nguyện vọng chuyên Toán và chuyên Anh vào Trường THPT chuyên Hùng Vương, Khang đã chọn môn học sở trường là Toán để viết tiếp ước mơ. Nhưng rồi, lực hấp dẫn của môn Tin học cộng với tính cách thích chinh phục thử thách đã khiến em quyết định rẽ lối chỉ vài tháng sau đó.

Em Nguyễn Đăng Khang luôn chịu khó nghiên cứu tài liệu và chăm chỉ thực hành để nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng tin học. Ảnh: M.T

Em Nguyễn Đăng Khang luôn chịu khó nghiên cứu tài liệu và chăm chỉ thực hành để nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng tin học. Ảnh: M.T

Qua chia sẻ của Khang, tôi biết rằng, sự chuyển hướng của em là hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, từ nhỏ, Khang đã tiếp cận với tin học qua các kỳ thi toán và tiếng Anh trên internet. Năm lớp 4 và lớp 5, em đã là tài năng Tin học trẻ khi đạt được giải nhất cấp tỉnh và khuyến khích cấp quốc gia. Đến năm lớp 9, thành tích này tiếp tục được Khang duy trì với “cú đúp” giải nhất ở hội thi Tin học trẻ cấp thành phố và cấp tỉnh. Và kể từ khi lựa chọn gắn bó cùng Tin học, Khang đã nỗ lực từng ngày để biến nó trở thành sở trường của bản thân.

Thế nhưng, con đường đến thành công không chỉ trải hoa hồng. Có lúc, Khang cảm thấy buồn bã, thất vọng khi không đạt được mục tiêu đề ra. Năm lớp 10, em tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh ở cả bảng A và bảng B nhưng chỉ mang về được giải khuyến khích. “Kết quả chưa như mong đợi đã trở thành động lực để em quyết tâm mang về thành tích cao hơn ở những kỳ thi tiếp theo. Đó là huy chương vàng Olympic truyền thống 30-4; giải nhì bảng A, giải nhất bảng B kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh và giải nhì học sinh giỏi cấp quốc gia trong năm học này”-Khang tâm sự.

Mới đây, Khang cũng mang về huy chương đồng (bảng siêu cúp) tại kỳ thi Olympic Tin học miền Trung-Tây Nguyên lần thứ V-2024 diễn ra ngày 29 và 30-3 tại TP. Đà Nẵng; đồng thời, đạt giải khuyến khích kỳ thi Hue-ICT Challenge ở bảng Pro Challenge. Nam sinh cũng đang sẵn sàng tranh tài tại kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 năm 2024 diễn ra tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từ ngày 5 đến 7-4 với mục tiêu duy trì thành tích huy chương vàng môn Tin học.

Chia sẻ về bí quyết giúp bản thân bứt phá trong thời gian ngắn, Khang cho hay: “Ngoài tiếng Anh, em có biết một chút tiếng Trung và tiếng Hàn. Vì vậy, em đã tận dụng lợi thế này để tăng cường tìm kiếm, nghiên cứu học liệu trên mạng internet. Cùng với đó, em cũng chăm chỉ thực hành nhằm nâng cao kỹ năng lập trình. Khi giải bài tập tin, em không bao giờ xem trước đáp án bởi nó sẽ chi phối, làm hạn chế khả năng tư duy thuật toán của mình”.

“Bàn tay vàng” âm nhạc cổ điển

Ngoài thành tích học tập xuất sắc, Khang còn ghi điểm bởi khả năng chơi đàn piano điêu luyện. Ngày 24-3 vừa qua, nam sinh Phố núi đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả Thủ đô khi thể hiện thành công tác phẩm Ballade No.3 In A Flat Major (Chopin), mang huy chương vàng ở bảng E2 (17-19 tuổi) tại cuộc thi Piano mở rộng toàn quốc lần thứ I-2024 (Festival Piano Talent toàn quốc 2024).

“Em không nghĩ bản thân có thể tiến sâu và đạt được giải thưởng cao như vậy. Các thí sinh đều chơi đàn hay và chuyên nghiệp. Khi nghe Ban tổ chức xướng tên mình ở giải vàng, em rất bất ngờ và vỡ òa vui sướng. Đây là quả ngọt cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của em suốt nhiều năm theo đuổi piano ở dòng nhạc cổ điển”-Khang bày tỏ.

Em Nguyễn Đăng Khang (bìa trái) nhận huy chương vàng tại Festival Piano Talent toàn quốc 2024 (ảnh nhân vật cung cấp).

Em Nguyễn Đăng Khang (bìa trái) nhận huy chương vàng tại Festival Piano Talent toàn quốc 2024 (ảnh nhân vật cung cấp).

Thầy Lê Văn Trường-Tổ trưởng Tổ Tin học, Trường THPT chuyên Hùng Vương: Điểm mạnh của Nguyễn Đăng Khang là tinh thần ham học hỏi và tự giác rất cao. Đặc biệt, với lợi thế về ngôn ngữ, em chịu khó tìm tòi tư liệu về tin học từ các trang web bằng tiếng Anh, Trung, Hàn để nâng cao kiến thức. Khang cũng chưa bao giờ lùi bước trước khó khăn hay bằng lòng với bản thân. Bởi vậy, em luôn nỗ lực và quyết tâm đạt được thành tích cao trong các kỳ thi.

Trước khi có được giải thưởng danh giá cấp quốc gia, Khang cũng từng để lại ấn tượng khó phai cùng cây đàn piano tại vòng chung kết cuộc thi “Tài năng tiếng Anh” trong học sinh phổ thông toàn tỉnh lần thứ III do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hồi tháng 11-2023. Khi đó, Khang đã lựa chọn giới thiệu về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và tự đàn hát một đoạn trong ca khúc “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” bằng tiếng Anh. Phần trình diễn xuất sắc của Khang đã mang về cho em ngôi vị cao nhất ở bậc THPT. Đáng chú ý, em đã tự chuyển thể bài hát trên của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sang tiếng Anh. “Thật ra, ban đầu, em chỉ thích nghe nhạc cổ điển và các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, còn học đàn piano không phải là chủ đích của em mà là của ba mẹ. Nhưng sau khi tiếp xúc với phím đàn một thời gian, cùng với sự truyền cảm hứng từ thầy giáo, em lại thấy vô cùng thích thú. Âm nhạc giúp em thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng và tái tạo lại năng lượng để tiếp tục theo đuổi đam mê”-Khang cười tươi thú nhận.

Đến nay, cây đàn piano đã đồng hành cùng Khang được gần 5 năm. Nam sinh cũng đã lần lượt chinh phục những nhạc phẩm cổ điển, bán cổ điển mà mình yêu thích. Những ngón tay lướt trên phím đàn của Khang không còn bó buộc trong khuôn mẫu mà đã biết nhấn nhá, sáng tạo để tạo điểm nhấn riêng của bản thân cũng như mang đến cảm xúc mới mẻ cho người thưởng thức. “Hiện em đang tập đánh Sonata No.5 và Sonata No.8 là 2 bài nhạc mà em rất yêu thích nhưng chưa chinh phục được. Ngoài học đàn chuyên nghiệp, em còn tích cực tham gia các hoạt động của Câu lạc bộ Âm nhạc Trường THPT chuyên Hùng Vương với vai trò thành viên Ban nhạc cụ”-Khang thông tin.

Cây đàn piano là người bạn đồng hành cùng Khang sau những giờ học tập căng thẳng. Ảnh: Mộc Trà

Cây đàn piano là người bạn đồng hành cùng Khang sau những giờ học tập căng thẳng. Ảnh: Mộc Trà

Nhận xét về học trò của mình, Thạc sĩ Âm nhạc Nguyễn Phú Quốc-Giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, chủ Trung tâm Quốc Piano-không tiếc dành những lời “có cánh”: Khang đến với Trung tâm vào năm 2019. Sau hơn 1 tháng tiếp cận, em đã gần như nhớ tất cả vị trí nốt nhạc. Khang có tư duy độc lập của 2 tay rất tốt khi học những bản piano cơ bản, điều mà người học nào cũng mong muốn. Ngoài hoàn thành tốt những bản nhạc thầy dạy, em còn rất chịu khó tập những bài mình yêu thích. Đặc biệt, Khang tự tìm tòi, nghiên cứu qua sách báo, internet về tiểu sử, phong cách sáng tác của tác giả để thể hiện đúng tinh thần nhạc phẩm. Có lẽ vì vậy mà dù tuổi còn nhỏ nhưng tiếng đàn của Khang nghe rất già dặn và sâu sắc.

…Với mong muốn theo đuổi lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Khang đang nỗ lực học hỏi về công nghệ thông tin. Trước mắt, mục tiêu mà em đặt ra là tiếp tục đạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm lớp 12 và lọt vào danh sách thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế môn Tin học. Tin rằng, với sự quyết tâm cao, nam sinh đa tài Nguyễn Đăng Khang sẽ tiếp tục tỏa sáng trên hành trình chinh phục đam mê của mình.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.