Thông điệp được ILO phát đi trong bối cảnh lần đầu tiên sau 2 thập kỷ, lao động trẻ em trên thế giới có chiều hướng gia tăng, trong khi chỉ còn 3 năm nữa để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Hiện có hơn 160 triệu trẻ em trên toàn cầu đang phải tham gia lao động. Con số này đã tăng thêm 8,4 triệu chỉ trong vài năm qua. Hơn một nửa trong số đó ở độ tuổi từ 5 đến 11 đang phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Số liệu điều tra cũng cho thấy, lao động trẻ em nhiều nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 70%). ILO kêu gọi xóa bỏ mọi hình thức lao động trẻ em vào năm 2025.
Tại Việt Nam, công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trong thời gian qua đã đạt được tiến bộ đáng kể. Tỷ lệ lao động trẻ em không cao và giảm dần, từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2018, hiện thấp hơn 4% so với tỷ lệ chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các nghiên cứu về lao động trẻ em gần đây cho thấy, có 3 nguyên nhân chủ yếu khiến một số trẻ em ở Việt Nam vẫn phải làm việc là: gia đình nghèo và dễ bị tổn thương; nhận thức còn hạn chế của một bộ phận cha mẹ, gia đình và của chính các em về giá trị của học tập để có công việc phù hợp và thu nhập bền vững; đại dịch Covid-19 khiến một số trẻ em phải lao động như một cách để ứng phó với tình trạng giảm sút thu nhập và sinh kế.
Trên thực tế, trẻ lao động sớm không đơn thuần là câu chuyện của các nhà hoạt động xã hội, giáo dục khi nhìn nhận đó có phải là vi phạm quyền trẻ em hay không? Ở những quốc gia có nền nông nghiệp lâu đời như Việt Nam thì việc trẻ em lao động phụ giúp gia đình vốn được xem là bình thường, khi làm những phần việc nhẹ và đơn giản như thu hoạch trái cây hay một phần việc trong chế biến thủy sản… Lao động trẻ em thường chỉ có ở doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp gia đình mà hầu như rất ít xảy ra ở các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp xuất khẩu vì những quy định nghiêm ngặt của thị trường.
Nhiều nước châu Âu kiên quyết không nhập hàng hóa của một quốc gia nào đó nếu có bằng chứng cho thấy hàng hóa được hình thành từ việc sử dụng lao động trẻ em. Điều đó lý giải vì sao đã từng có việc cà phê ở Việt Nam và Lào bị từ chối nhập khẩu ở một số nước châu Âu vì khách hàng phát hiện trẻ em có mặt trong vườn cà phê mùa thu hoạch, nhưng thực ra là vì không có người trông, cha mẹ phải mang theo con lên rẫy.
Lao động sớm sẽ tước đi tuổi thơ và có hại cho sự phát triển toàn diện về thể chất, tâm lý, cũng như cản trở việc tiếp cận giáo dục một cách công bằng của trẻ. Về lâu dài, tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.
Việt Nam đang tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm bảo đảm công bằng về tiếp cận giáo dục cho trẻ em nông thôn, miền núi, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ khuyết tật, trẻ em trong các gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tăng cường các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, trong đó trẻ em là đối tượng ưu tiên; đẩy mạnh các chương trình, dự án của Chính phủ và hợp tác quốc tế về cải thiện điều kiện, môi trường lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức; tạo nguồn sinh kế cho các gia đình; hỗ trợ trẻ em tiếp cận dịch vụ giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, việc tăng cường và nâng cao nhận thức về các cam kết quốc tế trong lĩnh vực lao động nói chung và phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng. Do vậy, ngoài việc chủ động thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế, trong đó có cam kết về phòng ngừa, giảm thiểu và hướng tới xóa bỏ mọi hình thức lao động trẻ em, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị nhằm thay đổi nhận thức và hành động từ chính trẻ em, gia đình, cộng đồng, doanh nghiệp, nhà trường nhằm đảm bảo tất cả trẻ em Việt Nam có cơ hội được giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và phát triển toàn diện.