Cô gái bỏ phố về quê làm nông trại xanh trên đất hoang

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Từ vùng đất hoang quanh năm ngập úng, nữ kỹ sư 31 tuổi đã xây dựng thành công mô hình nông trại xanh, kết hợp với du lịch trải nghiệm.

Cánh đồng rộng hơn 2ha trước đây vốn là mảnh đất bỏ hoang nhưng nay đã được phủ màu xanh nhờ bàn tay của cô gái trẻ Trần Thị Hằng (31 tuổi, trú tại thành phố Hà Tĩnh). Chứng kiến sự thay đổi này, nhiều người dành cho Hằng cái tên cô gái có “máu liều”…

“Chữa lành” mảnh đất hoang

Đầu tháng 3, thời tiết Hà Tĩnh nắng mưa thất thường, nhưng những luống rau, vườn hoa tại khu đất rộng hơn 2ha tại xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà vẫn xanh tốt. Trong bộ đồ bảo hộ, cô gái trẻ Trần Thị Hằng đang hoàn tất những công việc để chuẩn bị cho chợ Gánh - Hồi ức 1990 quảng bá sản phẩm nông nghiệp mà cô cùng các bạn trẻ đang thực hiện.

Cô gái trẻ bên chiếc máy cày tự tay làm đất, trồng rau...

Cô gái trẻ bên chiếc máy cày tự tay làm đất, trồng rau...

Hằng là con gái út trong gia đình có 3 chị em, có mẹ làm giáo viên. Vào năm 2015, Hằng tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư Bảo vệ thực vật - Đại học Nông Lâm Huế. Sau khi cầm tấm bằng kỹ sư nông nghiệp trên tay, cô vào làm tại các trang trại ở thành phố Huế, Đà Nẵng…. Hơn 2 năm làm việc, cô gái quyết định chọn con đường về quê để theo đuổi ước mơ là “chữa lành” những mảnh đất bỏ hoang.

“Quyết định về quê lập nghiệp khi đó cũng khiến người thân ngỡ ngàng. Có người ủng hộ, có người không vì nghĩ tôi là con gái, một mình làm nông nghiệp sẽ rất vất vả”, Hằng chia sẻ.

Cô gái trẻ Trần Thị Hằng.

Cô gái trẻ Trần Thị Hằng.

Hằng bắt đầu thực hiện ước mơ của mình vào năm 2019. Thời điểm đó cô cùng một người bạn thuê và khai hoang mảnh đất rộng hơn 1ha ở thôn Đông Xuân, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà để trồng rau, nuôi gà. Đến năm 2021, khi thấy khu đất tại thôn Liên Hương (xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà) rộng 2ha, nhưng bỏ hoang lãng phí nên đã đề xuất ý tưởng với chính quyền địa phương và thuê lại để làm nông trại.

Khi được chấp thuận, cô tự tay khai hoang, làm cỏ, trồng rau. Ngoài làm rau sạch, Hằng còn tự tay làm xích đu, khu check-in cho giới trẻ "sống ảo", điểm nướng BBQ (bếp nướng dã ngoại), không gian thưởng thức cà phê, nước ép hoa quả giữa thiên nhiên.

Những sản phẩm tại nông trại mà Hằng thu hoạch hàng ngày.

Những sản phẩm tại nông trại mà Hằng thu hoạch hàng ngày.

Nhiều gia đình đến tham quan, du lịch tại trang trại của Hằng.

Nhiều gia đình đến tham quan, du lịch tại trang trại của Hằng.

Sau nỗ lực không ngừng nghỉ, những "trái ngọt" ban đầu đã đến. Trang trại dần hoàn thiện, khu đất hoang được hồi sinh bằng những luống rau sạch xanh mướt, những mầm hoa rực rỡ. Hằng đặt tên cho nông trại của mình là "Vườn nàng thơ".

Xác định canh tác theo phương pháp thuận tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, nên Hằng tự bắt sâu, nhổ cỏ, sử dụng dung dịch hữu cơ tự ủ…

“Tôi rất vui, hạnh phúc vì mang lại những sản phẩm có giá trị xanh, sạch cho mọi người. Ngoài thực hiện được đam mê, tôi mong rằng những việc làm của mình sẽ góp phần vào việc truyền thông điệp, cảm hứng khởi nghiệp trên quê hương cho các bạn trẻ", Hằng tâm sự.

Từ nông trại xanh đến phiên chợ khởi nghiệp

Hằng nhỏ nhắn, xinh xắn nhưng nghề nông đã tôi luyện nên một cô gái có bản lĩnh, cứng cáp. Hằng nói cô không nề hà, sợ mệt hay sợ thất bại, chỉ mong muốn bản thân theo đuổi đam mê làm nông nghiệp sạch.

Thường ngày, Hằng làm đất, gieo giống, thu hoạch những sản phẩm trong trang trại rồi đăng lên mạng xã hội để bán. Các sản phẩm nông sản sạch của Hằng không chỉ bán trong tỉnh mà nhiều khách thân thuộc ngoài tỉnh cũng đặt hàng.

Cô gái Hà Tĩnh cho biết, xuất phát từ hai bàn tay trắng, cô đã vay gần 300 triệu đồng để thực hiện ước mơ. Không tiết lộ con số cụ thể về khoản thu nhập hàng tháng từ "Vườn nàng thơ”, nhưng Hằng nói, đó không phải là mục đích chính.

Cô gái trẻ thích thú khi vườn rau phát triển xanh tốt.

Cô gái trẻ thích thú khi vườn rau phát triển xanh tốt.

Với bàn tay khéo léo, mảnh đất mọc hoang đã được cô gái trẻ vun vén, chăm tưới bừng lên sức sống. Hơn một nửa số diện tích Hằng đã trồng đủ loại rau, củ quả. Số diện tích còn lại, cô cùng mọi người xây dựng mô hình sinh thái trải nghiệm đón khách đến tham quan.

Hằng chia sẻ, trong tháng 3 này sẽ cùng các bạn đam mê khởi nghiệp từ nông nghiệp tổ chức phiên "Chợ Gánh - Hồi ức 1990" để quảng bá, giới thiệu 20 gian hàng sản phẩm nông nghiệp sạch. Đây đều là những sản phẩm khởi nghiệp của các bạn trẻ cùng ý chí thực hiện.

Phiên chợ gánh được tổ chức thành công, thu hút đông đảo người đến tham quan, mua sắm.

Phiên chợ gánh được tổ chức thành công, thu hút đông đảo người đến tham quan, mua sắm.

“Năm trước cũng thực hiện và rất thành công nên năm nay cùng một số bạn trẻ lên ý tưởng để thực hiện tiếp. Và dự tính phiên chợ này chúng tôi sẽ làm mỗi tháng một lần mục đích nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm từ nông nghiệp sạch”, Hằng chia sẻ dự định.

Nhìn hình ảnh về khu vườn Nàng Thơ xanh mát nhiều người cảm phục nghị lực của cô gái trẻ. Dù đang trên đà xây dựng thương hiệu nông sản nhưng đã tạo nên thương hiệu cá nhân đầy thú vị, lan tỏa trong những người trẻ lòng nhiệt huyết, tinh thần yêu thiên nhiên, dám nghĩ, dám làm.

Mô hình nông trại xanh, kết hợp với du lịch trải nghiệm “Vườn nàng thơ” của Hằng đã có những thành công bước đầu.

Mô hình nông trại xanh, kết hợp với du lịch trải nghiệm “Vườn nàng thơ” của Hằng đã có những thành công bước đầu.

Từ ý tưởng kết hợp sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch địa phương, đến nay mô hình của Hằng đã đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan và thu hoạch tại vườn. Đối tượng chủ yếu thanh niên, các gia đình công nhân viên chức và các em nhỏ.

Theo Hằng, cứ cuối tuần vào ngày nghỉ, ngày lễ, các gia đình ở thành phố lại đưa con em mình đến để tự trải nghiệm cuộc sống của người nông dân, hòa mình với thiên nhiên. Đây là một hoạt động giải trí rất bổ ích, thiết thực, giúp du khách thư giãn và lấy lại tinh thần cho một tuần làm việc mới thật hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Từ những chiếc bánh ép Huế bình dân, Ngô Văn Quốc (22 tuổi, quê P.Thuận An, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã cho ra đời sản phẩm đóng gói đẹp mắt, mang thương hiệu của Huế, bày bán tại các trung tâm thương mại, cửa hàng sân bay... khắp cả nước.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

(GLO)- Chiều 10-10, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) thi thuyết trình chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Đại úy Y Yến (36 tuổi, dân tộc Xơ Đăng)-Trưởng Công an xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum, đã được Bộ Công an trao tặng danh hiệu “Phụ nữ Công an tiêu biểu”, “Nữ Công an cơ sở xuất sắc” năm 2023.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

(GLO)- Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, hướng dẫn cách livestream bán hàng… là chuỗi hoạt động do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức cuối tuần qua tại TP. Pleiku.

Bế mạc Techfest Đắk Lắk 2024

Bế mạc Techfest Đắk Lắk 2024

Tối 24/9, UBND tỉnh tổ chức Lễ bế mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2024 (Techfest Đắk Lắk 2024) với chủ đề “Khát vọng xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc”.
Cô gái thu tiền triệu nhờ làm bánh kem độc đáo

Cô gái thu tiền triệu nhờ làm bánh kem độc đáo

“Nhiều người hỏi nay làm gì, mình nói ở nhà bán bánh kem online. Ngay lập tức, nhiều người quen và bạn bè ngạc nhiên: “Học cho đã rồi đi bán bánh”. Họ đâu biết rằng nghề bánh cho mình thu nhập gấp 10 lần thời còn làm ở góc văn phòng”, chị Hoài Thương nói.