(GLO)- Không buông xuôi với số phận mù lòa, chàng trai dân tộc thiểu số tên An (SN 1987, làng Ring Rai, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã từng bước vươn lên trong cuộc sống bằng nghề chăn nuôi.
Chúng tôi đến thăm nhà anh An ở cuối con đường làng Ring Rai. Vừa bước vào cổng, một thanh niên đang mò mẫm băm từng cọng rau để chuẩn bị cho đàn heo. Nghe tiếng bước chân người đến gần, anh An dừng lại chào, nở nụ cười hiền hậu.
Anh An cho biết bị mù bẩm sinh từ nhỏ, hoàn cảnh gia đình lại rất khó khăn nên việc chữa trị gần như không thể. Từ nhỏ, An phải chấp nhận mất đi nguồn sáng từ đôi mắt của mình. Không đầu hàng số phận, An quyết tâm thích nghi, sống cùng khiếm khuyết của bản thân. Ngay từ nhỏ, An thường theo cha mẹ lên rẫy, những âm thanh của cuộc sống dần thấm sâu vào tâm thức. Vì khiếm thị nên An chuyển sự chú tâm sang lắng nghe âm thanh xung quanh cuộc sống rồi tạo cho mình thói quen để thích nghi.
Năm 2017, khi được chính quyền địa phương hỗ trợ cặp heo giống, anh An rất mừng và cố gắng học cách chăm sóc để đàn heo khỏe mạnh. Chỉ trong 1 năm, anh đã nhân đàn heo lên thành 8 con. Sau đó, anh bán bớt 5 con để mua bò về nuôi. Hiện anh An sở hữu đàn heo 13 con cùng 2 con bò.
Anh An chăm sóc đàn heo của mình. Ảnh: Hà Phương |
Chia sẻ về việc chăn nuôi heo, anh An cho biết: Hàng ngày, tôi đi tìm thân chuối và rau về băm nấu làm thức ăn cho heo. Ngoài ra, với số tiền 500 ngàn đồng được Nhà nước hỗ trợ hàng tháng dành cho người khiếm thị, tôi mua thêm cám để tăng thêm dinh dưỡng cho đàn heo. Sau khi cho heo ăn, tôi lại tắm rửa và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Cứ thế, đàn heo của tôi ngày càng phát triển khỏe mạnh.
Nhắc đến người con trai nghị lực của mình, bà Seh cho biết: “An là người con thứ 3 trong gia đình có 7 người con. Khi mới sinh ra, An rất khôi ngô. Nhưng chừng hơn 10 ngày, An mới mở được mắt song gia đình phát hiện mắt không bình thường. Gia đình đã đưa đi khắp nơi chữa trị, nghe ai bày gì cũng tìm cách áp dụng nhưng ánh sáng đôi mắt An thì vẫn không có”.
Bí thư Đoàn xã Hà Bầu Châu Thị Dung cho biết: “Anh An là một trong những tấm gương điển hình cho tinh thần không đầu hàng với số phận, vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Chúng tôi mong muốn anh tiếp tục phấn đấu trở thành tấm gương sáng đầy nghị lực cho các bạn đoàn viên, thanh niên học tập”.
Trao đổi với P.V, ông Bên-Chủ tịch UBND xã Hà Bầu-nhận xét: “Trường hợp của An khá đặc biệt. Là người bị khuyết tật nặng nhưng An có thể làm được nhiều việc có ích cho gia đình và xã hội. An là tấm gương cho những người khuyết tật nói riêng và bà con dân làng nói chung. Đối với những hoàn cảnh như An, ngoài việc chi trả kịp thời 500 ngàn đồng hàng tháng, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để hỗ trợ phát triển kinh tế, thường xuyên thăm hỏi, động viên mỗi dịp lễ, Tết”.
HÀ PHƯƠNG