Học để thay đổi cuộc đời
Phạm Quốc Toản chụp ảnh lưu niệm trong ngày nhập học tại Trường ĐH Quy Nhơn. Ảnh NVCC |
Nhà của Phạm Quốc Toản ở dưới chân đèo Violắc. Toản nhớ lại lúc còn là học sinh lớp 12A, Trường THPT Phạm Kiệt (H.Ba Tơ), nhận giấy báo trúng tuyển của Trường ĐH Quy Nhơn bản thân và gia đình mừng khôn xiết.
Thời gian sau, khi vào nhập học Trường ĐH Quy Nhơn, Toản mới biết mình là thủ khoa đầu vào của trường này. Tổng điểm xét tuyển đại học của em đạt 27,78 điểm (văn 8,5; sử 8,25 và giáo dục công dân 9,75). Đồng bào ở quê nhà hay tin về kỳ tích của Toản, nhiều người đã đến chia vui, chúc mừng gia đình Toản và xem đây là niềm tự hào của cộng đồng người Hrê ở địa phương.
Toản dáng mảnh khảnh, da trắng là con nông dân Hrê, con của rừng núi Ba Tiêu chính hiệu. Ba Toản tuy là đảng viên nhưng không tham gia chính quyền. Ngày ngày, ba và mẹ của Toản làm ruộng, rẫy, thời gian rảnh thì làm thêm kiếm tiền. Đất Ba Tiêu ít ruộng mà nhiều đất rừng, đất rẫy, ai chịu khó làm ăn cũng đủ sống. Nhờ vậy, từ khi vào lớp 10, Toản được gia đình đưa xuống Trường THPT Phạm Kiệt ở xã Ba Vì (H.Ba Tơ) để học.
Toản đoạt giải nhì cuộc thi về tìm hiểu hôn nhân cận huyết do H.Ba Tơ tổ chức |
Thương cha mẹ nhọc nhằn, cuối tuần Toản về nhà phụ giúp việc làm ruộng, lên rẫy, việc nhà... Cuộc sống cả nhà trông cậy vào ruộng, rẫy mì, rẫy keo, còn nhiều khó khăn nhưng gia đình Toản luôn có tiếng cười. Hai anh em Toản ngoan ngoãn, hiếu thảo, làm động lực cho ba mẹ phấn đấu lao động.
Toản tâm sự rằng bản thân quyết tâm, chăm chỉ học tập vì hy vọng tương lai tươi sáng hơn và để khẳng định rằng: người Hrê cũng học giỏi. Với người Hrê, việc lấy con chữ để thay đổi cuộc đời tưởng như xa vời nhưng nhiều người đã làm được. Những người đó đã thay đổi được cuộc sống của mình và giúp đồng bào nữa.
"Những năm học THPT, em chỉ là học sinh tiên tiến. Không phải suốt ngày học "gạo" vùi trong sách vở, cách của em là học thuộc không bằng học ít nhưng nắm bắt được kiến thức quan trọng, để hiểu sâu thêm", Toản chia sẻ.
Theo đó, khi học trên lớp, Toản lắng nghe bài giảng của thầy, cô giáo để nắm kiến thức cơ bản. Giờ tự học, Toản học thuộc bài rồi tìm hiểu thêm kiến thức từ internet, các trang mạng phục vụ học tập...
"Em rất thích môn văn và lịch sử, thích tìm hiểu về cội nguồn của dân tộc VN. Ban đầu, em dự tính thi sư phạm văn nhưng "duyên nợ" với môn sử, vậy là em trúng tuyển đại học sư phạm sử. Nếu cẩn thận, đọc lại bài kỹ hơn thì môn sử của em không phải 8,25 điểm, bởi đề thi hầu như em nắm hết", Toản nói.
Ước mơ làm thầy giáo
Toản cho biết nhà em ở là vùng sâu, vùng xa dưới chân đèo Violắc, có nhiều người nghèo, nhưng gia đình không thuộc diện hộ đói. Ở đó, các gia đình nuôi con đi học rất khó khăn, nên nhiều bạn bè của Toản đã dở dang việc học hành. Ấy là chưa kể việc nuôi con ăn học đại học quả là hành trình không dễ dàng gì. Trước khi chọn trường đại học, Toản trăn trở và quyết định học ở nơi chi phí phù hợp với túi tiền cha mẹ, không phải lo học phí hoặc học phí thấp... Sau đó, được các thầy cô tư vấn, Toản đăng ký nguyện vọng 1 là Khoa Sư phạm lịch sử Trường ĐH Quy Nhơn.
Gia đình em Phạm Quốc Toản. |
Ngày khăn gói vào học đại học, Toản mang theo chiếc áo truyền thống của các chàng trai Hrê để tự nhắc nhở: "Mình là người Hrê, ngoài việc phải giữ gìn bản sắc dân tộc còn phải cố gắng học tập để đi đến những nỗi niềm đang ấp ủ". Chiếc áo còn nhắc nhớ những lời động viên của thầy cô ngày còn đi học, những năm tháng vượt hàng chục cây số đến trường. Chỉ có học giỏi mới mong làm thầy giáo giỏi và mang kiến thức truyền đạt lại cho học sinh trên chính quê hương mình.
Toản cho biết khi vào đại học, không lo đóng học phí vì được miễn hoàn toàn. Tuy nhiên, cha mẹ ở vùng cao hẻo lánh lo cho con ăn học ở TP.Quy Nhơn (Bình Định) suốt 4 năm không phải chuyện dễ gì. Con đường phía trước còn nhiều đoạn khó phải vượt qua nhưng Toản nghĩ "dám ước mơ thì phải dám theo đuổi".
Ông Lê Văn Chấu, giáo viên Trường THPT Phạm Kiệt (chủ nhiệm lớp 12 của Phạm Quốc Toản), cho biết Toản là người hiền lành, rất chịu khó. Hằng ngày, Toản đi học khoảng 15 km, rất gian nan nhưng chưa nghỉ học buổi nào. Ngoài học tập chăm chỉ, Toản còn tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ nhờ hát hay, nhiệt tình với trường, với lớp. "Nỗ lực vượt khó để học tập và kết quả là đỗ thủ khoa đầu vào Trường ĐH Quy Nhơn của Toản là tấm gương cho học sinh miền núi H.Ba Tơ noi theo", ông Chấu nói.