Tại các huyện có diện tích chanh dây lớn như: Chư Păh, Ia Grai, Đak Đoa, Mang Yang… thương lái đến thu mua chỉ 2-3 ngàn đồng/kg đối với chanh múc, còn chanh bán ngoài chợ có giá 4-5 ngàn đồng/kg. Trong khi vài tháng trước, giá chanh múc trên 10 ngàn đồng/kg. Việc chanh dây rớt giá khiến nhiều hộ dân thua lỗ nặng. Thậm chí, nhiều hộ còn tính đến chuyện phá bỏ vườn chanh để chuyển sang trồng các loại cây khác.
Cách đây hơn 1 năm, nhận thấy cây chanh dây có giá trị kinh tế cao, nhiều hộ dân ở huyện Mang Yang đã lựa chọn đầu tư. Tuy nhiên, khi chưa thu lại được kinh phí, công sức bỏ ra thì họ đã ôm “trái đắng”. Ông Nguyễn Văn Phương (xã Đak Ta Ley) cho biết: Đầu năm 2023, ông phá 1 ha cà phê già cỗi để trồng chanh dây. Tuy nhiên, đến lúc thu hoạch thì giá chanh dây giảm chỉ còn 2-3 ngàn đồng/kg. “Tôi bỏ hơn 150 triệu đồng để đầu tư trồng chanh dây. Dự kiến vườn chanh dây cho sản lượng gần 40 tấn quả. Tuy nhiên, giá bán thấp như hiện tại khiến gia đình thiệt hại nặng”-ông Phương buồn bã nói.
Giá chanh dây rớt thê thảm khiến nhiều gia đình phải bán tháo để chuyển đổi sang trồng cây khác dù vườn chanh đang cho thu hoạch.
Tương tự, tháng 6-2022, gia đình bà Nguyễn Thị Thân (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) đã phá bỏ 4 sào cà phê già cỗi để trồng chanh dây. Đến tháng 3-2023, gia đình bà tiếp tục đầu tư trồng thêm 5 sào. Theo bà Thân, để đầu tư 1 sào chanh dây mất ít nhất 15 triệu đồng tiền cây giống, vật tư, phân bón, công chăm sóc... Với những vườn chanh dây được chăm sóc tốt thì năng suất đạt khoảng 4 tấn/sào. “Đối với vườn cây trồng từ năm 2022, khi thu hoạch, gia đình bán được giá 12-16 ngàn đồng/kg. Thế nhưng bây giờ, giá xuống quá thấp, người trồng chắc chắn lỗ vốn. Do vậy, gia đình đã phá bỏ 4 sào chanh dây trồng năm 2022 để chuyển sang trồng cà phê. 5 sào còn lại thì hơn 1 tháng nữa mới cho thu hoạch”-bà Thân chia sẻ.
Về nguyên nhân khiến giá chanh dây rớt thê thảm, ông Nguyễn Thế Minh-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh) cho biết: 2 năm trở lại đây, khi thấy giá chanh dây tăng cao, người dân chạy theo lợi nhuận mà trồng ồ ạt. Trong khi kế hoạch phát triển vùng chanh dây của các doanh nghiệp thu mua để chế biến chưa thực sự phù hợp. Đơn cử, nhà máy có công suất 500.000 tấn thì phải quy hoạch vùng nguyên liệu tương ứng, khi đó giá mới ổn định được. Còn hiện tại, người dân trồng ồ ạt khiến sản lượng bị dư thừa nên giá xuống thấp là điều không tránh khỏi.
Theo ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: “Hiện chanh dây Việt Nam xuất khẩu sang các nước như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Australia, Nga, Canada... nhưng chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Thời điểm này, các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc đang vào mùa thu hoạch chính vụ chanh dây. Ngoài ra, thời gian qua, nhiều địa phương ở Trung Quốc bị bão lũ, thu nhập của người dân giảm nên sức mua giảm theo, dẫn đến chanh dây rớt giá”.
Theo Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa, thực tế cho thấy, việc tuân thủ các khuyến cáo từ chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn là rất quan trọng. Người dân không nên vì thấy lợi nhuận trước mắt mà ồ ạt mở rộng diện tích chanh dây. Sự tăng trưởng diện tích quá nhanh có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, dẫn đến giá giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người trồng. Nhằm ổn định thị trường chanh dây trong thời gian tới cần có sự giúp sức từ phía chính quyền để có những hoạch định chiến lược cụ thể, tránh tình trạng ồ ạt trồng rồi lại phá bỏ.
Còn ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh thì cho rằng: “Chúng ta không quyết định được thị trường chanh dây thì người dân nên hạn chế đầu tư mở rộng diện tích. Đồng thời, canh tác theo hướng hữu cơ để đảm bảo vườn cây phát triển ổn định, giảm chi phí, nâng cao năng suất”.
Đồng quan điểm, ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-cho rằng: Toàn huyện có khoảng 700 ha chanh dây, tăng 200 ha so với năm 2021. Trước tình hình chanh dây giảm giá, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích. Trước khi trồng phải tìm hiểu thị trường tiêu thụ, nguồn gốc giống và phải áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng. Cùng với đó, tập trung chăm sóc những diện tích hiện có nhằm tránh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tại hội nghị phát triển sản xuất sầu riêng, chanh dây bền vững tại các tỉnh phía Nam diễn ra tại TP. Pleiku mới đây, ông Nguyễn Như Cường-Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) khẳng định: Việc xây dựng Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 là định hướng chung để ngành phát triển ổn định và bền vững. Các địa phương cần căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế để phát triển dựa theo đề án do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành nhằm có những giải pháp căn cơ từ việc xây dựng cây giống đạt chuẩn đến quy trình chăm sóc, chế biến, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, các địa phương cũng cần cơ cấu lại cây trồng để đa dạng hóa sản phẩm, tránh tình trạng rủi ro về giá cả.
Chanh dây rớt giá khiến nhiều hộ dân thua lỗ nặng. |
Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Qua quá trình chỉ đạo sản xuất, chúng tôi thấy rằng chanh dây có lúc giá lên cao, lúc xuống thấp. Đối với chanh dây quả tươi đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, giá vẫn ở mức 22-25 ngàn đồng/kg. Nhưng giá chanh xô hiện nay thì xuống thấp. Nguyên nhân là giống chanh dây được trồng ở tỉnh ta có tỷ lệ mẫu mã quả đẹp rất ít, chất lượng loại 2, loại 3 thì nhiều. Điều này đã kéo giảm thu nhập của người dân.
“Ngoài ra, người dân cũng phải có trách nhiệm sản xuất ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời, đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép các doanh nghiệp đầu tư phòng kiểm nghiệm giống và cho nhập khẩu những giống chanh dây có chất lượng cao hơn giống hiện nay để giúp người dân, doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Cùng với đó, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy ở các huyện trọng điểm phát triển chanh dây, tạo ra vùng nguyên liệu bền vững”-ông Nghĩa thông tin.