Chàng trai và những búp bê độc đáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở TP.HCM có Nguyễn Cao Duy, người trẻ theo đuổi đam mê sáng tạo nên những búp bê không đụng hàng.
Búp bê giống người thật
Nguyễn Cao Duy (cựu sinh viên Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn) đã trở thành nghệ nhân sản xuất loại búp bê khớp cầu (cử động nhiều tư thế) có thể biểu lộ cảm xúc và thể hiện được cá tính của người chủ.
Mỗi ngày làm việc 12 giờ, đều đặn ngồi làm khuôn, chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ. Chăm chỉ thế nhưng để làm một con búp bê hoàn hảo, Cao Duy cũng mất khoảng 6 tháng để hoàn thiện. Duy chia sẻ: “Với những người sưu tầm búp bê khớp cầu thì việc chờ đợi vài tháng, có khi vài năm để sở hữu một mẫu búp bê độc đáo là chuyện bình thường. Nhiều hãng sản xuất ở Hàn Quốc, Nhật Bản được làm bằng chất liệu nhựa resine thì nhanh nhất từ 2 - 3 tháng, đợi 6 tháng mới có hàng cũng không hiếm”.
Mỗi ngày Cao Duy làm việc 12 giờ liên tục để theo đuổi niềm đam mê làm búp bê
Mỗi ngày Cao Duy làm việc 12 giờ liên tục để theo đuổi niềm đam mê làm búp bê
Búp bê vũ nữ do Duy làm, có tất cả 33 bộ phận (tay, cổ tay, bàn chân, bụng…) là 33 chiếc khuôn để đúc riêng, sau đó mới ráp nối qua sợi dây để có thể cử động được. Để làm từng chiếc khuôn khá tốn thời gian. Trước khi làm khuôn, Duy phải dành ra vài tuần để có thể tạo nên mẫu sáp tỉ mỉ. Hơn nữa, toàn bộ các công đoạn đều làm bằng tay, phải do chính anh thực hiện, mới có thể tạo hình chính xác các khớp cũng như biểu cảm của khuôn mặt tạo nên cái hồn riêng của búp bê.
Trên thị trường hiện nay, một phiên bản búp bê khớp cầu cỡ nhỏ khoảng 7 cm giá tầm 200 - 300 USD, cao 35 - 40 cm giá từ 700 - 1.200 USD, cá biệt có phiên bản búp bê của Hãng Unchanted có giá 78.000 USD chưa kể các phụ kiện đi kèm. Phụ kiện cho búp bê này thì vô kể, giày đặt riêng theo mẫu giày thật, áo váy, nón, vòng tay, dây chuyền, túi xách… mỗi món từ vài USD cho đến hàng trăm USD. Tại cửa hàng của Duy, một búp bê do Duy tự sáng tạo, làm hoàn chỉnh có giá từ 27 triệu đồng.
4 lần khởi nghiệp thất bại
Cách đây 4 tháng, Cao Duy mới mở lại xưởng làm búp bê của mình, đây là lần thứ 5 anh tái khởi động lại với “nghiệp” làm búp bê khớp cầu. Nhiều người hỏi với kỹ năng làm đồ thủ công, am hiểu vật liệu như Duy có thể đi làm cho những công ty lớn, phụ trách kỹ thuật tạo hình sản phẩm là đủ sống, việc gì phải dồn hết tiền bạc, thời gian cho một công việc bấp bênh, dễ phá sản bất kỳ lúc nào?
Duy trả lời: “Vì đam mê mà theo đuổi. Cứ nhìn những người lớn hiện nay, họ cô đơn, có nhu cầu tìm một người bạn thân để tâm sự, bầu bạn mà không biết chia sẻ cùng ai. Búp bê có thể giúp họ trút mọi nỗi niềm. Họ trang điểm, họ làm đẹp cho búp bê của mình. Chính vì thế, Duy cảm thấy công việc mình đang làm có ý nghĩa, vì giúp cho nhiều người nên vẫn kiên trì theo đuổi”.
Mãi đến lần thứ 5 khởi nghiệp với cùng một công việc, giờ Duy đã có một lượng khách quen đặt hàng ổn định. Duy đang làm một loạt búp bê theo đặt hàng của khách ở Bỉ, Pháp.
Nhiều người bảo rằng công việc bạn đang làm phản ánh những gì bạn từng làm trong quá khứ, ứng với trường hợp của Cao Duy. Từ năm lớp 8, Duy đã học móc len sợi để làm những mẫu khăn, áo đơn giản; vào lớp 10 thì học làm mộc; lớp 11 học làm thợ hàn; vào đại học đi học nặn đất sét, rồi học thiết kế tạo dáng công nghiệp…
Cho đến khi làm búp bê khớp cầu, từng kỹ năng được học trong quá khứ tái hiện, cách thức làm mẫu sáp, làm khuôn, đúc các bộ phận bằng nhựa hay sứ, rồi ráp nối theo khớp, làm phụ kiện trang trí cho búp bê, toàn bộ công đoạn để tạo nên một búp bê hoàn hảo thì Duy đều có thể làm được.
Cao Duy tâm sự: “Dù thị trường ngách, nhưng mình tin rằng với kỹ thuật đã có, đam mê và kiên trì theo đuổi, dù con đường phía trước còn rất dài nhưng mình tin tưởng là giấc mơ đưa búp bê made in Vietnam đi khắp thế giới sẽ thành công”.
Nguyên Trang (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.